Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và gây trồng các giống Macadamia đã được công nhận tại Tây Bắc
Mắc ca là cây lâu năm, vì thế giống là yếu tố đầu tiên có tính chất quyết định. Việc lựa chọn giống sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất hạt. Năm giống Mắc ca OC, 246, 816, Daddow và 842 trong đó có 3 giống quốc gia và 2 giống tiến bộ kỹ thuật đã được khảo nghiệm tại Ba Vì, Đắk Lắk, Gia Lai, Sơn La. Các giống này đều sinh trưởng tốt, cho năng suất hạt cao, đặc biệt là tại Mai Sơn, Sơn La, sau 9 năm trồng năng suất hạt các giống Mắc ca OC, 246 và 816 đạt năng suất từ 8 đến 14,7kg/cây tương ứng với sản lượng hạt đạt từ 1,8 tấn-3,4 tấn hạt/ha cao hơn so với năng suất hạt rừng trồng Mắc ca cùng tuổi ở Australia và Hawaii - hai nước sản xuất hạt Mắc ca chính trên thế giới. Tuy nhiên, các giống này mới được trồng khảo nghiệm ở qui mô thí nghiệm và theo một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh nhất định. Hơn nữa, từ những kết quả nghiên cứu về gây trồng cho thấy Mắc ca có sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện hai vùng Tây Nguyên và Tây Bắc.
Hiện nay do nhu cầu về giống cây Mắc ca cho các vùng này là rất lớn, nhưng những năm gần đây các giống Mắc ca xuất hiện trên thị trường thường không đảm bảo chất lượng và cũng chưa được kiểm chứng rõ ràng. Do vậy, trước khi tiến hành gây trồng cây Mắc ca trên qui mô lớn thì việc trồng đúng giống và mở rộng qui mô sản xuất giống đã được công nhận là hết sức cần thiết và cấp bách. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của ThS. Trần Đức Vượng tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt nam đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và gây trồng các giống Macadamia đã được công nhận (OC, 246, 816, Daddow và 842) tại Tây Bắc” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2022.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu: xây dựng được các mô hình rừng trồng (25 ha trồng mới) và vườn vật liệu (03 vườn) bằng các giống mới có năng suất cao đã được công nhận trên qui mô sản xuất thử nghiệm; dản xuất thương phẩm 5 ha các giống mắc ca đạt 2 tấn hạt khô/ha; hoàn thiện được kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây Mắc ca tại Tây Bắc; tổ chức được các lớp tập huấn chuyển giao giống gốc, trồng và chăm sóc cây Macadamia cho một số cơ sở Lâm nghiệp và hộ nông dân tại Tây Bắc; và sản xuất thử nghiệm 20.000 cây ghép Mắc ca của 5 giống (OC, 246, 816, daddow và 842).
Đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
- Đã xây dựng được 25 ha mô hình 5 dòng Mắc ca tại Sơn La và Lai Châu. Tất cả 5 dòng Mắc ca đều cho sinh trưởng tốt với tỷ lệ sống đạt từ 87-100%.
- Đã xây dựng được 2 qui trình ghép và giâm hom Mắc ca và 01 qui trình trồng thâm canh Mắc ca phù hợp với điều kiện Tây Bắc. Trong đó 02 qui trình đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
- Đã xây dựng được 03 vườn vật liệu của 5 dòng Mắc ca (0,5ha/vườn). Cả 3 vườn vật liệu xây dựng tại Lai Châu và Sơn La có sinh trưởng và tỷ lệ sống cao từ 92-100%. Trung bình sản lượng hom ghép thu được ở năm thứ 3 là trên 15.000 hom ghép/vườn.
- Đã sản xuất được 20,000 cây ghép Mắc ca của 5 giống OC, 246, 816, 842 và Daddow đủ tiêu chuẩn đem trồng.
- Đã sản xuất thương phẩm 5 ha các giống Mắc ca OC, 246, 816 và Daddow đạt từ 2-3,5 tấn hạt khô/ha.
- Đã tập huấn kỹ thuật ghép, trồng thâm canh cây Mắc ca cho 100 người nông dân và công nhân của các doanh nghiệp tại các vùng triển khai dự án.
Dự án có hiệu quả kinh tế, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Khi dự án được triển khai thực hiện sẽ tạo ra cơ hội việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương trực tiếp sản xuất của dự án. Các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn giống được công nhận và đưa vào thực tiễn sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20119/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.