Giảm phát thải khí metan trong xử lý phế phụ phẩm cây trồng tại Việt Nam
Theo thống kê, chỉ riêng nguồn phát thải khí metan trong lĩnh vực hoạt động canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU) đã chiếm đến 57% tổng lượng phát thải của Việt Nam. Con số này cho thấy việc xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp đang là một thách thức lớn.
Theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu”, mục tiêu giảm phát thải khí metan đến năm 2030 của Việt Nam là giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tổng lượng khí metan phát thải năm 2020 tại Việt Nam là 111,3 triệu tấn. Năm 2022, Việt Nam tham gia “Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu” với mục tiêu giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Cũng theo thống kê, chỉ riêng nguồn phát thải khí metan trong lĩnh vực hoạt động canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU) đã chiếm đến 57% tổng lượng phát thải của Việt Nam. Con số này cho thấy việc xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp đang là một thách thức lớn.
Nguồn phát thải khí metan từ hoạt động xử lý rơm rạ truyền thống (Ảnh: Theo Kinh tế Nông thôn)
Trong những năm qua, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học vào quá trình sản xuất nông nghiệp nên nông nghiệp Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn. Tổng lượng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam ước tính gần 160 triệu tấn, trong đó có khoảng 100 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (63%). Nguồn phế, phụ phẩm cây trồng này bao gồm: thân, cành, lá, gốc, rễ, vỏ cây, vỏ quả, bã chất thải của quá trình chế biến nông sản. Đây là một trong những nguồn phát thải khí metan - loại khí gây nên hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ của trái đất và tác động xấu đến sức khoẻ của con người.
Việc giảm phát thải khí metan được cho là một trong những phương án ít tốn kém và nhanh nhất để hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu trong ngắn hạn và cải thiện nhanh chất lượng không khí.
Với cam kết mạnh mẽ: giảm phát thải khí metan ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020 trong tất cả các lĩnh vực, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương xây dựng và thực hiện các đề án: Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang đất lúa - thuỷ sản, cây trồng cạn hiệu quả kinh tế cao, giảm phát thải khí metan và phát triển thị trường cho các sản phẩm mới ở các hệ thống cây trồng được chuyển đổi. Đề án tuần hoàn chất thải và phụ phẩm nông nghiệp, tăng tích luỹ cac-bon trong đất, sản xuất giấy, bao bì và năng lượng sạch nhằm giảm phát thải khí metan. Đồng thời đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tưới tiêu chủ động, giảm phát thải khí metan trong canh tác lúa.
Vừa qua, tại Vang Vieng, Lào, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham gia hội thảo “Hướng dẫn chung cho ASEAN về giảm hoặc cấm đốt phế phụ phẩm (bao gồm cả cháy rừng) và kế hoạch hành động chung cho ASEAN về Phát triển nông nghiệp bền vững” để đánh giá tình trạng hiện tại của việc đốt phế phụ phẩm và ảnh hưởng của cháy rừng, phân tích hậu quả của việc đốt phế phụ phẩm và cháy rừng đối với môi trường, sức khỏe con người và kinh tế.
Các nhà khoa học Việt Nam tham gia hội thảo tại Vang Vieng, Lào
Tại hội thảo, các nhà khoa học trong khu vực đã nhấn mạnh, cần thúc đẩy cải thiện hiệu quả năng lượng và sử dụng tài nguyên bằng các hình thức: Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước và đất đai. Khuyến khích việc phát triển các hệ thống nông nghiệp đa dạng hóa và tích hợp, bao gồm nông nghiệp hữu cơ và hệ thống trồng xen canh. Tạo điều kiện thuận lợi để các nông dân và cộng đồng nông thôn có thể chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững. Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và chính sách cho các quốc gia thành viên ASEAN để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Tăng cường hợp tác kỹ thuật và trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên ASEAN về các biện pháp phát triển nông nghiệp bền vững.
Kết thúc hội thảo, các quốc gia thành viên ASEAN đã cam kết thực hiện các biện pháp cụ thể để giảm hoặc cấm đốt phế phụ phẩm và cháy rừng, cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực. ASEAN sẽ hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, bao gồm các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển, để đạt được các mục tiêu và cam kết trong lĩnh vực này.
Có thể thấy rằng, vấn đề giảm phát thải khí metan trong xử lý phế phụ phẩm cây trồng nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Với quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân trong cả nước, hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đạt được kế hoạch và mục tiêu đã đề ra trong lĩnh vực này./.
https://dangcongsan.vn/