Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 18-06-2024

Hiệu quả của cây môn nịt trên đất cát bạc màu

Bên cạnh thế mạnh về đánh bắt, khai thác thủy, hải sản, thời gian qua, nông dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây môn nịt vào canh tác trên diện tích đất cát bạc màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân.

Bà Võ Thị Mẹo, ở thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh chăm sóc vườn môn nịt của gia đình -Ảnh: H.T

Từ nhiều năm nay, trên cánh đồng của gia đình ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, chị Trần Thị Huyền đã chuyển đổi một số diện tích trồng lạc, khoai lang sang trồng cây môn nịt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, diện tích môn nịt của gia đình chị Huyền phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, thu nhập cao hơn 2 - 3 lần so với các loại cây trồng trước đây.

Vừa tất bật nhổ cỏ và cắt bỏ những tàu môn bị úa già, chị Huyền cho biết: “Tôi trồng loại môn nịt này đã được 4 năm, mỗi sào cho thu hoạch từ 5 - 6 tạ, nếu giá bán trung bình khoảng 17.000 đồng/kg thì mỗi sào ít nhất phải lãi gần 7 triệu đồng”.

Tương tự, được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vật tư phân bón của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, đồng thời tích cực học hỏi kinh nghiệm của những nông dân khác, năm 2021, gia đình chị Võ Thị Mẹo, ở thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái cũng đã đưa giống cây môn nịt vào trồng trên diện tích 6 sào của gia đình. Sau hơn 6 tháng trồng và chăm sóc, gia đình chị Mẹo bắt đầu thu hoạch lứa môn nịt đầu tiên với năng suất đạt 6 tạ/sào.

Với hơn 6 sào trồng môn nịt, gia đình chị thu được khoản lãi không nhỏ. Xét về hiệu quả kinh tế, cây môn nịt cho lợi nhuận vượt trội so với các cây trồng khác trên đất cát bạc màu nên gia đình chị Mẹo tiếp tục duy trì canh tác và dự định mở rộng quy mô sản xuất vào những vụ tiếp theo.

Chị Mẹo cho biết: “Trước đây trên diện tích đất này, gia đình tôi vẫn trồng cây lạc hoặc khoai lang nhưng năng suất, sản lượng thấp, thu nhập không đáng kể. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, gia đình chuyển sang trồng cây môn nịt. Đây là loại cây rất dễ trồng, lại ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt và không mất nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch cũng nhanh nên gia đình tôi sẽ tiếp tục chuyển một số diện tích cây trồng kém hiệu quả khác sang chuyên canh cây môn nịt để phát triển kinh tế gia đình”.

Vĩnh Thái là xã bãi ngang ven biển có tổng diện tích trên 1.448 ha, phần lớn là đất cát bạc màu nên canh tác nông nghiệp trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Do vậy, bên cạnh phát huy thế mạnh kinh tế biển, xã cũng chú trọng lựa chọn các loại cây trồng, con nuôi phù hợp đưa vào canh tác sản xuất trên diện tích đất đặc thù của địa phương.

Trong đó, cây môn nịt là một trong những loại cây trồng ưu tiên đưa vào cơ cấu sản xuất, trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Từ 6 ha môn nịt trồng thử nghiệm ban đầu ở các thôn Đông Luật, Thử Luật, hiện toàn xã Vĩnh Thái đã phát triển trên 60 ha trồng môn nịt với sự tham gia của trên 200 hộ dân.

Đặc biệt, năm 2023, xã được sự hỗ trợ từ kinh phí tiểu hợp phần 3 “Các gói đầu tư tạo lợi ích từ rừng ven biển” của dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển” (FMCR) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Với sự đồng hành của Trung tâm Khuyến nông, đơn vị chỉ đạo kỹ thuật các gói sinh kế nông nghiệp đã triển khai mô hình trồng môn nịt theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm trên 2 ha đất cát tại thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái. Đây cũng là lần đầu tiên mô hình thực hiện tại địa phương với phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ và trồng trái vụ.

Theo đó, nhóm cộng đồng tham gia vào dự án gồm 20 thành viên, trong đó có 70% thành viên là phụ nữ có hoạt động sinh kế chính trước đây là trồng lạc.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm, nâng cao tính chủ động cho cộng đồng, thân thiện môi trường, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng ven biển của địa phương.

Theo đánh giá, mô hình cho kết quả cao và mang lại “hiệu quả kép” cho người dân. Đó là vừa thu hoạch sản phẩm chính củ môn (củ cái), vừa thu được củ con và thân cây môn. Với 1 ha sản xuất, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận trên 147 triệu đồng, tương đương khoảng 7,4 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần so với trồng lạc.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Trường cho biết: “Bên cạnh hiệu quả kinh tế vượt trội, mô hình trồng môn nịt còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người dân thông qua việc trồng, chăm sóc, thu hoạch. Tuy nhiên, hiện đầu ra, giá cả nông sản gần như vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên nông dân vẫn rất trăn trở, lo lắng. Do vậy, thời gian tới, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành để xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật mới, cách phòng ngừa sâu bệnh để cây môn nịt tiếp tục bén rễ, xanh tươi trên vùng đất cát bạc màu, hình thành được vùng chuyên canh sản xuất lâu dài, đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu để tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân”.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 96
Hôm nay: 1388
Tổng lượt truy cập: 3.267.641
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.