Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 15-08-2024

Mỹ phẩm Việt Nam nắm bắt cơ hội phát triển bền vững

Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng trở nên phổ biến, khi người tiêu dùng nhận ra rằng mỗi hành vi cá nhân đều có tác động lớn đến môi trường. Sau đại dịch Covid-19, xu hướng chuyển đổi sang tiêu thụ các sản phẩm giảm thiểu rác thải và tiết kiệm tài nguyên đã gia tăng trên toàn cầu.

Thị trường mỹ phẩm “sạch” dự tính đạt 22 tỷ USD vào năm 2027

Theo báo cáo thị trường của Nielsen, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) khoảng 24% trong giai đoạn 2021-2027. Đáng chú ý, sự bền vững đã trở thành một xu hướng quan trọng trong ngành làm đẹp và chăm sóc cá nhân, với thị trường mỹ phẩm “sạch” dự kiến đạt giá trị 22 tỷ USD vào năm 2027. Chiến lược Net Zero đang trở thành trung tâm trong các kế hoạch phát triển của nhiều tập đoàn lớn trong ngành này.

Chăm sóc “lành tính” trở thành xu hướng

Người tiêu dùng hiện đại không còn chỉ quan tâm đến những sản phẩm làm đẹp với hiệu quả nhanh chóng mà còn yêu cầu tính minh bạch, trách nhiệm với môi trường và giá trị đạo đức từ các thương hiệu. Xu hướng này đã tác động mạnh mẽ đến ngành mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân, khi nhu cầu về sản phẩm xanh đang tăng trưởng nhanh hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm thông thường.

Theo báo cáo ESG hàng năm của Ulta, hơn 50% khách hàng thế hệ Gen Z xem xét kỹ các thành phần trong sản phẩm làm đẹp trước khi mua hàng. Ulta cũng nhận thấy 90% Gen Z và khách hàng trẻ tuổi quan tâm đến việc mua các sản phẩm làm đẹp an toàn trong tương lai. Đến năm 2027, Ulta kỳ vọng doanh thu của họ sẽ tăng 12% trên thị trường mỹ phẩm sạch toàn cầu.

Một báo cáo khác từ Circana cho thấy hơn 65% người tiêu dùng nói chung ưu tiên các thành phần nguyên liệu sạch và có nguồn gốc từ thiên nhiên khi chọn mua sản phẩm. Điều này đặc biệt được quan tâm bởi các thế hệ Millennials và Gen Z. Theo dữ liệu từ Statista, thị trường mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ toàn cầu dự báo sẽ đạt 15,7 tỷ USD vào năm 2025, minh chứng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành làm đẹp.

Với hơn 23 triệu kết quả tìm kiếm về các từ khóa liên quan đến sản phẩm chăm sóc cá nhân thiên nhiên và hữu cơ trên Google, tính bền vững trong thành phần sản phẩm đang trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp.

Nhiều thương hiệu quốc tế đã tiên phong trong xu hướng này. Công ty Davines đã trở thành công ty trung hòa carbon từ năm 2018, và vào năm 2019, họ ra mắt sản phẩm dầu gội A Single Shampoo với 95% thành phần có nguồn gốc thiên nhiên. Tương tự, thương hiệu L’Occitane đang khôi phục các phương pháp canh tác sinh thái và hữu cơ, trong khi tập đoàn Pierre Fabre và Clarins đã sở hữu các cánh đồng riêng để sản xuất nguyên liệu.

Trong phân khúc mỹ phẩm cao cấp, Dior cũng đã cam kết rằng các sản phẩm dưỡng da của họ sẽ chứa ít nhất 90% thành phần chiết xuất từ thiên nhiên. Các thương hiệu này đều đang áp dụng các kỹ thuật truyền thống và sử dụng nguyên liệu tự nhiên để tạo ra những sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường.

Cơ hội cho mỹ phẩm Việt Nam

Tại Việt Nam, sự phát triển của tầng lớp trung lưu đã thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm chăm sóc da từ thiên nhiên và hữu cơ. Các thương hiệu mỹ phẩm Việt đang tận dụng lợi thế này bằng cách cung cấp các sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu thực vật có nguồn gốc địa phương. Ví dụ, thương hiệu Cocoon sử dụng cafe Đắk Lắk và nghệ Hưng Yên trong các sản phẩm của mình. Cỏ Mềm Homelab cũng sử dụng các nguyên liệu từ tơ tằm, rau má, sâm Lai Châu… Thorakao, một thương hiệu lâu đời ra đời từ năm 1957, đã phát triển gần 100 sản phẩm chăm sóc da, tóc và cơ thể từ các loại thảo mộc như cây trầu, lá hẹ, gừng, sả.

Mỹ phẩm Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển trong xu hướng xanh và bền vững, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm chăm sóc cá nhân thân thiện với môi trường và có nguồn gốc thiên nhiên.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 50
Hôm nay: 777
Tổng lượt truy cập: 3.491.578
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!