Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 08-03-2022

Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tạo bứt phá cho nền kinh tế

Bảo đảm sử dụng kinh phí khoa học đúng mục đích, hiệu quả

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thời gian qua, điều khiến cho những nỗ lực của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) chưa đạt được hiệu quả như mong muốn là những vướng mắc trong chính cơ chế chính sách, nhất là vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đó là, tỉ trọng chi cho hoạt động này chưa thực sự hợp lý, chi đầu tư còn thấp, chi thường xuyên cao. Mức chi cho một số nhiệm vụ KH&CN phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa tới ngưỡng.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý, về tâm lý, vẫn chưa chấp nhận rủi ro và chưa tin tưởng người làm nghiên cứu. Do đó, trên thực tế, không chỉ việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước gặp khó khăn mà cả trong quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu và tài sản hình thành qua các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước đều gặp lúng túng. Vì vậy, cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp quản lý, chấp nhận rủi ro để thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên KH&CN.

Hơn nữa, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp như hiện nay thì một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là đề cao tính minh bạch, khách quan trong quản lý các đề tài và nhiệm vụ KH&CN các cấp. Vì vậy, Bộ KH&CN đang rà soát và sửa đổi các quy định về xét duyệt, quản lý và đánh giá các nhiệm vụ KH&CN theo hướng công khai, minh bạch, khách quan cùng với đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Để cụ thể hóa các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ, trong phòng chống dịch Covid-19, Bộ KH&CN sẽ chủ động bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phòng, chống dịch Covid-19, tập trung nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc xin và thuốc điều trị; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đăng ký chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin; tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KHCN&ĐMST. Cụ thể, thực hiện phân bổ, thông báo vốn đầu tư công cho từng dự án theo đúng quyết định của các cấp có thẩm quyền. Quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công trong lĩnh vực KHCN&ĐMST.

Đồng thời, cấp phát kinh phí KH&CN đầy đủ, kịp thời; đôn đốc, kiểm tra nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí KH&CN đúng mục đích, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm soát chi, bảo đảm chi đúng, chi đủ, có hiệu quả; triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Bộ KH&CN cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KHCN&ĐMST. Cụ thể, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3. Nghiên cứu, xây dựng đề án sửa đổi Luật KH&CN; tập trung triển khai Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính để phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; rà soát sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST với các quy định khác có liên quan (thuế, đầu tư, đất đai...) tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Phát triển mạnh mẽ KH&CN phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo được Bộ KH&CN triển khai đó là phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo đó, nâng cao tiềm lực KH&CN, tập trung triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, nhất là các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; thu hút, trọng dụng nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.

Đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, phát triển xanh, chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch và chuyển đổi số. Thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực tăng trưởng mới.

Triển khai hiệu quả, có trọng điểm các chương trình KH&CN cấp quốc gia về phát triển tài sản trí tuệ, sản phẩm quốc gia, công nghệ cao, thị trường KH&CN, đổi mới công nghệ quốc gia, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển KH&CN và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ KH&CN cũng tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và tổ chức triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 hướng tới năm 2030 theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các nhiệm vụ KH&CN theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học và khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới các chuẩn mực phù hợp với thông lệ quốc tế. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và phát huy tối đa thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học. Đẩy nhanh thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường liên kết mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Mặt khác, giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các Quỹ, sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động đổi mới công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu KH&CN, giải mã công nghệ, mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

https://khcncongthuong.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 21
Hôm nay: 20152
Tổng lượt truy cập: 3.599.749
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!