Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 12-04-2022

Vĩnh Linh hướng đến phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản bền vững

Vĩnh Linh có bờ biển dài với nhiều loại hải sản phong phú, là huyện có nhiều tiềm năng về khai thác và chế biến thủy hải sản. Ở các địa phương ven biển như: Thị trấn Cửa Tùng, Kim Thạch, Vĩnh Thái đã có nghề chế biến hải sản truyền thống trong nhiều gia đình từ lâu đời đang được phát huy. Đặc biệt ở thị trấn Cửa Tùng là nơi tập trung chế biến hải sản rất sôi động, thu hút khách mua từ nhiều địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả thị trường nước ngoài.

 

Tiêu biểu trong lĩnh vực này, có Công ty TNHH MTV Ngọc Tuấn Cửa Tùng đóng tại thị trấn Cửa Tùng. Công ty có khả năng thu mua hết các loại hải sản trên địa bàn và các khu vực lân cận, với tổng công suất chế biến khoảng 30 tấn thủy sản mỗi ngày; tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động với mức thu nhập đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Hồ Thanh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Tuấn cho biết: “Với thế mạnh từ việc đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại và nguồn lao động dồi dào, công ty chúng tôi đã thu mua hết các loại cá của ngư dân khai thác, từ những loại có giá trị kinh tế thấp đến cao. Sản phẩm của công ty là chế biến các loại cá khô, cá đông lạnh và chế biến bột cá cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Doanh thu mỗi năm đạt trên 40 tỷ đồng”.

 

Bên cạnh đó, trong nhóm ngành này có 3 cơ sở sản xuất nước mắm lớn ở thị trấn Cửa Tùng đã có thương hiệu trên thị trường gồm: Tùng Vân, Huỳnh Kế, Khiêm Trọng, Bà Xiêm. Tại xã Vĩnh Thái, địa phương bãi ngang ven biển của huyện Vĩnh Linh cũng đã xây dựng được nhiều tổ hợp tác chế biến nước mắm do phụ nữ làm chủ. Năm 2021 các cơ sở sản xuất được trên 1.550 triệu lít nước nắm. Hiện nay, UBND huyện Vĩnh Linh đang tổ chức xây dựng thương hiệu “nước mắm Cửa Tùng”, qua đó góp phần quảng bá, đưa thương hiệu vươn xa ra thị trường và nâng cao nguồn thu nhập cho người dân.  

 

Phát triển kinh tế biển, đặc biệt đối với lĩnh vực chế biến thủy sản là một trong những mục tiêu chiến lược trong thực hiện dự án phát triển ngành công nghiệp ở huyện Vĩnh Linh từ nay đến năm 2025. Để khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cấp tàu thuyền, tăng thêm ngư lưới cụ đang được huyện Vĩnh Linh hết sức quan tâm. Từ năm 2017 đến nay, huyện Vĩnh Linh đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 67/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản đến các địa phương và Nhân dân trong việc đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền xa bờ; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và thuyền viên. Trên địa bàn huyện đã đóng mới 3 tàu cá với công suất trên 800cv. Bà con mạnh dạn đầu tư, nâng cấp tàu thuyền vươn khơi khai thác thủy sản, tàu thuyền có chiều dài từ 15 mét trở lên có 55 chiếc; dưới 12 mét có 800 chiếc. Có 4 chiếc tàu cá công suất lớn phục vụ đánh bắt vùng biển xa.

 

Từ việc đầu tư về cơ sở vật chất, mỗi năm, sản lượng khai thác thủy sản của huyện Vĩnh Linh đạt khoảng 3.600 đến 4.000 tấn. Trong đó có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu cho nghành chế biến thủy sản. Số liệu thống kê giai đoạn 2016 - 2021, giá trị sản xuất của ngành đạt khoảng 125 tỷ đồng.

 

Trong đề án phát triển ngành công nghiệp địa phương giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến 2030, huyện Vĩnh Linh phấn đấu đến năm 2025, giá trị chế biến thủy sản đạt trên 240 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân đạt 16%/năm; tạo việc làm cho 400 người với mức thu nhập bình quân đạt 7-8 triệu đồng/người/năm. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Vĩnh Linh chủ trương, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm chế biến như: nước mắm, cá, mực khô, ruốc ... tại xã Vĩnh Thái và thị trấn Cửa Tùng. Thu hút đầu tư mới từ 2-3 cơ sở chế biến hải sản tiêu thụ nội địa, hướng đến xuất khẩu.

 

Đồng thời di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư đặc biệt là 3 cơ sở sản xuất nước mắm lớn ở thị trấn Cửa Tùng vào xây dựng tập trung trong cụm công nghiệp vùng Đông; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu quảng bá đến người tiêu dùng các sản phẩm thủy sản của địa phương; nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để ký gửi sản phẩm ở hệ thống các siêu thị và phục vụ xuất khẩu. Khuyến khích thành lập các hiệp hội, hội nghề nghiệp chế biến thuỷ sản  để hỗ trợ nhau sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và chống cạnh tranh phá giá hoặc hạ giá bán, cạnh tranh độc quyền nguyên liệu. Từ đó, làm cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biên thủy sản một cách bền vững.

http://vinhlinh.quangtri.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 19
Tổng lượt truy cập: 2.912.364
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.