Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 23-08-2022

Thái Bình: Ứng dụng công nghệ trồng dưa lưới nhà màng

Nhằm góp phần khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và mô hình khuyến nông tiên tiến cho người dân. Giai đoạn 2021-2022, Trung tâm đã thực hiện thành công mô hình ứng dụng công nghệ tưới thông minh vào trồng dưa vân lưới theo hướng hữu cơ trong nhà màng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình cho thu lãi 6,1 triệu đồng trên diện tích 250 m2.

Dưa lưới - trái cây có nhiều lợi ích cho sức khỏe

Phát triển nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu hiện nay và cấp thiết hơn bao giờ hết đối với nền nông nghiệp nước nhà nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Trong điều kiện biến đổi khí hậu thì việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là con đường khả thi nhất mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra những sản phẩm vượt trội về năng suất và chất lượng. Xác định được điều đó, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã chú trọng xây dựng các mô hình công nghệ tiên tiến vào sản xuất phù hợp với đặc thù của địa phương nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.

Dưa lưới là cây trồng có giá trị kinh tế cao, sản phẩm luôn được thị trường ưa chuộng. Quỹ Y tế Thế giới đã liệt kê dưa lưới vào danh sách các loại quả mang lại lợi ích cho phổi vì nó chứa nhiều vitamin A (250 mg dưa lưới chứa tới 40% lượng vitamin A cơ thể cần mỗi ngày). Ngoài ra, nhờ có hàm lượng chất beta carotene phong phú mà loại dưa này cũng có thể giúp kiểm soát sự thoái hóa điểm vàng, một bệnh làm suy giảm thị lực ở người có tuổi. Ngoài ra, dưa lưới là nguồn chứa chất chống oxy hóa dạng polyphenol, là chất có lợi cho sức khỏe trong việc phòng chống bệnh ung thư và tăng cường hệ miễn dịch. Hàm lượng adenosine trong dưa có lợi cho tim vì nó có đặc tính làm loãng máu (ngăn ngừa máu đông trong hệ thống tim mạch). Vitamin C ngăn ngừa tình trạng xơ cứng động mạch, trong khi folate giúp ngăn ngừa các cơn đau tim có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây lại là cây trồng khó tính, yêu cầu kỹ thuật cao, dễ phát sinh sâu bệnh, đặc biệt là nấm bệnh. Bên cạnh đó, độ ngọt của quả đòi hỏi một quá trình kiểm soát dinh dưỡng ngặt nghèo trong quá trình canh tác. Trồng dưa lưới trong nhà màng ở Thái Bình còn ít nên còn thiếu và yếu cả về quy mô sản xuất lẫn kỹ thuật. Bởi vậy, trồng dưa lưới trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao bằng kiểm soát hoàn toàn từ chế độ dinh dưỡng, nước tưới và ánh sáng đang mở ra một hướng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với người làm nông nghiệp hiện nay.

Ứng dụng thành công mô hình trồng dưa lưới nhà màng

Nhận thấy những tiềm năng và lợi ích trên, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới thông minh vào trồng dưa vân lưới hướng hữu cơ trong nhà mang với diện tích 250 m2. Mô hình ứng dụng công nghệ trồng cây trong bầu giá thể (xơ dừa trộn đất), giúp rễ cây không tiếp xúc với nguồn lây bệnh từ đất, tạo độ thông thoáng cho bộ rễ. Khi trồng bằng phương thức này, nước và dinh dưỡng cho cây được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Ưu điểm nổi bật của hệ thống tưới nhỏ giọt là nước tưới, dinh dưỡng chính xác đến từng cây, từng giai đoạn sinh trưởng của cây, người trồng có thể theo dõi các thông số kỹ thuật hằng ngày như độ ẩm đất, dinh dưỡng và có thể tưới kèm phân bón. Ngoài ra, tưới nhỏ giọt được thiết lập để chạy tự động là bước tiến quan trọng trong tự động hóa sản xuất. Không chỉ tiết kiệm được 30-60% lượng nước và phân bón, mà áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt còn ngăn ngừa bệnh cho cây trồng bằng cách giảm theo tiếp xúc nước với lá, thân và hoa trái của cây; cho phép các hàng giữa các cây vẫn còn khô, cải thiện tiếp cận và giảm cỏ dại phát triển; tiết kiệm thời gian, tiền bạc; giảm công lao động… Trải qua thời gian thực hiện, mô hình cho thu lãi 6,1 triệu đồng trên diện tích 250 m2; trồng dưa lưới trong nhà màng an toàn về thời tiết, hạn chế sâu bệnh có thể trồng được lên tới 3 vụ/năm.

Từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được Trung tâm Khuyến nông triển khai thông qua nhiều hình thức giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, góp phần quan trọng không nhỏ nâng cao tư duy, nhận thức, trình độ sản xuất và thu nhập cho người dân. Thông qua các hoạt động này, chủ trương chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kỹ thuật canh tác, tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất điển hình được truyền tải, giới thiệu một cách kịp thời, đầy đủ để người dân tham khảo học tập và nhân rộng. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tiếp tục thực hiện mô hình trên các cây trồng khác nhau để đánh giá hiệu quả của công nghệ, từ đó tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân áp dụng vào sản xuất.

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 792
Tổng lượt truy cập: 4.040.605
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!