Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 04-10-2023

Vai trò của hoạt động công nhận trong hạ tầng chất lượng quốc gia

Công nhận là một trong những cấu thành quan trọng của hạ tầng chất lượng quốc gia với 3 “chân kiềng” Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng.

Trên thế giới, hoạt động công nhận đã phát triển một cách mạnh mẽ trong các năm qua, xuất phát từ nhu cầu phát triển thương mại toàn cầu. Việc hình thành nhiều tổ chức công nhận quốc gia thời gian qua đã chứng minh rằng, Chính phủ các quốc gia này muốn thể hiện với đối tác thương mại rằng họ có các phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận và con người có đủ năng lực hỗ trợ các hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu.

Cùng giai đoạn này, toàn cầu hoá đang là nét đặc trưng của thị trường thế giới. Trong bối cảnh đó, hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp cũng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi sự thay đổi trong kinh doanh và môi trường pháp lý. Những thay đổi này đã tạo ra cả mối đe dọa và thách thức đối với các cơ quan công nhận.

Hoạt động công nhận là một biện pháp giúp cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm/hiệu chuẩn, giám định chất lượng và chứng nhận chất lượng; là tiền đề nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước; là cơ sở để phát triển trao đổi thương mại, giúp cho việc hội nhập kinh tế quốc tế.

Thông qua hoạt động thừa nhận lẫn nhau của các tổ chức công nhận, Chính phủ nhiều nước sử dụng hoạt động công nhận làm cơ sở kỹ thuật cho việc ký kết các thỏa ước thừa nhận lẫn nhau về đánh giá sự phù hợp, tạo điều kiện cho báo cáo kết quả thử nghiệm, chứng chỉ chứng nhận, chứng thư giám định của một nước sẽ được chấp nhận ở nước kia, tạo thuận lợi hóa cho thương mại toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu “một tiêu chuẩn, một lần đánh giá, được chấp nhận mọi nơi”.

Công nhận là một trong những cấu thành quan trọng của hạ tầng chất lượng quốc gia.

Hoạt động công nhận là hoạt động tự nguyện, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các đối tượng của hoạt động công nhận đã được công nhận sẽ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ưu tiên xem xét để chỉ định phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước.

Theo quy định của pháp luật, công nhận là việc xác nhận phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định có năng lực phù hợp các tiêu chuẩn tương ứng. Tổ chức công nhận cần đảm bảo tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế là tiêu chuẩn ISO/IEC 17011 vì chỉ có như vậy mới đáp ứng được mục đích tối quan trọng của công nhận là hoà nhập quốc tế thông qua đó tạo thuận lợi cho thương mại. Tinh thần cơ bản của các tiêu chuẩn này là tổ chức công nhận phải độc lập, không thiên vị và có năng lực trong việc đánh giá sự phù hợp.

Vai trò của hoạt động công nhận tại Việt Nam

Ngày nay, với sự phát triển của thương mại quốc tế, sự gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ đã làm cho hoạt động công nhận đối với các phòng thí nghiệm, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định trên phạm vi toàn cầu ngày một phát triển để phục vụ cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả thí nghiệm, chứng nhận và giám định. Công nhận là một trong những cấu thành quan trọng của hạ tầng chất lượng quốc gia với 3 “chân kiềng” Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng.

Vai trò và giá trị của của hoạt động công nhận đã được thừa nhận ở mọi quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hoạt động công nhận đã trở thành công cụ có giá trị thống nhất trong việc khẳng định năng lực và sự tin cậy của các tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Hoạt động công nhận ở nước ta được triển khai khá lâu (từ năm 1995), có bề dày nhất định và chứng minh sự hội nhập ngày càng sâu với quốc tế. Công nhận đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng các hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận và giám định, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động thương mại trên thị trường quốc gia cũng như quốc tế.

Hoạt động công nhận cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng như bảo về quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu với quốc tế, doanh nghiệp kết nối làm ăn với nước ngoài ngày càng nhiều thì việc tuân thủ luật chơi chung là vô cùng cần thiết và tránh bị đào thải trong sân chơi chung. Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khẳng định mình với quốc tế, phòng công nhận sẽ giúp hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi hơn, khẳng định năng lực nổi bật của mình. Vai trò của hoạt động công nhận được đề cập trong các Hiệp định TBT, CPTPP, RCEP, trong các thỏa thuận của ASEAN và trong các hiệp định song phương hoặc đa phương giữa Chính phủ khi bàn về thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp.

Hoạt động công nhận không chỉ bó hẹp ở một bộ ngành mà nó bao phủ rộng rãi tới nhiều lĩnh vực. Hoạt động công nhận ngày càng sát thực hơn, phục vụ quản lý nhiều hơn, thúc đẩy các hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, giám định đi đến một kết quả thống nhất.

Mô hình tổ chức công nhận quốc gia

Với vai trò quan trọng như vậy, hoạt động công nhận luôn được coi trọng tại các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển và tại Việt Nam. Để đảm bảo gắn và phục vụ quản lý nhà nước, thuận lợi trong trao đổi thương mại cũng như theo kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam nên thừa nhận có tổ chức công nhận quốc gia. Việc thừa nhận tổ chức công nhận quốc gia giúp tập trung nguồn lực tốt hơn, tạo sự liên kết giữa hoạt động công nhận và quản lý nhà nước, tạo thuận lợi hơn trong hợp tác quốc tế về công nhận và có tiếng nói thống nhất ở quốc tế về các vấn đề của công nhận.

Mô hình có tổ chức công nhận quốc gia là tiếp cận mang tính phổ biến hiện nay trên thế giới. Hầu như tất cả các nước trên thế giới đều đang có tổ chức công nhận quốc gia hoặc đang cố gắng tiếp cận, liên kết để xây dựng nên tổ chức công nhận quốc gia thống nhất từ hoạt động công nhận phân tán do lịch sử để lại.

Điển hình phải kể đến Trung Quốc đã xây dựng tổ chức công nhận quốc gia từ việc sáp nhập nhiều tổ chức công nhận khác nhau hay một số nước trong cộng đồng kinh tế Châu Âu như Đức đã tiến hành sáp nhập các tổ chức công nhận khác nhau thành một tổ chức công nhận quốc gia thống nhất. Thái Lan cũng đang trong quá trình cố gắng sáp nhập các tổ chức công nhận làm tổ chức công nhận quốc gia thống nhất.

https://vietq.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 972
Tổng lượt truy cập: 3.524.561
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!