Tăng tốc chuyển đổi số trên các lĩnh vực
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Trị cơ bản chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh theo các mục tiêu mà Nghị quyết số 02 ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy đã đề ra, tỉnh Quảng Trị đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy phát triển chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực.
Phát huy vai trò của đội ngũ thanh niên trẻ, trí thức trẻ trong việc tiên phong chuyển đổi số - Ảnh: H.T
Chuyển đổi số là giải pháp nền tảng và cũng là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Chuyển đổi số cần thực hiện trên cả ba trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó trọng tâm là thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển.
Đến nay, 100% đơn vị trong tỉnh đã có các trang thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; hệ thống văn phòng điện tử được triển khai đồng bộ 100%; hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai đồng bộ tại tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Hệ thống hội nghị truyền hình gồm 10 điểm được triển khai lắp đặt tại văn phòng UBND tỉnh (điểm cầu trung tâm) và 9 văn phòng UBND cấp huyện (điểm cầu vệ tinh).
Mặt khác, 100% xã, phường, thị trấn đã được hỗ trợ triển khai hội nghị truyền hình kết nối 2 chiều từ Chính phủ về cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh tiếp tục được duy trì và khai thác hiệu quả. Cụ thể đã tích hợp nhiều dịch vụ như giám sát hành chính công, giám sát an toàn giao thông và an ninh trật tự công cộng, giám sát y tế, giáo dục, thông tin kinh tế - xã hội…
IOC tỉnh cũng đã thiết lập và khai thác hiệu quả các kênh giao tiếp nhằm kết nối thông tin giữa người dân và chính quyền như: Cổng thông tin phản ánh hiện trường tỉnh; hệ thống tổng đài AI 1900868674; trong đó cổng thông tin phản ánh hiện trường tỉnh đến nay cơ bản đã phát huy hiệu quả, được dư luận xã hội đánh giá cao, nhiều người dân tương tác và các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Trong phát triển kinh tế số, toàn tỉnh hiện có 43 gian hàng đã đăng ký tham gia với 142 sản phẩm được trưng bày trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ quangtritrade.vn; có 264 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử PostMart.vn; 320 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử VoSo. vn...
Cùng với phát triển thương mại điện tử, việc chuyển đổi số tại một số ngành, lĩnh vực đã có những chuyển biến tích cực như: nông nghiệp và PTNT; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải và du lịch. Trong phát triển xã hội số, đến nay tỉ lệ người sử dụng điện thoại di động đạt 80%; tỉ lệ người sử dụng internet đạt trên 89%; nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu vào hệ thống IOC tỉnh, nhiều phần mềm, ứng dụng được triển khai có hiệu quả trên các lĩnh vực y tế, giáo dục...
Năm 2022, UBND tỉnh đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần FPT về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025. Theo thỏa thuận, FPT sẽ hỗ trợ và tham gia cùng tỉnh trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số.
Đồng thời, tập đoàn cũng sẽ phối hợp với UBND tỉnh triển khai gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc tư vấn chuyển đổi số và triển khai các ứng dụng chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình bán sản phẩm tại Quảng Trị, chung tay đưa sản phẩm của Quảng Trị ra toàn quốc thông qua các nền tảng thương mại, trong đó có nền tảng thương mại điện tử Sendo.
Bên cạnh đó, FPT cũng sẽ đồng hành với tỉnh triển khai các chương trình đào tạo thay đổi nhận thức cũng như đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cũng như giúp tỉnh có nguồn lực số chất lượng cao.
Để hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy và Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh, tỉnh Quảng Trị đã và đang nỗ lực triển khai nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin để thúc đẩy chuyển đổi số.
Xây dựng công nghệ phát triển chính quyền số tỉnh phù hợp với xu thế chính phủ số; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin một cách thiết thực, hiệu quả; xây dựng chính quyền số bảo đảm gắn kết chặt chẽ với an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia và bảo vệ thông tin cá nhân; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo các nguồn lực triển khai xây dựng chính quyền số…
Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành xã hội, thực thi công vụ theo hướng khuyến khích, sẵn sàng ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới trong quá trình chuyển đổi số. Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp trong tiến trình chuyển đổi số, thực hiện tốt việc bảo vệ sở hữu trí tuệ... để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, đồng thời thu hút các chuyên gia công nghệ thông tin, nhà khoa học.
Có chính sách ưu đãi về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có đủ năng lực tham gia phát triển hạ tầng số, các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số và tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
Phát huy vai trò của đội ngũ thanh niên, trí thức trẻ trong việc tiên phong chuyển đổi số; đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng thực hiện chuyển đổi số trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt trong thực thi công vụ nhằm nâng cao hiệu quả, tính minh bạch.
https://baoquangtri.vn/