Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 12-07-2023

Xã Mò Ó nhân rộng mô hình nuôi ong mật

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ việc nuôi ong lấy mật, nhiều hộ nông dân tại xã Mò Ó, huyện Đakrông đã nhân rộng mô hình này. Với chi phí đầu tư thấp, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, phong trào nuôi ong lấy mật tại xã miền núi này đã trở thành hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Người dân xã Mò Ó khai thác mật ong nuôi - Ảnh: Đ.V

Những năm trước đây anh Phan Văn Lực, thôn Phú Thành, xã Mò Ó chỉ bắt ong mật ngoài tự nhiên về nuôi chơi. Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ con ong mật mang lại là khá lớn nên anh đã nhân đàn và đến nay đã phát triển thành 40 đàn ong. Anh Lực cho biết, mùa thu hoạch mật ong diễn ra từ khoảng tháng 3 đến hết tháng 7. Bình quân mỗi tháng, gia đình anh Lực thu được từ 30 - 40 lít mật, giá bán ra khoảng 500.000 đồng/lít.

Tính từ đầu mùa đến nay, mô hình nuôi ong mật của anh Lực đã mang lại nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng. Không chỉ gia đình anh Lực mà nhiều mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Mò Ó đã phát triển hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều gia đình, qua đó giúp họ vươn lên thoát nghèo và dần khấm khá.

Cũng nhờ vậy, hiện nay các mô hình nuôi ong lấy mật đã phát triển tốt tại địa phương với cách nuôi bài bản, khoa học, đầu ra của sản phẩm mật ong khá tốt.

Anh Lực chia sẻ: “Để xây dựng mô hình nuôi ong bài bản, tôi đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức qua sách báo, internet và hướng dẫn của các chuyên gia trên truyền hình. Qua đó tôi đã biết áp dụng kỹ thuật để tạo ong chúa tơ thay thế những ong chúa già, từ đó nhân rộng tăng số lượng đàn để khai thác mật hiệu quả”.

Ngoài gia đình anh Lực, ở xã Mò Ó, gia đình anh Mai Thanh Sơn cũng là một trong những hộ nuôi ong có tổng đàn khá lớn với 35 đàn. Anh cũng biết áp dụng kỹ thuật để nhân số lượng đàn ong, chăm nuôi bài bản và giúp mô hình của gia đình phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Gia đình anh Sơn nuôi ong lấy mật khoảng 3 năm nay và từ nuôi ong, gia đình anh có thu nhập mỗi năm khoảng gần 100 triệu đồng, nhờ đó có cuộc sống khấm khá hơn.

Đến nay, toàn xã Mò Ó phát triển được 10 hộ nuôi ong có tổng đàn khá với bình quân phổ biến mỗi hộ nuôi từ 20-25 đàn, có vài hộ đạt 35-40 đàn.

Cùng với tự mày mò tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, được sự quan tâm hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, thời gian qua nhiều hộ dân ở xã Mò Ó cũng đã có thêm kinh nghiệm, hiểu biết tập quán sinh trưởng của loài ong mật để mở rộng đàn.

Chị Phạm Thị Hiền, cán bộ nông nghiệp xã Mò Ó cho biết thêm: “Lợi thế của mô hình nuôi ong lấy mật là chi phí đầu tư ban đầu rất thấp, đồng thời tận dụng được thời gian nhàn rỗi của lao động trong gia đình để chăm sóc.

Ngoài ra, kỹ thuật nuôi ong cũng khá đơn giản hơn so với các loại con nuôi khác. Cùng với đó ở địa phương có đa dạng các loại cây trồng nên nguồn mật từ hoa rất phong phú, chất lượng. Nhờ những lợi thế đó nên các mô hình nuôi ong lấy mật ở địa phương đạt hiệu quả khá cao”. Chi phí đầu tư thấp lại dễ nuôi, đàn ong chủ yếu tự tìm kiếm thức ăn bằng việc hút mật từ các loại hoa trong tự nhiên. Vì vậy từ những hộ nuôi đầu tiên, đến nay nhiều người dân xã Mò Ó bắt đầu quan tâm đầu tư bởi hiệu quả mà nghề nuôi ong lấy mật mang lại.

Để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như tạo thương hiệu cho sản phẩm mật ong, chính quyền xã đã vận động người dân thành lập tổ hợp tác và đăng ký để xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND xã Mò Ó Hồ Văn Do cho biết: “Từ một hộ nuôi ban đầu, đến nay toàn xã đã phát triển được 10 hộ nuôi ong lấy mật đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện địa phương đang làm các thủ tục trình cấp trên xin thành lập tổ hợp tác nuôi ong của xã để các thành viên thuận lợi trong việc hỗ trợ nhau phát triển nghề, tìm đầu ra ổn định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cán bộ nông nghiệp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi ong còn lại và tiến tới nhân rộng mô hình ra toàn xã để mở hướng phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập cho bà con. Đồng thời tích cực xây dựng sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm OCOP của xã Mò Ó để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị trên thị trường”.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 1
Hôm nay: 1453
Tổng lượt truy cập: 2.847.507
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.