Các yếu tố tác động tới an ninh công việc của người lao động tại các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ
An ninh công việc (ANCV) là một vấn đề toàn cầu, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Bảo đảm ANCV góp phần tạo ra sự ổn định và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, tăng sự hài lòng, cam kết của người lao động (NLĐ) với tổ chức, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay, việc hình thành nhiều khu công nghiệp (KCN) thu hút số lượng lớn lao động đặt ra vấn đề ANCV đối với NLĐ trong khu vực này. Tính đến đầu tháng 9/2021, cả nước có 397 KCN được thành lập, trong đó có 291 KCN đã đi vào hoạt động và 106 KCN đang trong quá trình xây dựng. Các KCN trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,07 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 10% lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước, trong đó có khoảng 456 nghìn lao động nước ngoài, chiếm 11,2% số lao động làm việc tại các KCN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021).
Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu của cử nhân Trần Thị Thanh Tuyến, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển, về các yếu tố tác động tới an ninh công việc (ANCV) tại các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tám yếu tố tác động tới an ninh công việc gồm: Gia đình, họ hàng; Môi trường làm việc; Trợ giúp từ công đoàn; Quan hệ đồng nghiệp; Chính sách phúc lợi của doanh nghiệp; Chính sách đào tạo của doanh nghiệp; Chính sách đào tạo nghề của địa phương; và Nỗ lực cá nhân của người lao động.
Do vậy, để bảo đảm ANCV của NLĐ cũng như ổn định sản xuất của các công ty/doanh nghiệp, cần thiết phải lưu ý tới khía cạnh gia đình của NLĐ. Nhiều công ty/doanh nghiệp tại các KCN hiện nay ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, đây cũng là một hướng đi hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu gần gũi, chăm sóc gia đình của NLĐ, góp phần vào đảm bảo ANCV cho NLĐ và đảm bảo nguồn nhân lực sản xuất thường xuyên cho các doanh nghiệp. Cần có các chính sách tuyển dụng cũng như ưu tiên cho lao động tại địa phương vào làm việc tại các KCN.
Tiếp đến, để có được ANCV tốt nhất cho NLĐ, cần phải đảm bảo môi trường làm việc, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của NLĐ. Ban Quản lý các KCN cần phải có các chính sách nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn, điều kiện tốt đáp ứng các tiêu chuẩn về cảnh quan, vệ sinh cũng như bảo vệ sức khỏe cho NLĐ. Các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng tới vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, khí hậu trong lành nhằm đảm bảo sức khỏe cho NLĐ cũng như không ô nhiễm đối với môi trường làm việc.
Các tổ chức công đoàn có vai trò quan trọng góp phần đảm bảo ANCV của NLĐ. Do vậy, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn KCN, công đoàn của các doanh nghiệp để công đoàn là cầu nối tốt nhất giữa quản lý doanh nghiệp và NLĐ, hỗ trợ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của NLĐ khi mà các chính sách của doanh nghiệp không thể bao phủ hết mọi mặt của lao động, sản xuất và chăm lo đời sống NLĐ. Khi xây dựng các chính sách của doanh nghiệp cần đặt vai trò của công đoàn ở vị trí trung tâm, cần có các nguyên tắc, quy chế hoạt động của công đoàn, trong đó chú trọng vai trò quan trọng là nhịp cầu nối giữa NLĐ và giới chủ doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa các mâu thuẫn, mất ANCV của NLĐ.
Các chính sách quản lý của các doanh nghiệp cần thiết phải hướng tới một môi trường làm việc mà ở đó quan hệ giữa những NLĐ được đảm bảo có sự tương trợ, giúp đỡ và đoàn kết nhằm đảm bảo tối đa ANCV của NLĐ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần thiết phải trú trọng tới việc đảm bảo chính sách phúc lợi xã hội cho NLĐ, góp phần vào đảm bảo ANCV cho NLĐ.
Cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách đào tạo nghề của địa phương, các tỉnh có KCN và nhu cầu sử dụng lao động thực tế tại các doanh nghiệp trong KCN. Đặc biệt là đào tạo nghề tại các trường cao đẳng, dạy nghề tại các địa phương. Lao động KCN là khu vực thu hút lực lượng lao động lớn tại mỗi tỉnh. Bảo đảm nguồn nhân lực đầu vào sẽ giúp NLĐ đáp ứng tốt được yêu cầu của công việc và duy trì công việc theo mong muốn. Chính sách của các doanh nghiệp cần hướng tới sự khuyến khích, động viên và tạo động lực cho NLĐ tự đào tạo, nâng cao tay nghề, từ đó có cơ sở để phát triển, thăng tiến, đạt được mức thu nhập và vị trí mong muốn, đảm bảo ANCV. Cần phối hợp với các trường cao đẳng, dạy nghề đưa ra các tiêu chí đào tạo, chất lượng đào tạo và nhu cầu đào tạo để nguồn cung lao động từ các trường được đáp ứng với cầu của lao động tại các doanh nghiệp.