Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật PET/CT, sinh học phân tử, xạ trị (VMAT) trong chẩn đoán và điều trị một số ung thư khoang miệng
Ung thư khoang miệng (UTKM) biểu hiện bằng nhiều đặc điểm lâm sàng khác nhau và cần phân biệt với các tổn thương lành tính của khoang miệng. Chẩn đoán ung thư khoang miệng cần dựa vào thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ (MRI) hay chụp xạ hình cắt lớp đồng vị phóng xạ (PET-CT) và đặc biệt chẩn đoán xác định bằng kết quả mô bệnh học. Các phương pháp điều trị UTKM bao gồm phẫu thuật (PT), xạ trị (XT) và hóa chất (HC). Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó giai đoạn bệnh và thể trạng bệnh nhân là những yếu tố quan trọng.
Tại Việt Nam, kỹ thuật PET/CT, liệu pháp điều trị đích được áp dụng thành công trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh ung thư những năm gần đây, hứa hẹn mang lại những kết quả tích cực khi ứng dụng trong UTKM. Tại Bệnh viện K trung ương, các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết như quy trình ứng dụng kỹ thuật xạ trị (VMAT), máy chụp PET/CT vừa mới được lắp đặt và đưa vào hoạt động. Việc thực hiện nghiên cứu nhằm xây dựng quy trình ứng dụng các kỹ thuật trên vào thực tế lâm sàng tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Vì thế, từ năm 2018 đến năm 2021, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu phòng chống Ung thư - Bệnh viện K do PGS.TS. Lê Văn Quảng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật PET/CT, sinh học phân tử, xạ trị (VMAT) trong chẩn đoán và điều trị một số ung thư khoang miệng”.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: xây dựng được quy trình ứng dụng kỹ thuật PET/CT trong chẩn đoán giai đoạn, lập kế hoạch xạ trị và đánh giá kết quả điều trị một số ung thư khoang miệng; xây dựng được quy trình điều trị đích trong một số ung thư khoang miệng; và xây dựng VMAT trong điều trị một số ung thư khoang miệng.
Qua quá trình nghiên cứu trên các bệnh nhân ung thư khoang miệng được chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện K, nhóm nghiên cứu rút ra được một số kết luận như sau:
Một là xây dựng được quy trình ứng dụng kỹ thuật PET/CT trong chẩn đoán giai đoạn, lập kế hoạch xạ trị và đánh giá kết quả điều trị một số ung thư khoang miệng.
- Giá trị SUVmax trung bình của u là 14,3 (4,2-22,5). SUVmax trung bình của nhóm u > 20mm cao hơn rõ rệt so với u < 20mm, có mối tương quan giữa SUVmax và kích thước u. SUVmax của u ở bệnh nhân có hạch lớn hơn ở bệnh nhân không có hạch, tuy nhiên không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05), SUVmax của u ở bệnh nhân có di căn xa lớn hơn bệnh nhân chưa có di căn xa.
- PET/CT làm tăng giai đoạn T ở 6,7% bệnh nhân, cho thấy thêm di căn hạch cổ ở 30% bệnh nhân, di căn xa ở 3,3% bệnh nhân và ung thư thứ hai ở 6,5% bệnh nhân.
- Thay đổi chiến lược điều trị ở 3 bệnh nhân. Bệnh nhân di căn xa được điều trị hóa chất triệu chứng. 2 bệnh nhân ung thư đồng thì được điều trị hóa xạ trị triệt căn ở cả hai vị trí.
- Thay đổi thể tích khối u thô ở 18/27 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 66,7%.
- Thay đổi đáp ứng hoàn toàn ở 8 bệnh nhân (17,8%), thay đổi bệnh nhân đáp ứng một phần ở 4 bệnh nhân (8,9%). Tổng cộng PETCT làm thay đổi đánh giá đáp ứng ở 22 bệnh nhân (48,9%).
- Quy trình được hội đồng khoa học thông qua
Hai là xây dựng được quy trình điều trị đích trong một số ung thư khoang miệng.
- Đáp ứng: Có 4 bệnh nhân đạt được đáp ứng hoàn toàn. Hơn một nửa số bệnh nhân (56,7%) đạt được đáp ứng một phần. Tỉ lệ kiểm soát bệnh là 93,4%.
- Có mối liên quan giữa tỷ lệ đáp ứng và giai đoạn bệnh.
- Tỷ lệ gián đoạn điều trị là 20%
- Trung vị theo dõi đạt 24 tháng trong tổng số 30 bệnh nhân.
- Tỉ lệ bệnh nhân chưa tiến triển tại thời điểm 2 năm là 70%, Tỉ lệ bệnh nhân còn sống tại thời điểm 2 năm là 80%.
- Có mối liên quan giữa thời gian sống thêm bệnh không tiến triển, thời gian sống thêm toàn bộ và giai đoạn bệnh.
- Khoảng 1/5 bệnh nhân hạ huyết sắc tố độ 1. Không gặp độc tính độ 4 hoặc 5. (10%) tăng men gan độ 1.
- Viêm da, viêm niêm mạc miệng, khô miệng là các tác dụng không mong muốn thường gặp nhất. Chủ yếu gặp độc tính mức độ nhẹ (độ 1, độ 2).
- Quy trình được hội đồng khoa học thông qua.
Hai là xây dựng được quy trình ứng dụng kỹ thuật xạ trị (VMAT) trong điều trị một số ung thư khoang miệng, trong đó
- Tỷ lệ đáp ứng theo MRI: đáp ứng hoàn toàn (53,3%); đáp ứng một phần (37,8%); bệnh giữ nguyên (8,9%).
- Tỷ lệ đáp ứng theo PET CT: hoàn toàn (71,1%); một phần (28,9%).
- Tỷ lệ tái phát 9,4%, tất cả đều tái phát tại hạch cổ.
- Thời gian sống thêm bệnh không tiến triển TB: 28,2 ± 0,95 (tháng).
- Thời gian sống thêm toàn bộ trung bình 32,82 ± 0,8 (tháng), nhóm bệnh nhân giai đoạn III cao hơn giai đoạn IV.
- Các tác dụng không mong muốn gặp ở tỷ lệ và mức độ thấp.
- Quy trình được hội đồng khoa học thông qua.
Các bằng chứng khoa học từ đề tài sẽ là cơ sở để các trung tâm ung thư trên toàn quốc áp dụng các tiến bộ trên vào thực tế điều trị UTKM, giúp cải thiện kết quả điều trị cho các bệnh nhân UTKM.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20245/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.