Hướng Hóa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững
Người dân xã A Dơi khai thác mủ cao su
Trong những năm qua, huyện Hướng Hóa đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thời tiết, đất đai, hình thành các vùng chuyên canh ở các địa phương, tạo ra khối lượng nông sản lớn, mang giá trị hàng hoá cao như phát triển cây cà phê ở các xã Tân Liên, Tân Hợp, Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Ba Tầng, thị trấn Khe Sanh; phát triển cây chuối ở các xã Tân Long, Tân Thành, Thuận, Hướng Lộc; cây cao su ở xã A Dơi, Thanh và một số xã vùng Lìa. Hướng Hoá đã đẩy mạnh phong trào trồng sắn, đặc biệt từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa được đưa vào hoạt động, người dân các xã vùng Lìa nói riêng và các xã trong huyện nói chung đã đầu tư khai hoang đất đai ven triền đồi, nương rẫy trồng sắn KM94, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. Đến năm 2021, toàn huyện có 5.012,8 ha, với sản lượng 71.833,4 tấn sắn.
Thông qua phong trào trồng sắn nguyên liệu đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp người dân, nhất là bà con các dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa xóa được đói, giảm được nghèo mà đã xuất hiện nhiều hộ khá, giàu, có thu nhập từ trồng sắn trong năm hơn 100 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, với sản lượng sắn hiện tại đã vượt quá công suất thiết kế của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá, dẫn đến việc nhập nguyên liệu sắn cho nhà máy của người trồng sắn ở các xã vùng Lìa gặp khó khăn. Mặt khác, do không chú trọng đầu tư thâm canh nên dẫn đến một số diện tích đất trồng sắn qua các năm ở các địa phương đã bị bạc màu, năng suất và hàm lượng tinh bột giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng sắn.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết số 09/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của HĐND huyện về việc thông qua đề án chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác giai đoạn 2017 - 2020 đối với các xã vùng Lìa, Nhân dân các xã vùng Lìa đã thực hiện chuyển đổi 576 ha (Đề án 521 ha) đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác, gồm 25 ha gừng, nghệ, 275 ha cây cao su, 276 ha ngô.
Thông qua thực hiện chuyển đổi một số diện tích sắn kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác ở các xã vùng Lìa đã làm thay đổi nhận thức của người dân, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể; bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ông Hoàng Đình Bình cho biết thêm, để đảm bảo phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững, ổn định vùng nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất trên một đơn vị diện tích, tại kỳ họp thứ 7, HĐND huyện Hướng Hoá đã thông qua Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND, ngày 26/7/2022 về việc thông qua đề án “Chuyển đổi, phục hồi một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn năm 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó từ nay đến năm 2025, cùng với thực hiện phục hồi, tái canh 779 ha cây cà phê; cải tạo vườn tạp, trồng mới hoặc ghép cải tạo có hiệu quả ít nhất 50 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mít, bơ, sầu riêng… huyện tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân đầu tư thâm canh, chú trọng công tác bảo vệ thực vật và duy trì diện tích sắn nguyên liệu 4.400 ha, với sản lượng đạt 65.000 tấn, đảm bảo nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá hoạt động.
Huyện Hướng Hoá thực hiện chuyển đổi 612,8 ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, bao gồm chuyển 472,8 ha sang trồng gừng, nghệ, ngô…; 140 ha sang trồng cây cao su. Diện tích trồng cây cao su, gừng, nghệ, ngô chủ yếu tập trung ở các xã: Thanh, Thuận, Xy, Lìa, Hướng Lộc, A Dơi, Ba Tầng. Đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động Nhân dân chủ động tự chuyển một số diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác có hiệu quả kinh tế phù hợp với thị trường tiêu thụ nông lâm sản trên địa bàn, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Để triển khai thực hiện chuyển đổi 612,8 ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá tri kinh tế cao, hộ gia đình, cá nhân có đất trồng sắn kém hiệu quả, nằm trong quy hoạch tự nguyện đăng ký chuyển đổi, được hỗ trợ một lần với mức tối đa 70% chi phí giống phục vụ sản xuất cây cao su, định mức hỗ trợ tối đa 12 triệu đồng/ha; mỗi năm hỗ trợ tối đa 35 ha.
Thực hiện chuyển đổi thành công 612,8 ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng gừng, nghệ, cao su, ngô sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, ổn định vùng nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá, hạn chế các rủi ro cho người dân khi độc canh cây trồng, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.
http://baoquangtri.vn/