Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong trồng ớt tại Tây Nguyên
Chị Nguyễn Thị Cao Thi cho biết, trong đợt dịch bệnh Covid-19 2 năm vừa qua, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, gia đình đã tìm hiểu rất kỹ về thị trường tiêu thụ cây ớt trong nhưng năm gần đây tiêu thụ rất tốt, giá cả tăng cao, không chỉ được tiêu thụ tươi thô ở trong nước và xuất khẩu mà còn được sử dụng để chế biến khô và bảo quản được lâu.
Khác với cách làm truyền thống của nhiều hộ, vợ chồng chị Thi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây ớt với chi phí chỉ 3 triệu đồng/sào. Phân bón cho ớt cũng được chị hòa tan sau đó tưới cùng với hệ thống tưới nhỏ giọt. Đến nay, diện tích ớt của gia đình chị Thi sinh trưởng và phát triển tốt. Theo chị Thi, trồng ớt bằng hệ thống tưới nhỏ giọt mang lại nhiều lợi ích như: tiết kiệm được nước, nhân công cũng như phân bón; cây đủ nước, đủ độ ẩm thường xuyên nên phát triển tốt.
Sau hơn 2 tháng trồng, vườn ớt chỉ thiên đã cho trái và gia đình chị Thi đã thu hoạch 3 đợt, sản lượng trung bình 4 tấn/đợt. Ớt thu hoạch xong được thương lái thu mua tận nơi với giá bán dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Có thời điểm khan hiếm hàng, giá lên cao, gia đình chị bán được mức giá 72.000 đồng/kg. Với 4 sào ớt, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình chị Thi có thu nhập khoảng 120 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số cây trồng khác.
Chị Thi chia sẻ: “Ớt chỉ thiên nhiều ưu điểm như: dễ trồng, không kén đất, cây sinh trưởng và phát triển nhanh. Trồng ớt cũng không tốn công chăm sóc như các loại cây khác. Trong quá trình trồng chỉ cần thường xuyên theo dõi, bón phân, tưới nước đều đặn, đặc biệt là phòng bệnh cho cây ớt, nhất là bệnh thán thư. Các công đoạn chăm sóc từ tưới, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cần phải đảm bảo sạch, an toàn cho người và môi trường để thị trường dễ chấp nhận”.
https://www.mard.gov.vn/