Sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc và duyên hải Nam Trung bộ
Việt Nam tham gia thị trường gạo toàn cầu từ năm 1989 và hiện nằm trong nhóm 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất lúa gạo không cao do những bất cập sau: i) Chưa có giống lúa chất lượng ở quy mô lớn và môi trường sản xuất bền vững; ii) Thiếu liên kết chặt giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; iii) Thiếu thông tin và dự báo thị trường; iv) Thiếu tên thương hiệu hấp dẫn để quảng bá trong và ngoài nước...
Hiện nay, hệ thống sản xuất giống lúa chính quy (doanh nghiệp nhà nước, tư nhân; liên doanh, nước ngoài; các viện nghiên cứu...) chỉ đáp ứng được 35-40% nhu cầu giống nhưng giá thành cao. Hơn 65% lượng giống còn lại có giá thành rẻ do người trồng lúa tự sản xuất và trao đổi với nhau. Điều này cho thấy nhu cầu giống lúa chất lượng là rất lớn để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.
Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 703/QĐ-TTg) đặt mục tiêu đến năm 2030 bảo đảm sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1. Để thực hiện được mục tiêu này, việc đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất giống lúa theo hướng công nghiệp hóa mang tính quyết định. Vì vậy, đề tài “Sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc và duyên hải Nam Trung bộ” do nhóm nghiên cứu của ThS. Nguyễn Việt Hà tại Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020, là cần thiết.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu liên kết cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ hạt giống SNC, NC và XN đối với các giống chất lượng và lúa thơm mới đang sản xuất thử nghiệm, có giá trị thương mại cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp hóa; Các giống lúa mới sẽ được chuyển giao bản quyền cho các doanh nghiệp để phục vụ sản xuất cho những năm tiếp theo khi dự án kết thúc; và xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu tập trung để sản xuất lúa thương phẩm có giá trị thương mại gạo 600 USD/tấn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa bền vững phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
1) Hoàn thiện quy trình nhân giống, quy trình thâm canh một số giống lúa đang sản xuất thử nghiệm, bao gồm:
- Đánh giá kiểm định lại tính trạng chất lượng mùi thơm của 02 giống lúa thơm nhạy cảm với điều kiện ngoại cảnh BT09 và LTH31 trước khi hoàn thiện quy trình kỹ thuật.
- Bố trí các thí nghiệm đồng ruộng về mật độ và phân bón kết hợp với phương thức gieo cấy (cơ giới hóa, sạ thưa) để hoàn thiện quy trình sản xuất hạt giống lúa các cấp trên cơ sở đảm bảo năng suất cao nhất (có ý nghĩa về mặt thống kê), hạn chế tối đa sâu bệnh hại, tăng khả năng chống chịu ngoại cảnh và cho hiệu quả kinh tế cao của các giống BT09, LTH31, Đông A1 và QP5.
- Bố trí các thí nghiệm đồng ruộng về mật độ và phân bón kết hợp với phương thức gieo cấy (cơ giới hóa, sạ thưa) để hoàn thiện quy trình thâm canh 08 giống đang sản xuất thử nghiệm trên cơ sở đảm bảo năng suất cao nhất (có ý nghĩa thống kê), hạn chế tối đa sâu bệnh hại, tăng khả năng chống chịu ngoại cảnh và cho hiệu quả kinh tế cao của các giống BT09, LTH31, Đông A1 và QP5.
2) Tổ chức liên kết sản xuất hạt giống các cấp gắn với từng vùng sinh thái, kết quả đạt được bao gồm:
- 53,58 tấn hạt giống siêu nguyên chủng (đạt 119,0% kế hoạch), gồm có: BT09, Đông A1, LTH31, QP5, Bắc Hương 9, LH12, An Sinh 1399 và VTNA6.
- 2816,8 tấn hạt giống nguyên chủng (đạt 102,4% kế hoạch), gồm có: BT09, Đông A1, LTH31, QP5, Bắc Hương 9, LH12, An Sinh 1399 và VTNA6.
- Toàn bộ lượng hạt giống nguyên chủng đã được nhân ra hạt giống xác nhận và đưa vào các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo trong khuôn khổ dự án. Chất lượng hạt giống các cấp do dự án sản xuất ra được kiểm định, đánh giá đáp ứng được QCVN 01- 54:2011/BNNPTNT.
3) Xây dựng mô hình mẫu liên kết sản xuất lúa thương phẩm, lúa thơm bền vững, hiệu quả kinh tế cao, bao gồm:
- Mô hình liên kết sản xuất lúa LH12 thương phẩm tại Lào Cai năm 2019 và năm 2020;
- Mô hình liên kết sản xuất lúa An Sinh 1399 thương phẩm tại Bình Định năm 2019 và năm 2020;
- Mô hình liên kết sản xuất thương phẩm lúa VTNA6 và Bắc Hương 9 tại Nghệ An năm 2020;
- Mô hình sản xuất lúa thơm thương phẩm Đông A1 tại Lào Cai năm 2019 và năm 2020;
- Mô hình sản xuất lúa thơm thương phẩm BT09 tại Bình Định năm 2019 và năm 2020;
- Mô hình sản xuất lúa thơm thương phẩm LTH31 tại Nghệ An năm 2019 và năm 2020.
Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao được năng lực nghiên cứu, sản xuất hạt giống và hiệu quả của chuỗi sản xuất lúa gạo.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20244/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.