Nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Kết quả bước đầu
So với năm 2019, trong số 10 chỉ số thành phần PCI năm 2020 có 3 chỉ số tăng điểm. Chỉ số về gia nhập thị trường có bước cải thiện đáng kể với điểm số cao nhất, tăng 0,56 điểm so với năm 2019, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố. Thời gian đăng ký thành lập mới doanh nghiệp là 4 ngày, là một trong số 11 tỉnh có thời gian đăng ký lý tưởng nhất của cả nước. Thời gian đăng ký thay đổi các nội dung đăng ký doanh nghiệp là 2 ngày, nằm trong số 8 tỉnh có thời gian đăng ký lý tưởng nhất của cả nước.
Tuy nhiên, kết quả điều tra PCI năm 2020 cũng cho thấy gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” vẫn là một vấn đề lớn đối với không ít doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2020, có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải mất hơn 1 tháng để có đủ các giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) mới có thể chính thức đi vào hoạt động.
Năm 2020, cả nước đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống COVID-19. Dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến các hoạt động của doanh nghiệp trong cả nước cũng như Quảng Trị, kéo theo những khó khăn về thị trường nội địa bị thu hẹp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí, cắt giảm mạnh số lao động để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, về phía tỉnh đã cụ thể hóa các chính sách từ trung ương bằng các kế hoạch thực hiện và triển khai kịp thời để doanh nghiệp trên địa bàn vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong năm 2020, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng đáng kể, xếp hạng thứ 43/63 tỉnh, thành phố của cả nước, tăng 0,78 điểm so với năm 2019. Tỉ lệ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại, công nghệ, đào tạo tài chính kế toán đều tăng đáng kể. Đồng thời tỉ lệ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên tổng số doanh nghiệp tăng từ 0,26% năm 2019 tăng lên 0,28% năm 2020.
Chỉ số về sự năng động của chính quyền tỉnh được đánh giá có nhiều sự cải thiện so với năm 2019. Trong năm 2020, có tới 92% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng nhận được sự quan tâm của cơ quan nhà nước tại tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc; 83% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết của cơ quan nhà nước trên địa bàn và có đến 76% doanh nghiệp cho rằng tỉnh đã vận dụng linh hoạt pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân, đây là con số khá cao so với những năm trở lại đây.
Mặc dù doanh nghiệp đánh giá cao sự năng động, linh hoạt, sáng tạo của chính quyền tỉnh trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật của trung ương, tuy nhiên chất lượng thực thi của cấp huyện, thị xã, sở, ngành vẫn còn “điểm nghẽn” lớn mà chính quyền cấp tỉnh cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn. Theo kết quả điều tra năm 2020 cho thấy, có 7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành”; có 53% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng “lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện, thị xã”.
Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp
Để tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, nhiều giải pháp quyết liệt đã được tỉnh đã và đang triển khai. Trước những diễn biến phức tạp của COVID-19, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Đó là giảm lãi suất, giãn thời gian cho vay nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho các doanh nghiệp đang khó khăn. Gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Bên cạnh đó tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết và gây phiền hà cho doanh nghiệp…Nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn trong thực thi công vụ, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp. Trong đó thể hiện vai trò của người đứng đầu các ngành, các cấp cần phải năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp.
Các đơn vị phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cải tiến việc niêm yết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, cấp phép đầu tư…một cách hợp lý để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tuyên truyền các chính sách, văn bản pháp luật mới đến doanh nghiệp. Tham gia tích cực trong việc xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh liên quan đến đầu tư kinh doanh. Thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, báo cáo kịp thời với tỉnh để có giải pháp xử lý dứt điểm.
Để đối phó và vượt qua khó khăn do COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện nhiều giải pháp như triển khai các hoạt động phòng chống sự lây lan của dịch bệnh tại nơi làm việc và bảo vệ sức khỏe người lao động. Duy trì, chuyển đổi hoạt động sản xuất để ứng phó với doanh thu sụt giảm và khó khăn trong tiếp cận với nguồn nguyên liệu thiết yếu. Thực hiện các giải pháp mang tính chuyển đổi phương thức hoạt động như tăng cường tự động hóa hoặc đào tạo kỹ thuật số, cho phép doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào lao động thủ công.
Cùng với những giải pháp chung nêu trên, tỉnh cũng đưa ra được những giải pháp cụ thể đối với các chỉ số thành phần PCI với quan điểm cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần, tiếp tục có giải pháp để duy trì và phát huy đối với những chỉ số có điểm số cao, đồng thời có giải pháp cải thiện mạnh mẽ. quyết liệt đối với các chỉ số có điểm số còn thấp.
http://www.baoquangtri.vn/