Khai thác, phát triển nguồn gen lúa nếp địa phương chất lượng cao (Nếp tan nhe, Khẩu nua nương) phục vụ sản xuất hàng hóa tại miền núi phía Bắc
Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cây trồng đang là nhiệm vụ được thế giới rất quan tâm, trong đó bảo tồn thông qua sử dụng được coi là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhất cho công tác bảo tồn nguồn gen và góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Công tác khai thác nguồn gen là một trong bốn nội dung quan trọng của nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật cho mục tiêu lương thực và nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu khai thác, sử dụng, phát triển nguồn gen cây trồng góp phần làm giàu thêm nguồn gen, đa dạng hóa bộ giống trong sản xuất, mở rộng sinh kế cho cư dân nông thôn và tăng cường cơ sở khoa học cho bảo tồn nguồn tài nguyên cây trồng.
Giống lúa Nếp tan nhe và Khẩu nua nương là hai giống lúa chất lượng cao, thích hợp với chân đất ruộng vàn ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lạng Sơn... Chất lượng cơm dẻo, thơm, ngon, vị đậm, có giá bán gấp 2-3 lần so với các loại gạo khác. Tuy nhiên, hiện nay hai giống này đã bị thoái hóa và lẫn tạp nên năng suất và chất lượng đều giảm mạnh, diện tích gieo trồng hạn chế và chỉ còn ở một số địa phương trong tỉnh Sơn La, Lạng Sơn. Việc phục tráng để mở rộng sản xuất các giống lúa chất lượng nói trên không những đáp ứng nhu cầu gạo chất lượng cao mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho các dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Tài nguyên Thực vật do TS. Vũ Linh Chi dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: "Khai thác phát triển các nguồn gen lúa nếp địa phương chất lượng cao (Nếp tan nhe, Khẩu nua nương) phục vụ sản xuất hàng hóa tại miền núi phía Bắc" trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021.
Mục tiêu của đề tài là nhằm phục tráng 2 giống lúa nếp địa phương (Nếp tan nhe, Khẩu nua nương); xây dựng 2 quy trình canh tác và bảo quản cho các giống lúa được phục tráng; và xây dựng mô hình sản xuất lúa, gạo hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao cho các giống lúa được phục tráng.
Sau năm năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
1. Đã điều tra, đánh giá bổ sung đặc điểm nông sinh học đặc trưng của 02 giống lúa Nếp tan nhe, Khẩu nua nương; từ đó đã xây dựng được bảng mô tả tính trạng đặc trưng của 02 giống; đã tiến hành phân tích chất lượng, đánh giá khả năng chịu hạn, khả năng chống chịu sâu bệnh (đạo ôn, bạc lá, rầy nâu) của 2 giống lúa Nếp tan nhe, Khẩu nua nương.
2. Đã phục tráng thành công 2 giống lúa chất lượng cao (Nếp tan nhe và Khẩu nua nương) trên cơ sở hoàn thiện bảng mô tả đặc điểm nông sinh học đặc trưng. Sản xuất được 600 kg hạt Nếp tan nhe siêu nguyên chủng, 400kg hạt Khẩu nua nương siêu nguyên chủng đạt chuẩn kỹ thuật theo quy chuẩn QCVN01-54-2011/BNNPTNT.
3. Đã xây dựng được quy trình canh tác cho 2 giống lúa trên cơ sở kết quả nghiên cứu xác định một số biện pháp kỹ thuật thích hợp.
4. Đã xây dựng được quy trình bảo quản, chế biến phù hợp cho 2 giống lúa.
5. Đã xây dựng thành công 2 mô hình sản xuất hàng hóa 2 giống lúa đƣợc phục tráng sử dụng qui trình kỹ thuật mới với quy mô 50 ha/mô hình; hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn so với sản xuất giống ngoài mô hình lần lượt là 46,8% đối với giống Nếp tan nhe và 47,87% đối với giống Khẩu nua nương. Đồng thời đã tổ chức được 2 hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu, phục tráng và xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa 2 giống Nếp tan nhe và Khẩu nua nương.
Trên cơ sở giống được phục tráng và kết quả nghiên cứu biện pháp canh tác, đề tài đã triển khai xây dựng 2 mô hình sản xuất hàng hóa. Năng suất của các giống lúa tại các mô hình đều vượt trên 12%, hiệu quả kinh tế của giống trong mô hình tăng trên 15% so với giống chưa phục tráng. Đề tài đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa ở các điểm triển khai và từng bước mở rộng cho các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19582/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/