Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng

Ngày đăng: 24-08-2022

Khắc phục bất cập trong công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật TC&QCKT góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh Đồng Nai kiểm tra chất lượng vàng bằng thiết bị hiện đại nhằm phát hiện gian lận tuổi vàng.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2006 (Luật số 68/2006/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến TC&QCKT. Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn chất lượng, tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.

Qua 15 năm thực hiện Luật TC&QCKT, hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuât đã được nâng lên cả chất và lượng, công tác kế hoạch, xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã chặt chẽ hơn; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch hơn, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP… dẫn đến hoạt động kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất hơn, doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng đối mặt với nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, với chủ chương của Đảng, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; nhu cầu đổi mới sáng tạo và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu đổi mới mô hình quản lý khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; vai trò, tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho thấy Luật TC&QCKT trải qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng thực tiễn khách quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, cụ thể như sau:

Trong quá trình dự thảo sửa đổi Luật TC&QCKT cũng đã nêu rõ những bất cập, hạn chế về nguyên tắc, căn cứ, đối tượng, quy trình xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; quản lý, khai thác TCVN; tổ chức, hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia

Thứ nhất, về quy trình xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Các thông tư hướng dẫn chi tiết của Bộ Khoa học và Công nghệ (Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày 25/12/2019 về xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật; Thông tư số 11/2021/TT-BKHCN ngày 18/11/2021 về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn) đã được sửa đổi, bổ sung và cơ bản đã hoàn thiện về quy trình, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, do ban hành từ năm 2006, nên một số quy định trong Luật TC&QCKT điều chỉnh hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố TCVN, ban hành quy chuẩn kỹ thuật đã không còn phù hợp với thực tiễn (ví dụ: nguyên tắc, căn cứ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp khẩn cấp vì an toàn, thiên tai, dịch bệnh; quy định lấy ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống QCVN; nội dung thẩm định QCVN…).

Mặt khác, hoạt động xây dựng, ban hành QCĐP thời gian qua phát triển mạnh, nhưng quy định trong Luật TC&QCKT hướng dẫn QCĐP lại khá chung chung, chưa cụ thể, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xây dựng QCĐP tại các địa phương. Vì vậy, các địa phương còn lúng túng khi tiến hành xây dựng, thẩm định, áp dụng QCĐP trong thực tế hiện nay.

Thứ hai, về đối tượng của QCVN thuộc bí mật nhà nước. Hiện nay, Luật TC&QCKT chưa có quy định cụ thể về việc xây dựng QCVN cho đối tượng thuộc bí mật nhà nước, tạo ra những cách hiểu, diễn giải chưa thống nhất với quy định tại Luật Dự trữ quốc gia. Theo khoản 4 Điều 14 Luật Dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính có trách nhiệm “Chủ trì, phối hợp với bộ ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia” (không giới hạn đối tượng hàng dự trữ quốc gia thuộc bí mật nhà nước).

Các quy định nêu trên đã dẫn đến vướng mắc, khó khăn khi quá trình thẩm định QCVN theo quy định tại Luật TC&QCKT phải đảm bảo thủ tục xây dựng công khai, minh bạch, lấy ý kiến các bên liên quan, trong khi các mặt hàng dự trữ quốc gia thuộc đối tượng bí mật nhà nước dùng để phục vụ cho quốc phòng, an ninh lai không thể tuân thủ quy định, thủ tục minh bạch, lấy ý kiến các bên liên quan theo Luật TC&QCKT.

Thứ ba,về quản lý, khai thác tiêu chuẩn. Khoản 1 Điều 21 Luật TC&QCKT quy định Bộ Khoa học và Công nghệ giữ quyền xuất bản, phát hành TCVN. Tuy nhiên, trên thực tế, xuất bản và phát hành chỉ là hai trong số các hoạt động liên quan đến quản lý và khai thác tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài và tiêu chuẩn quốc gia. Các hoạt động quản lý và khai thác tiêu chuẩn khác có thể kể đến như lưu trữ hồ sơ tiêu chuẩn, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tiêu chuẩn. Luật TC&QCKT chưa có quy định về các hoạt động quản lý, khai thác khác về tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, quy định chỉ Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền xuất bản, phát hành tiêu chuẩn là quy định không mang tính linh hoạt, dẫn đến việc phổ biến tiêu chuẩn còn gặp khó khăn, chưa huy động được tối đa nguồn lực xã hội để nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn cũng như chưa đảm bảo đầy đủ quyền tiếp cận đối với tiêu chuẩn. Trong lĩnh vực tiêu chuẩn, hiện nay, các TCVN được các Bộ, ngành xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước như việc xuất bản, phát hành phải thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đến việc tuyên truyển, phổ biến về tiêu chuẩn còn chậm trễ, tốn chi phí.

Việc chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn. Để nắm được thông tin về các tiêu chuẩn cho các sản phẩm, hàng hóa, quy trình… theo mong muốn, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thường xuyên phải liên hệ với cơ quan nhà nước về tiêu chuẩn để được đáp ứng nhu cầu.  

Với xu thế tăng cường hội nhập kinh tế quốc, tăng cường xuất khẩu hàng hóa là một trong những định hướng lớn phát triển kinh tế xã hội, cùng với đó nhu cầu khai thác, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, nước ngoài tăng cao dẫn đến các hành vi xâm phạm, vi phạm bản quyền tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài ngày càng diễn ra tràn lan. Các FTA thế hệ mới đề quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nước ngoài là đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ, điều này dẫn đến khả năng các tổ chức, cá nhân Việt Nam sẽ bị kiện khi sử dụng, khai thác trái phép tiêu chuẩn quốc tế, nước ngoài là rất cao. Mặt khác, trong thực tiễn các tổ chức quốc tế (ISO, IEC) cũng đã có thông báo tới Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục TCĐLCL) đề nghị hỗ trợ xử lý hành vi xâm phạm bản quyền về tiêu chuẩn, logo của ISO, IEC từ doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, Luật TC&QCKT chưa quy định rõ vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với tiêu chuẩn của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, nước ngoài. Vì vậy, việc xử lý hành vi vi phạm gặp khó khăn.

Thứ tư, quản lý nhà nước về tiêu chuẩn cơ sở. Về bản chất hoạt động xây dựng tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước thể hiện tính quyền lực, phục vụ  công ích, áp dụng trên phạm vi rộng, phù hợp với việc xây dựng, áp dụng TCVN hơn. Theo quy định pháp luật về TC&QCKT, TCCS được xây dựng và chỉ áp dụng trong giới hạn phạm vi hoạt động của tổ chức công bố TCCS, nên không phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn quy định này đã làm phát sinh một số trường hợp lách luật khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, công bố TCCS (theo quy định pháp luật chỉ được áp dụng giới hạn trong phạm vi của cơ quan nhà nước đó, nhưng thực tế lại áp dụng cho các tổ chức, cá nhân liên quan trên phạm vi toàn quốc), gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, về tổ chức, hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia. Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực, quốc gia đều coi ban kỹ thuật là trung tâm của hoạt động xây dựng tiêu chuẩn. Các ban kỹ thuật là các đơn vị chịu trách nhiệm chính đối với nội dung của tiêu chuẩn, trực tiếp hỗ trợ cho các tổ chức tiêu chuẩn hóa. Các FTA thế hệ mới yêu cầu thành viên ký kết phải cho phép các tổ chức, chuyên gia nước ngoài được trực tiếp tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tuy nhiên, Luật TC&QCKT chưa quy định thành viên ban kỹ thuật là chuyên gia nước ngoài. Trong thực tiễn, với chính sách mở cửa thu hút đầu tư vào Việt Nam hiện nay, nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI cử chuyên gia nước ngoài tham gia ban kỹ thuật TCVN là rất lớn.

Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng Luật  TC&QCKT chưa có quy định về việc tham gia Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế, trong khi thực tiễn hiện nay cho thấy việc nâng cao vai trò của Việt Nam, chủ động tham gia vào các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, Codex… là rất cần thiết, phục vụ hiệu quả cho thúc đẩy xuất khẩu, loại bỏ rào cản kỹ thuật.

Thứ sáu, quản lý nhà nước về nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bộ KH&CN đã chủ động xây dựng các chương trình quốc gia, kế hoạch, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; hướng dẫn, hỗ trợ cho các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các TC&QCKT do các bộ, ngành quản lý không bị chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phối hợp này còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, chủ yếu xuất phát từ sự phối hợp của các cơ quan liên quan hoặc thiếu quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể, trong đó, có sự hạn chế về nguồn lực tài chính cho hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phối hợp trong hoạt động thông báo hỏi đáp tới tổ chức quốc tế.

https://tcvn.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 34
Tổng lượt truy cập: 4.023.564
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!