Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 15-03-2023

Điều tra thống kê sinh học và nghiên cứu tu chỉnh các giống thuộc họ ong ký sinh Braconidae ở Việt Nam

Nhằm điều tra thống kê sinh học, tập trung vào các phân họ Braconinae, Doryctinae, Microgastrinae, Orgilinae và Rogadinae trong đất liền Việt Nam. Đồng thời, tập hợp bộ sưu tập mẫu tham chiếu (types) và mẫu nghiên cứu với cơ sở dữ liệu liên quan, công bố (số liệu tổng quan hoặc tu chỉnh) đăng trong các tạp chí uy tín quốc tế và quốc gia, tập trung công bố ghi nhận mới và mô tả taxon mới cho khoa học thuộc họ Braconidae từ khu hệ của Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng nhóm nghiên cứu do PGS. TS. Khuất Đăng Long làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Điều tra thống kê sinh học và nghiên cứu tu chỉnh các giống thuộc họ ong ký sinh Braconidae ở Việt Nam” với các nội dung cụ thể bao gồm: (i) Tiến hành điều tra và nghiên cứu về hệ thống học và phân loại học ở mức độ giống và loài thuộc các phân họ Braconinae, Doryctinae, Microgastrinae, Orgilinae và Rogadinae trong họ ong ký sinh Braconidae ở Việt Nam. (ii) Thu thập dữ liệu có liên quan đến nơi sống và thông tin về vật chủ của các loài ong ký sinh trong tự nhiên. (iii) Chủ động phân tích mẫu vật thu được trong điều tra nhằm tìm kiếm phát hiện những đơn vị phân loại mới cho khoa học (loài hoặc giống) từ khu hệ của Việt Nam và làm rõ vai trò các loài đặc hữu trong phát sinh chủng loại hoặc là loài quan trọng có thể sử dụng trong biện pháp sinh học phòng chống sâu hại cho cây trồng trong các hệ sinh thái nhiệt đới điển hình ở Việt Nam. (iv) Xây dựng bộ sưu tập mẫu tham chiếu (các mẫu vật chuẩn) và mẫu vật với đủ dữ liệu cho việc nghiên cứu (bộ sưu tập mẫu nghiên cứu), đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế trong việc truy cập và trao đổi. (v) Thu thập dữ liệu về phân tử và hình thái (các khóa định loại so sánh và mô tả) giúp cho việc soạn thảo khu hệ ong ký sinh họ Braconidae ở Việt Nam.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được những kết quả sau:

1. Năm 2017: Kết quả nghiên cứu được công bố trong 02 bài báo, trong đó 1 bài trên Tạp chí quốc tế có uy tín và 1 bài trên Tạp chí quốc gia có uy tín. Giá trị khoa học ở chỗ đã tu chỉnh giống Stantonia thuộc phân họ Orgilinae ở Việt Nam có so sánh với giống này ở Nhật Bản và Trung Quốc, trong đó đã ghi nhận mới 3 loài, 1 phân giống mới và mô tả 6 loài mới cho khoa học từ khu hệ ong ký sinh họ Braconidae ở Việt Nam. Ghi nhận mới 3 giống hiếm gặp thuộc phân họ Doryctinae và mô tả 5 loài mới cho khoa học thuộc những giống này ở Việt Nam.

2. Năm 2018: Kết quả gồm 02 bài báo công bố, trong đó 1 bài trên Tạp chí quốc tế có uy tín và 1 bài trên Tạp chí quốc gia có uy tín, đã ghi nhận mới 2 giống thuộc phân họ Doryctinae và Brachistinae) với mô tả 6 loài mới từ khu hệ của Việt Nam.

3. Năm 2019: Kết quả nghiên cứu được công bố trong 03 bài báo trên Tạp chí quốc tế có uy tín. Giá trị khoa học ở chỗ đã ghi nhận mới 2 giống thuộc 2 phân họ Cardiochilinae và Doryctinae với mô tả 7 loài mới cho khoa học từ khu hệ của Việt Nam.

4. Năm 2020: Đã công bố trong 02 bài báo trên Tạp chí quốc tế có uy tín (American Museum Novitates và ZooKeys), kết quả đã tu chỉnh giống Wroughtonia (phân họ Helconinae) ở Việt Nam trong đó mô tả 1 phân giống mới, 12 loài mới cho khoa học và ghi nhận mới 5 loài cho khu hệ; mô tả 1 giống mới cho vùng Oriental, Orientocardiochiles Kang & Long với 1 loài mới cho khoa học, Orientocardiochiles nigrofasciatus Long thuộc khu hệ ong ký sinh họ Braconidae của Việt Nam. Đã chứng minh cho sự đa dạng của khu hệ ong ký sinh họ Braconidae ở Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới qua mô tả những loài và giống mới cho khoa học.

Nhóm đề tài mong muốn được tiếp tục nghiên cứu theo hướng điều tra thống kê đa dạng sinh học nhóm ong ký sinh họ Braconidae và chứng minh sự đa dạng qua những taxon mới cho khoa học từ khu hệ của Việt Nam và giá trị bảo tồn của chúng trong hệ sinh thái nhiệt đới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18090/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 59
Tổng lượt truy cập: 4.034.758
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!