Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 19-03-2024

Đầu tư công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản

Cùng với việc đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, những năm qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, ứng dụng nhiều công nghệ mới vào khai thác thủy sản. Qua đó, đã thay đổi mạnh mẽ phương thức đánh bắt, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, giảm thiểu rủi ro cho ngư dân.

Ngư dân bốc dỡ thủy sản từ tàu đánh bắt xa bờ cập cảng cá Cửa Việt - Ảnh: L.A

Sau một thời gian đưa vào sử dụng hệ thống tời thủy lực cải tiến trên tàu cá xa bờ số hiệu QT 94619TS của mình, ngư dân Võ Văn Hùng, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đánh giá rất cao những ưu điểm mà thiết bị này mang lại.

Theo ông Hùng, tời thủy lực cải tiến có ưu điểm dễ tháo lắp, dễ sử dụng, hoạt động ổn định, không có hiện tượng trục trặc, bung dây giềng phụ khi thu lưới trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn. Khác với tời cơ ma sát chỉ thu lưới được ở một bên mạn tàu, tời thủy lực cải tiến có thể quay 360 độ và thu lưới được cả 2 bên mạn tàu, tốc độ thu lưới nhanh hơn, giúp giảm thời gian thu lưới xuống còn khoảng 2/3 so với trước cho phép tàu cá có thể trang bị thêm từ 90 - 120 cheo lưới, giúp tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Đặc biệt, độ an toàn so với tời cơ ma sát truyền thống cũng cao hơn hẳn do khi thu, thả lưới ngư dân không phải trực tiếp công đoạn tháo và lắp dây liên kết, không phải kéo dây giềng phụ khi thu lưới trong điều kiện sóng gió lênh đênh trên biển; giảm được 2 lao động khi thu, thả lưới, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động đi biển trên các tàu đánh bắt xa bờ hiện nay.

Tương tự, để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, nhiều ngư dân đã ứng dụng công nghệ Composite Polyurethan Foam (CPF) để xây dựng hầm bảo quản thay thế hầm bảo quản truyền thống được làm bằng các chất liệu gỗ, xốp trước đây.

Ngư dân Lê Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu cá QT 90929TS, ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh cho biết, ưu điểm của công nghệ CPF là do sử dụng vật liệu cách nhiệt PU nên giúp hầm giữ lạnh lâu hơn, bảo quản sản phẩm tốt hơn, lượng đá dùng làm lạnh ít bị hao hụt hơn.

Qua thực tế các chuyến biển, đã giảm được lượng đá lạnh hao hụt lên đến 20 - 30% so với hầm bảo quản truyền thống, tăng giá trị sản phẩm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với các tàu cá khác không sử dụng công nghệ này. Qua đó, giúp kéo dài thời gian chuyến biển, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế lên 15 - 20% so với trước đây. Đồng thời, việc sử dụng vật liệu inox và PU đã giúp sản phẩm đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Thặng, việc ứng dụng công nghệ vào khai thác thủy sản đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sản lượng khai thác, chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, đã chuyển giao thành công một số ngư cụ cho ngư dân như lưới rê hỗn hợp, lưới chụp, lưới vây rút chì kết hợp ánh sáng, lưới rê 3 lớp trên khối tàu xa bờ; lưới rê ba cao lườn, lưới thanh ba, lưới rê khai thác cá chim đối với với khối tàu ven bờ; lồng bẫy mực lá, lồng bẫy khai thác ốc hương và ghẹ... Trong đó, nghề lưới rê hỗn hợp là mô hình mang lại hiệu quả cao và góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, nhằm mục đích giảm sức lao động, hạn chế số người lao động trên tàu để tăng hiệu quả kinh tế, việc cơ giới hóa trong hoạt động khai thác thủy sản thời gian qua đã được ngư dân chú trọng đầu tư như máy tời thủy lực thu lưới rê hỗn hợp, thu lưới vây; máy tời dây giềng trên tàu lưới vây; máy tời thủy lực thu giềng lực đối với nghề lồng bẫy khai thác ghẹ và ốc hương.

Đến nay, hầu hết tàu cá làm nghề lưới rê hỗn hợp đều sử dụng máy tời thủy lực để thu lưới, đặc biệt trên tàu vỏ thép còn sử dụng đến 2 máy. Trên tàu lưới vây và lồng bẫy đều sử dụng máy tời thủy lực để thu dây giềng.

Qua đó giảm được sức lao động rất lớn, cải tiến được vàng lưới cao và dài hơn trước đây, tăng số lượng lồng bẫy và khai thác ở độ sâu lớn hơn. Ngoài ra, để tăng giảm thất thoát sau khai thác, ngư dân đã đưa vào sử dụng phổ biến hầm bảo quản sản phẩm sử dụng vật liệu PU có khả năng giữ nhiệt tốt, giúp bảo quản sản phẩm được dài ngày hơn so với hầm bảo quản truyền thống.

Về trang thiết bị hàng hải, đã áp dụng máy định vị vệ tinh trên tàu cá; máy dò cá bằng sóng siêu âm đã được nâng cấp, cải tiến qua các thế hệ như dò đứng, dò ngang và dò chụp. Áp dụng máy ra đa để quản lý lưới, tránh va chạm trên biển. Máy nhận dạng tự động AIS để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển.

Từ sử dụng máy thông tin liên lạc sóng ngắn HF, máy thông tin liên lạc tầm trung, tầm xa, đến nay hầu hết khối tàu cá xa bờ đã đưa vào sử dụng máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh. Lắp đặt máy giám sát hành trình trên tàu cá và thiết bị ghi nhật kí điện tử hàng hải. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành 2 cơ sở đóng tàu vỏ thép và vỏ gỗ. Đây là các cơ sở đầu tiên áp dụng thành công công nghệ đóng tàu cá vỏ thép ở Quảng Trị.

Theo ông Thặng, thời gian tới, các ngành có liên quan của tỉnh, địa phương ven biển cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng dụng công nghệ cao, gắn với triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật biển, bảo đảm sự cân bằng tự nhiên để phát triển bền vững. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, để ngư dân đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao giá trị khai thác hải sản trong mỗi chuyến ra khơi.

https://baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 616
Tổng lượt truy cập: 2.836.767
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.