Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Nhiệt liệt chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai”
Tin tức - Sự kiện: Chuyển đổi số

Ngày đăng: 24-05-2023

Thúc đẩy chuyển đổi số trong hợp tác xã

Xác định chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể có ý nghĩa hết sức quan trọng, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và có những hoạt động hỗ trợ bước đầu nhằm giúp các HTX trong việc chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Hệ thống máy móc hiện đại dùng để chưng cất tinh dầu của HTX Dược liệu Trường Sơn - Ảnh: L.A

HTX Dược liệu Trường Sơn đặt tại Cụm công nghiệp Cam Thành, huyện Cam Lộ là một trong những HTX tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất dược liệu. Được thành lập vào năm 2016, mục tiêu của HTX là liên kết với nông dân để trồng, thu mua và chế biến tinh dầu từ các loại thảo dược địa phương. Để HTX sản xuất hiệu quả lâu dài, cùng với đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, HTX đã đầu tư trên 6 tỉ đồng hiện đại hóa máy móc, xây dựng nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Cam Thành.

Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ chia sẻ, hiện tại hệ thống máy móc, trang thiết bị của HTX được đánh giá là hiện đại. Ngoài sản xuất tinh dầu, các loại dược liệu, HTX còn ký hợp đồng thu mua sản phẩm tinh dầu thô do người dân tự chưng cất như tinh dầu tràm, tinh dầu sả…, sau đó sử dụng máy phân đoạn tinh dầu để loại bỏ tạp chất, tách các đơn chất trong tinh dầu, tạo ra sản phẩm có độ tinh khiết cao.

Với ưu thế về công nghệ, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp nguyên liệu chất lượng cao, gia công sản phẩm từ thiên nhiên cho các doanh nghiệp dược lớn như Công ty Đông Nam dược Bảo Linh, Công ty Đông Nam dược Trường Sơn… Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử như Postmart, Shopee, Lazada… HTX đã tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ, khách hàng có nhu cầu, giúp đa dạng thị trường tiêu thụ.

“Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất không chỉ giải quyết được bài toán quản trị doanh nghiệp, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng mà còn đem lại nhiều lợi ích khác như giảm thiểu sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bởi các sản phẩm của HTX luôn có đầy đủ và minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc, tạo được sự yên tâm cho người tiêu dùng”, anh Huệ khẳng định.

Còn tại xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, chuyển đổi số đã được các xã viên của HTX Long Hưng ứng dụng tại vùng đồi K4 từ việc lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho cây cam, hệ thống điện mặt trời chiếu sáng hay livestream giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, HTX Long Hưng còn xây dựng website, tạo fanpage để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cam K4. Người trồng cam cũng đã chủ động dán tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú Lương Trung Quốc, bên cạnh những kết quả tích cực như thuận lợi trong công tác quản lý, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tạo sự minh bạch, niềm tin cho khách hàng, các HTX nói chung và HTX Long Hưng nói riêng cũng đang đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi số.

Đơn cử như trình độ của cán bộ HTX và xã viên chưa đáp ứng được yêu cầu; hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các ứng dụng công nghệ chưa đa dạng, chủ yếu sử dụng là thông qua mạng xã hội; hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, đặc biệt là vùng đồi K4 hiện vẫn chưa có internet, sóng điện thoại di động không ổn định, tốc độ thấp…

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Văn Chiến thông tin, toàn tỉnh hiện có 329 HTX, Liên hiệp HTX với gần 90.500 thành viên. Để phù hợp với xu thế mới, thời gian qua, quá trình chuyển đổi số đã được các HTX trên địa bàn tỉnh từng bước tiếp cận.

Nhiều HTX nông nghiệp đã từng bước sử dụng máy bay không người lái để bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa; ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh bằng việc sản xuất trong nhà màng, nhà kính và sử dụng tưới phun tự động cho một số loại cây trồng như dưa lưới, các loại rau, củ, quả, vườn ươm cây lâm nghiệp, các vườn hồ tiêu, cà phê; quản lý và chăm sóc rừng trồng thông qua phần mềm định vị bằng vệ tinh…

Hay ứng dụng các nền tảng công nghệ vào sản xuất và tổ chức hoạt động của HTX, kết nối sản xuất, tiêu thụ, thích ứng với nhu cầu thị trường như sử dụng các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán hàng; tạo lập các mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh thanh toán qua các nền tảng trực tuyến…

“Nhìn chung các HTX quan tâm ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh đều đã phát huy được hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động và mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Chiến khẳng định.

Tuy nhiên, ông Chiến cũng thừa nhận, trên thực tế số lượng HTX chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn ít. Nhiều HTX còn gặp khó khăn, hạn chế khi ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh.

Nguyên nhân là do phần lớn các HTX chưa đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật và máy móc thiết bị phục vụ quá trình chuyển đổi số như máy tính có kết nối internet để tiếp nhận và khai thác thông tin; để lưu trữ các văn bản quản lý hay sử dụng phần mềm kế toán, phần mềm thiết bị để bảo vệ dữ liệu đã số hóa.

Chất lượng nguồn nhân lực của HTX còn khá thấp, tuổi đời cao nên ngại thay đổi, ngại tiếp cận các công nghệ mới, công nghệ số trong quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất của phần lớn HTX vẫn theo phương thức truyền thống, sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất, kinh doanh truyền thống. Năng lực tài chính hạn chế nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, áp dụng công nghệ số để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Do vậy, dù chuyển đổi số là xu thế nhưng chỉ mới được thực hiện ở một số ít HTX và mới dừng ở mức độ đơn giản. Các HTX ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số tốt thường có một vài đặc điểm như: có đội ngũ cán bộ quản lý trẻ, trình độ cao, sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới; HTX hoạt động có hiệu quả, có liên kết chuỗi, đầu ra được tiêu thụ ổn định. Hoặc HTX tiếp cận được với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các tổ chức khác ở trong và ngoài nước…

Cũng theo ông Chiến, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX.

Do vậy, để nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các HTX, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử. Tổ chức cho lãnh đạo quản lý HTX tham quan các HTX đã sử dụng công nghệ số, từ đó học hỏi, triển khai rộng trên toàn tỉnh.

Đồng thời, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và các ban, ngành liên quan trong việc hỗ trợ HTX sử dụng các nền tảng chuyển đổi số phù hợp với từng địa phương, nhằm tránh sự “lệch pha” giữa công nghệ và khả năng ứng dụng trong HTX.

Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn và hướng đến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong thời gian đến.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 270
Tổng lượt truy cập: 2.902.384
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.