Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ 2024
Ngày 08/11/2024, tại Quảng Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ năm 2024. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Lãnh đạo Bộ KH&CN, Lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở KH&CN trong Vùng.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban KHCN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ năm 2024. Ảnh: Nguyễn Hương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Vùng) trong 2 năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng.
Thông qua việc công bố Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 đã phản ảnh được nội hàm, điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương, trong đó Đà Nẵng là một trong 5 địa phương có điểm số dẫn đầu cả nước (điều này khẳng định vai trò vị trí của trung tâm Vùng).
Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh được tăng cường đã góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, tạo lập và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của từng địa phương trong vùng.
Tính riêng các dự án cấp quốc gia hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho vùng thực hiện trong năm 2023 - 2024: Có 43 dự án đang triển khai, trong đó 20 dự án đã được nghiệm thu. Đã hỗ trợ chuyển giao được 137 quy trình công nghệ; hỗ trợ xây dựng được 115 mô hình sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ; đào tạo được 309 cán bộ kỹ thuật; tập huấn được 6.070 lượt nông dân về quy trình kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất.
Các chương trình KHCN cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng KHCN tại các địa phương thuộc Vùng được thúc đẩy triển khai; công tác hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đổi mới công nghệ quốc gia, phát triển tài sản trí tuệ, phát triển công nghệ cao được các địa phương trong vùng tích cực triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH,CN&ĐMST vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức như: Tiềm lực KHCN của nhiều địa phương trong vùng còn hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn thiếu.
Hoạt động ứng dụng công nghệ tuy có nhiều kết quả nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, ở phạm vi xây dựng mô hình và còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi nhân rộng, phát triển; thiếu nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng lớn, tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và vùng.
Thứ trưởng Lê Xuân Định mong muốn các giải pháp về KHCN và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới sẽ khơi thông được nguồn lực, phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và của vùng trên các lĩnh vực.
Tại Hội nghị các đại biểu trao đổi thảo luận về hoạt động KH,CN&ĐMST của Vùng trong giai đoạn 2022-2024, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về KH&CN và thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST. Các địa phương đã nêu ra khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm quốc phòng, an ninh, và thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Qua đó đề xuất giải pháp thúc đẩy KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trong thời gian tới dựa trên Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau khi lắng nghe, trao đổi với các ý kiến, Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị các địa phương trong vùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là việc sửa đổi Luật KHCN, các luật chuyên ngành.
Đồng thời tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo bao gồm ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của các tổ chức KHCN trong vùng. Có giải pháp thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên gia KHCN tham gia hoạt động KHCN ở địa phương, nhất là để tham gia giải quyết các nhiệm vụ KHCN quy mô lớn, cấp thiết tại địa phương, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản; các lĩnh vực thuộc tiềm năng, thế mạnh của địa phương/của vùng như: Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh; khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển đảo; nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của vùng…
Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng đề nghị các địa phương trong vùng tăng cường phối hợp với Bộ KH&CN trong đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia nhằm huy động, tận dụng nguồn lực quốc gia, bao gồm cả nguồn lực tài chính, chuyên gia KHCN, nhân lực trình độ cao… để giải quyết các vấn đề KHCN quy mô lớn, liên ngành, liên vùng.
Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ 2024 là sự kiện quan trọng nhằm tổng kết kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST trong giai đoạn 2022-2024 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, qua đó đề xuất giải pháp thúc đẩy KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trong thời gian tới.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có vai trò kết nối kinh tế và giao thương, với diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm gần 30% diện tích của cả nước; bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260km), đồng thời sở hữu lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển và công nghiệp công nghệ cao. Các địa phương trong vùng đang tích cực phát triển các ngành công nghiệp chiến lược như sản xuất bán dẫn, chế tạo chip cùng với các dịch vụ tài chính, thương mại và logistics. Song song đó là đẩy mạnh ứng dụng KH, CN&ĐMST để hình thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), và năng lượng sạch. Những lĩnh vực công nghệ cao này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng cường kết nối giữa các địa phương, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Hải Yến