Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 07-10-2024

Nghiên cứu công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường trong vùng dịch và vùng có nguy cơ bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi đang ngày một diễn biến phức tạp kéo theo các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường, điển hình gần đây là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã và đang gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với ngành chăn nuôi lợn trên thế giới. Lợn mắc bệnh xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào độc lực của virus và khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể với tác nhân gây bệnh. Phần lớn lợn mắc bệnh đều ở thể cấp tính dẫn đến tỷ lệ tử vong cao lên tới 95-100%. Sau khi xuất hiện, bệnh thường có biểu hiện lâm sàng dưới dạng cấp tính trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang mầm bệnh.

Để tiêu hủy lợn chết do bệnh DTLCP, cần lựa chọn phương pháp phù hợp nhằm loại bỏ mầm bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đồng thời tận dụng được nguồn xác lợn vốn giàu chất hữu cơ và dinh dưỡng, đặc biệt là giàu protein để làm phân bón và thức ăn chăn nuôi bổ sung. Phương pháp xử lý hiện nay tại các ổ dịch là chôn lấp với chi phí nhân công cao, cần diện tích bãi chôn lấp lớn và có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Để có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường phù hợp,  cần phải có các nghiên cứu và dẫn chứng khoa học chắc chắn, từ đó đưa ra các giải pháp hữu ích hỗ trợ người dân. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam do PGS.TS. Lại Thị Lan Hương đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường trong vùng dịch và vùng có nguy cơ bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi” từ năm 2019 đến năm 2021.

Đề tài hướng đến thực hiện ba mục tiêu sau: xây dựng được quy trình xử lý vệ sinh thú y đối với động vật mắc bệnh, xác động vật mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh trong vùng bị bệnh DTLCP và vùng có nguy cơ bị bệnh DTLCP theo các quy mô xử lý; xây dựng được quy trình xử lý vệ sinh thú y đối với sản phẩm chăn nuôi, môi trường đất, nước, không khí trong vùng bị bệnh DTLCP và vùng có nguy cơ bị bệnh DTLCP theo các quy mô xử lý; và xây dựng quy trình công nghệ xử lý xác lợn nói riêng và xác động vật nói chung bằng sự kết hợp tiền xử lý bởi nhiệt với thủy phân nhờ hệ enzyme do vi sinh vật sinh ra tạo thành đạm động vật.

Dưới đây là một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:

- Kết quả khảo sát thực trạng chôn lấp xác động vật trong vùng DTLCP tại 5 tỉnh/thành phố đã chỉ ra: Virus có khả năng sống sót trong các hố chôn lấp xác lợn tới 1 tháng nhưng ở nồng độ thấp. Virus sẽ bất hoạt hoàn toàn sau 3 tháng chôn lấp xác lợn; Việc chôn xác lợn chết làm tăng mật độ vi khuẩn E.coli, Salmonella trong môi trường đất ở độ sâu 2,5m (có mạch nước), không phát hiện thấy E.coli, Salmonella trong môi trường đất ở độ sâu 1m - 2m. Việc chôn xác lợn được giám sát bởi cơ quan quản lý địa phương (liên quan tới hỗ trợ sau này). Bước đầu xác định mức độ ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí của các vị trí nghiên cứu đã tiến hành chôn lấp lợn mắc DTLCP là rất thấp; Không phát hiện dầu mỡ trong các tầng đất ở cả 3 quy mô chôn lấp; Hầu như không có sự thay đổi chất lượng môi trường không khí trước và sau hướng gió cũng như theo thời gian chôn lấp đối với các ô chôn lấp tại các tỉnh nghiên cứu. Thực trạng chôn lấp xác lợn ở một số nơi còn bất cập như quỹ đất chôn lấp rất hạn chế, nơi chôn xác lợn chưa cắm biển báo điểm tiêu hủy, vị trí bố trí điểm chôn còn gần nguồn nước, chưa đánh dấu cập nhật điểm chôn lấp trên bản đồ quản lý đất đai....

- Kết quả đánh giá thực trạng thiêu đốt xác động vật trong vùng DTLCP tại 5 tỉnh/thành phố cho thấy: Việc thiêu đốt xác lợn được giám sát bởi cơ quan quản lý địa phương (liên quan tới hỗ trợ sau này); các hố thiêu đốt lợn chủ yếu gần các bãi rác, nghĩa trang. Đa số xác lợn được đốt cháy triệt để, ít gây nguy cơ đến chất lượng môi trường đất và rủi ro ô nhiễm nguồn nước ngầm, không ảnh hưởng nhiều tới nồng độ các khí thải phát sinh vì khi đốt vì xác lợn được cho vừa đủ vào hố đốt và khi thể tích giảm đi do quá trình cháy thì xác lợn lại được tiếp tục bổ sung vào. Phương pháp đốt hiện hành không gây ô nhiễm không khí xung quanh tại khoảng cách ít nhất 15 m cách vị trí đốt. Tuy nhiên, việc đốt thủ công vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Kết quả nghiên cứu xử lý vệ sinh thú y đối với động vật, phụ phẩm, chất thải chăn nuôi bằng một số hoá chất và chế phẩm trong vùng DTLCP đã chỉ ra rằng: Các loại hóa chất như Iodine, Virkon S, Chloramin, Chloramine B/T và vôi, chế phẩm nano bạc để phun khử trùng, tiêu độc cơ sở chăn nuôi khi xảy ra DTLCP (liều lượng như hướng dẫn của nhà sản xuất, tuân thủ về cách khử trùng) đều có hiệu quả khử trùng tiêu độc khi cơ sở chăn nuôi tuân thủ liều lượng, cách khử trùng. Việc sử dụng chế phẩm nano bạc có thể là hóa chất khử trùng có hiệu quả cao song cần phải nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ về động học và cách sử dụng chế phẩm nano bạc khi khử trùng, tiêu độc. Khi xử lý chất thải chăn nuôi, môi trường chăn nuôi trong khu vực chăn nuôi bị bệnh DTLCP theo các quy mô khác nhau, cần phun thuốc khử trùng trước, sau đó mới thu dọn chất thải để giảm nguy co phát tán, lây lan virus DTLCP trong môi trường chăn nuôi.

- Đề tài đã xây dựng, trình và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận và ban hành: +03 quy trình xử lý xác lợn đối với động vật mắc bệnh trong vùng bị bệnh DTLCP theo các quy mô khác nhau bằng phương pháp chôn lấp, đốt và thủy phân.

Kết quả nghiên cứu quy trình xử lý xác lợn bằng công nghệ enzyme của vi sinh vật để sản xuất đạm thủy phân động vật cho thấy có thể sử dụng chế phẩm vi sinh chứa các chủng vi sinh vật có hoạt tính enzyme thuỷ phân cao với tỷ lệ 1% (chế phẩm/nguyên liệu), nhiệt độ thích hợp 36-450C, độ ẩm thích hợp 42-59% để thủy phân và xử lý xác lợn, hiệu quả thuỷ phân cao, tạo ra sản phẩm làm phân bón và/hoạc thức ăn chăn nuôi

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20234/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 1075
Tổng lượt truy cập: 3.951.094
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!