Giám sát biến đổi mực nước sông Hồng và sông Mê Kông bằng công nghệ đo cao vệ tinh
Với ưu thế của công nghệ thì việc xác định độ cao bề mặt nước bằng vệ tinh là công nghệ có nhiều ứng dụng quan trọng đối với nước ta. Gần đây, một số đề tài khoa học cũng đã nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm của dữ liệu đo cao vệ tinh như Viện khoa học Đo đạc và Bản đồ với đề tài “Nghiên cứu đánh giá và đề xuất sử dụng mô hình mặt biển tự nhiên MDT (Mean Dynamic Topography) ở Việt Nam” nhằm lựa chọn mô hình phù hợp nhất với vùng biển Việt Nam và ứng dụng nó trong lĩnh vực thành lập bản đồ địa hình đáy biển. Hay đề tài "Nghiên cứu truyền độ cao quốc gia ra một số đảo lớn gần bờ ở nước ta với độ chính xác tương đương thủy chuẩn hạng III" cũng đã ứng dụng số liệu đo cao vệ tinh trong việc xác định dị thường trọng lực biển.
Trong khi đó, việc nghiên cứu ứng dụng số liệu đo cao vệ tinh để xác định độ cao mực nước thủy văn lục địa như sông, hồ và đất ngập nước với những đặc điểm khác biệt so với bề mặt nước biển vẫn chưa được phổ biến. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Dữ liệu viễn thám, Cục Viễn thám quốc gia, do ThS. Nguyễn Ngọc Nam dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Giám sát biến đổi mực nước sông Hồng và sông Mê Kông bằng công nghệ đo cao vệ tinh” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vệ tinh trong việc giám sát tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện quy trình xử lý xác định mực nước sông, hồ bằng số liệu đo cao vệ tinh; và cung cấp chuỗi số liệu giám sát biến đổi mực nước theo thời gian trong khoảng 2017 - 2018 tại các vị trí thử nghiệm trên sông Hồng và sông Mê Kông sử dụng dữ liệu đo cao vệ tinh.
Dưới đây là những kết quả mà đề tài đã thu được sau ba năm nghiên cứu:
- Mặc dù độ chính xác của đo cao vệ tinh chưa đủ cho các ứng dụng thủy văn chính xác nhưng vẫn có thể giúp theo dõi xu hướng biến đổi mực nước đối với các khu vực không có trạm quan trắc thủy văn, đặc biệt là khu vực thượng lưu các con sông quốc tế và là nguồn dữ liệu quan trọng và rất cần thiết đối với công tác quản lý tài nguyên nước.
- Khả năng giám sát biến đổi mực nước của đo cao vệ tinh phụ thuộc lớn vào độ rộng sông và địa hình (bao gồm độ cao địa hình, độ dốc và hướng của dòng chảy so với hướng của vệt quỹ đạo vệ tinh trên mặt đất). Đối với địa hình bằng phẳng, dữ liệu đo cao vệ tinh Jason-3 và Sentinel-3A có thể giám sát biến đổi mực nước các con sông có độ rộng trung bình lớn hơn 100 m.
- Vệ tinh Jason-3 đã có một lần hiệu chỉnh hệ thống sau vận hành kiểm định vào 09/2017 giúp cho kết quả giám sát đối với các khu vực địa hình miền núi được cải thiện tốt hơn. Tương tự, vệ tinh Sentinel-3A cũng có một lần hiệu chỉnh hệ thống sau vận hành kiểm định giúp tăng cường khả năng giám sát biến đổi mực nước sông đối với các con sông có độ rộng nhỏ ở khu vực địa hình miền núi, tuy nhiên lại làm giảm khả năng giám sát đối với các con sông có độ rộng nhỏ ở khu vực bằng phẳng. Đây có thể là sự ưu tiên của hệ thống đối với việc giám sát biến đổi mực nước các khu vực thượng nguồn sông, nơi không có các trạm quan trắc thủy văn thực địa.
- Việc giám sát biến đổi độ cao mực nước cần được thực hiện trong một khoảng thời gian đủ dài nhằm theo dõi cơ chế vận hành các hồ chứa nước và xu hướng biến đổi mực nước sông một cách chính xác, tin cậy và đầy đủ cũng như giúp loại bỏ các trị đo sai thô trong quá trình xử lý số liệu đo cao vệ tinh.
Việc thực hiện đề tài này phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong đó có mục tiêu “Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu của các cơ quan chuyên môn”.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19627/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/