Cơ hội tiếp thu khoa học và công nghệ tiên tiến từ các FTA
Khi được hưởng ưu đãi theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), lượng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng, thu hút được lao động trí thức, có tay nghề cao từ nước ngoài tới Việt Nam làm việc, các doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp thu khoa học và công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển.
Theo Bộ Công Thương, việc Việt Nam ký kết các hiệp định FTA song phương và đa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, tiếp cận và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi phần lớn các rào cản và điều kiện trong thương mại đã được cam kết dỡ bỏ, chủ yếu là các hàng rào thuế quan (hầu hết về 0 hoặc dưới 5%) đã mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và triển vọng sán lạn cho nhiều ngành sản xuất, kéo theo đó là lợi ích cho bộ phận lớn người lao động trong các công ty có hoạt động xuất nhập khẩu, tạo ra nhiều việc làm hơn. Bên cạnh đó, các rào cản về thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính cũng được giảm thiểu, tạo điều kiện để doanh nghiệp thâm nhập vào các thị trường lớn thuận lợi hơn; người tiêu dùng được bảo đảm lựa chọn các sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn.
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, khi được hưởng ưu đãi theo các FTA, lượng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng, thu hút được lao động trí thức, có tay nghề cao từ nước ngoài tới Việt Nam làm việc, các doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp thu khoa học và công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển. Nói cách khác, nhờ tham gia các FTA mà doanh nghiệp có thêm cơ hội tranh thủ được vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ và các nguồn lực quan trọng khác. Lợi thế này không chỉ nhìn từ góc độ hiện tại mà còn là tiềm năng phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, khi tham gia ký kết các FTA, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một là, khi thị trường mở rộng, các công ty của nước ngoài sẽ có những cơ hội thuận lợi để thâm nhập thị trường trong nước. Đặt trên cán cân, rõ ràng các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế nguồn lực như vốn, công nghệ, trình độ sản xuất và quản lý, kinh nghiệm thương trường lớn mạnh hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước.
Ảnh minh hoạ
Hai là, vấn đề rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ hàng hóa nghiêm ngặt. Đối với các FTA Việt Nam mới ký kết, gia nhập gần đây thì việc nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi như kỳ vọng. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công hàng xuất khẩu cho nên nếu không chuyển vùng nguyên liệu từ nhập khẩu sang trong nước cung cấp, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, các quy định kỹ thuật như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa… cũng là những rào cản kỹ thuật chính cho hàng xuất khẩu của Việt Nam (đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ - SPS).
Theo thông lệ quốc tế, các nước được quyền đưa ra quy chuẩn mang tính hàng rào kỹ thuật để bảo vệ lợi ích thiết yếu chính đáng. Do đó, để có thể xâm nhập được vào các thị trường này, hàng hóa Việt Nam buộc phải đáp ứng các quy chuẩn kể cả ở mức rất cao ở những thị trường như Châu Âu, Mỹ...
Ba là, ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics ở Việt Nam chưa phát triển mạnh nên chí phí của nền kinh tế sẽ còn cao so với các quốc gia khác… Như vậy, với một số hiệp định lớn như WTO, CPTPP và EVFTA nêu trên cho thấy lĩnh vực khoa học và công nghệ đã và đang đóng vai trò là thành phần then chốt và cốt lõi trong các FTA.
https://khcncongthuong.vn/