Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 12-07-2023

Nghiên cứu tác động tăng năng suất lao động đến phát triển công nghiệp Việt Nam

Trong giai đoạn 2006-2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng trưởng 3,42 lần, cùng với đó tỷ trọng GDP công nghiệp cũng ổn định ở mức 31- 32% và tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong các ngành của nền kinh tế quốc dân. Tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2015 đạt bình quân 6,9%/năm, trong đó giai đoạn 05 năm đầu đạt 5,9%/năm và 05 năm sau là 7,9%/năm.

Mặc dù vậy, nhưng tăng trưởng sản xuất công nghiệp giai đoạn vừa qua chưa cao, thiếu bền vững. Năng suất lao động công nghiệp vẫn ở mức thấp. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%. So với các quốc gia trong khu vực, năng suất lao động công nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.

Chính vì vây, việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng về năng suất lao động trong ngành công nghiệp, khung chính sách cũng như tác động của năng suất lao động đối với phát triển ngành công nghiệp nói chung và cụ thể một số ngành được lựa chọn nói riêng nhằm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có sự nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của năng suất lao động đối với phát triển ngành công nghiệp từ đó có định hướng phát triển và các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Thu Bình thực hiện Nghiên cứu tác động tăng năng suất lao động đến phát triển công nghiệp Việt Nam với mục tiêu: Nghiên cứu cơ sở khoa học về vai trò của năng suất lao động và khung chính sách về nâng cao năng suất lao động; Phân tích, đánh giá hiện trạng về năng suất lao động trong các ngành công nghiệp Việt Nam và các chính sách có liên quan.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều tài liệu nghiên cứu về năng suất lao động và tác động của năng suất lao động tới tăng trưởng của các ngành nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Cũng như có nhiều điều tra, nghiên cứu, so sánh năng suất lao động giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về năng suất lao động của Việt Nam trong ngành công nghiệp được công bố.

Ở Việt Nam, đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào đánh giá về năng suất lao động trong các ngành công nghiệp Việt Nam và tác động của việc tăng năng suất lao động đến tăng trưởng và phát triển của ngành công nghiệp. Hầu hết các tài liệu về năng suất lao động là đánh giá năng suất và tác động của năng suất đến toàn nền kinh tế nói chung.

Việc xác định tác động của năng suất lao động đến phát triển công nghiệp Việt Nam thông qua mô hình do nhóm tác giả đề xuất là tương đối phù hợp với thực tại của nền kinh tế Việt Nam, do vậy có thể áp dụng dạng mô hình này để xác định tác động của năng suất lao động đến phát triển công nghiệp Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhất, nghiên cứu này là cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý trong doanh nghiệp trong việc quản lý, tăng năng suất lao động. Xác định được năng suất lao động hợp lý giúp các nhà quản lý kiểm soát tốt tình trạng sử dụng lao động, đầu tư, áp dụng công nghệ… để ra các quyết sách đúng đắn, và có những khuyến nghị kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói riêng. Việc này rất quan trọng, góp phần ổn định nền kinh tế của đất nước. Có thể sử dụng mô hình kinh tế lượng đề xuất mức đóng góp hợp lý của năng suất lao động vào mục tiêu tăng trưởng công nghiệp Việt Nam áp dụng cho trường hợp mục tiêu tăng trưởng của năm 2016, 2017 (có thể chỉ cần 1 năm 2017) đối với toàn ngành và một số ngành: điện, than, dầu khí, dệt may, da giày, công nghiệp điện tử (chọn ngành có quyền số lớn, cùng ngành với phần thực trạng...).

Thứ hai, kết quả phân tích của đề tài cho thấy vai trò của khu vực sản xuất công nghiệp đối với nền kinh tế là rất lớn, đóng góp khoảng 35% vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, trong các ngành của khu vực sản xuất công nghiệp do việc phân bổ lao động chưa đều, và đặc thù đầu ra của các ngành. Do vậy dẫn đến năng suất lao động giữa các ngành là tương đối khác biệt

Thứ ba, đóng góp của năng suất lao động vào đầu ra của khu vực sản xuất công nghiệp chưa cao, đặc biệt là đối với ngành than. Điều này cho thấy vai trò của năng suất lao động vẫn chưa được phát huy tích cực.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18577/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 258
Tổng lượt truy cập: 4.030.633
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!