Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Tin hoạt động Sở

Ngày đăng: 22-07-2022

Thẩm định thuyết minh đề tài KH&CN cấp tỉnh: “Nghiên cứu bảo tồn và quản lý bền vững loại Hàu răng cưa khổng lồ (Hyotissahyotis, Linnaeus 1758) tại Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ”

Toàn cảnh phiên họp hội đồng.

Đề tài hướng đến mục tiêu xác định hiện trạng nguồn lợi Hàu răng cưa khổng lồ và xây dựng được mô hình nuôi Hàu răng cưa khổng lồ dựa trên sự đồng quản lý của Khu Bảo tồn biển đảo và người dân phù hợp tại vùng biển Cồn Cỏ.

Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có tổng diện tích 4.532 ha, bao gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 534 ha, phân khu phục hồi sinh thái 1.392 ha và phân khu phát triển 2.376 ha. Ngoài ra còn có vùng phát triển cộng đồng 230 ha (là diện tích nổi của đảo) và vành đai khu bảo tồn. Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, hàu răng cưa, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực, san hô sừng…Trong đó, hàu răng cưa khổng lồ là một loài nhuyễn thể có kích thước lớn (đường kính từ 20 cm trở lên), trọng lượng cả vỏ từ 1,5 kg trở lên, riêng phần thịt hàu khoảng 0,1 kg.  Để đạt đến kích thước và trọng lượng như vậy thì hàu răng cưa phải mất hàng chục năm. Do đặc điểm có một phần vỏ bám vào các rạn san hô nên để khai thác hàu răng cưa, ngư dân phải lặn xuống biển có ống dẫn khí ở độ sâu từ 10 - 20 m nước trở lên, dùng xà beng để cạy hàu ra khỏi rạn san hô. Việc này dẫn đến ngoài làm suy giảm nguồn lợi loài hàu nói riêng còn tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và rạn đá quanh đảo là môi trường sinh sống của nhiều loài sinh vật trong Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Do chưa có quy định về kích cỡ hàu răng cưa nên ngư dân đang khai thác hàu răng cưa một cách quá mức dẫn đến số lượng hàu trên đảo có dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng.

Tại Hội đồng, đơn vị thực hiện đề tài đã trình bày các nội dung và sản phẩm dự kiến đạt được. Theo đó, Đề tài sẽ thực hiện các nội dung: nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, phân bố và hiện trạng nguồn lợi, khả năng khai thác bền vững, bản đồ khoanh vùng bảo tồn và vùng khai thác của loài hàu răng cưa khổng lồ ở vùng biển đảo Cồn Cỏ; thử nghiệm sinh sản nhân tạo Hàu răng cưa để duy trì và bổ sung nguồn giống tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ; nghiên cứu, thử nghiệm mô hình nuôi hàu răng cưa khổng lồ trên bãi tự nhiên quanh đảo dựa trên sự đồng quản lý của Khu Bảo tồn biển và người dân để phục vụ phát triển du lịch tại đảo Cồn Cỏ. Tổ chức 1 hội thảo khoa học và 02 lớp tập huấn kỹ thuật nhằm đào tạo, tuyên truyền hiệu quả mô hình Hàu răng cưa trên bãi tự nhiên quanh đảo. Từ đó, đề xuất một số giải pháp như quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi hàu răng cưa trên cơ sở đồng quản lý Khu Bảo tồn biển và người dân; đề xuất mùa vụ, kích thước và số lượng cá thể khai thác loài hàu răng cưa khổng lồ; hướng dẫn phương thức khai thác hàu hợp lý nhằm góp phần bảo tồn nguồn lợi sinh vật trong vùng biển Cồn Cỏ.

Các thành viên Hội đồng đã góp ý và đề nghị Chủ nhiệm, đơn vị chủ trì thực hiện bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện các nội dung của bản Thuyết minh đề tài theo những góp ý của các thành viên. Hội đồng nhất trí việc triển khai thực hiện đề tài./.

Hải Yến

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 2173
Tổng lượt truy cập: 2.888.179
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.