Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Chuyển đổi số

Ngày đăng: 06-02-2023

Đi chợ không dùng tiền mặt

Việc mua bán hàng hóa tại các chợ nói chung trên địa bàn tỉnh như cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống..., đặc biệt mua bán vào dịp trước, trong và sau Tết đã trở nên thuận tiện, an toàn hơn. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua dịch vụ quét mã QR với chiếc điện thoại thông minh ngày càng được nhiều người dân sử dụng.

 

Nhiều khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán online khi đi chợ -Ảnh: T.L

Chị Hồ Thị Huyền Trâm ở Phường 3, TP.Đông Hà, sử dụng dịch vụ thanh toán tiền online hơn 2 năm nay, chủ yếu là khi mua hàng tại siêu thị, cửa hàng, còn mua tại chợ truyền thống thì vẫn phải rút tiền mặt. Năm nay, chị rất hài lòng vì đa số người bán hàng tại chợ Phường 3 sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc thanh toán diễn ra nhanh gọn, thuận tiện cho cả người bán và người mua. Chị Trâm cho biết, khi đi chợ chỉ cần mang theo điện thoại thông minh để quét mã QR thanh toán tiền mua hàng, không còn xếp hàng chờ đợi để rút tiền mặt tại các cây ATM như trước đây. Chị đã sắm đầy đủ đồ dùng Tết cho gia đình mà không cần sử dụng tiền mặt.

Dịp Tết 2023, nhiều người bán hoa, cây cảnh tại công viên Phidel đã chuẩn bị sẵn mã QR để khách hàng quét mã trả tiền. Ông Bùi Văn Yên ở tỉnh Nam Định thuê một lô tại công viên Phidel để bán hoa đào Nhật Tân.

Ông cho biết, trước đây năm nào cũng đến chiều tối 30 Tết mới bán hàng xong, thu dọn hành lý và đón xe khách về quê. Điều khiến ông cũng như nhiều người bán cây cảnh khác lo lắng là mang tiền mặt bên người khi đi đường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không may bị mất tiền thì bao nhiêu vốn liếng đầu tư cho mùa Tết trắng tay. Năm nay, việc bán cây cảnh của ông Yên và nhiều người khác đều được thanh toán qua chuyển khoản nên mọi người hoàn toàn yên tâm với số tiền mình thu được.

Chị Lê Thị Năm bán thịt heo, bò tại chợ Phường 5, TP. Đông Hà. Hình ảnh khiến khách hàng quen thuộc là chị vừa bán, vừa chỉ vào tấm ảnh có mã QR được dán ở quán để khách chuyển tiền thanh toán.

Chị Năm cho hay gần 70% lượng khách mua thịt heo, bò của chị đều quét mã QR trả tiền. Nhìn cách bán hàng và thanh toán thuận lợi của chị Năm, nhiều tiểu thương tại chợ đã mở tài khoản ngân hàng và dùng mã QR để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ở các chợ truyền thống tại TP. Đông Hà, đến nay nhiều tiểu thương đều dùng mã QR hoặc số tài khoản ngân hàng để khách tiện thanh toán. Chị Đỗ Thị Thêm buôn bán ở chợ Đông Hà được hơn 20 năm, chủ yếu thanh toán với khách hàng bằng tiền mặt. Do nhu cầu thanh toán tiền online ngày càng nhiều nên chị mở tài khoản ở ngân hàng và in mã QR để chiều lòng khách.

Thêm vào đó, hình thức này giúp chị có thể chuyển tiền cho đầu mối cung cấp hàng mà không cần phải dùng tiền mặt hoặc đến ngân hàng như trước đây. Bây giờ ai cũng có điện thoại thông minh nên cài mã QR để thanh toán tiền chính xác từng con số lẻ.

Phó trưởng Ban Quản lý chợ Đông Hà Nguyễn Thị Thu Thanh cho biết, nhiều tiểu thương và người mua hàng rất thích thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt vì thuận tiện, văn minh. Hình thức thanh toán này giờ đây không chỉ phổ biến ở các trung tâm thương mại, siêu thị mà đã trở thành xu thế tại chợ truyền thống. Tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán tại chợ Đông Hà hiện lên đến hơn 50% các giao dịch và xu hướng này tiếp tục tăng.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Trị, thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc thanh toán không dùng tiền mặt, cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu hướng đến là tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỉ lệ tiền mặt trong lưu thông, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế…

Để thúc đẩy phương thức này, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Tại Quảng Trị, số lượng và giá trị giao dịch qua các kênh thanh toán không dùng tiền mặt tăng dần qua các năm.

Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm 2022, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như giao dịch qua ví điện tử, ứng dụng và thẻ ngân hàng tăng hơn 100% về số lượng và giá trị, trong đó số lượng giao dịch qua kênh thanh toán Mobile banking chiếm tỉ trọng cao nhất.

Dự đoán, năm 2023, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh và sẽ bùng nổ. Nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn cho người tiêu dùng.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 367
Tổng lượt truy cập: 3.502.816
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!