Việt Nam thu 51,5 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon rừng
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp FCPF của Ngân hàng Thế giới.
Hoạt động trồng rừng của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia. Ảnh: Gaiavn
Ngày 21/3, Ngân hàng Thế giới WB phát thông cáo báo chí cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon1) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (REDD+)2 và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.
Như vậy, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới.
Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) là quỹ hợp tác toàn cầu hỗ trợ các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức của người bản địa tập trung vào việc giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng ở các nước đang phát triển, các hoạt động thường được gọi là REDD+. Từ khi Quỹ được thành lập vào năm 2008, Quỹ FCPF đã làm việc với 47 quốc gia đang phát triển tại Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, cùng với 17 nhà tài trợ đã đóng góp và cam kết với tổng trị giá 1,3 tỷ USD.
Khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019. Đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ FCPF cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao. Người trồng rừng là chủ thể được thụ hưởng nguồn lợi này. Cụ thể, khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia.
"Thành công của chương trình REDD+ đưa Việt Nam đến gần hơn với việc thực hiện các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)3 đầy tham vọng của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ các khu vực quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học," Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan cho biết.
Việt Nam đã thu được kết quả giảm phát thải vượt quá khối lượng đã ký hợp đồng với Quỹ FCPF và có thể bán khối lượng giảm phát thải vượt trội này cho bên thứ ba thông qua các hiệp định song phương hoặc thị trường carbon. Việt Nam cũng có thể sử dụng các kết quả giảm phát thải vượt trội này cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hoặc giữ lại cho các mục tiêu về khí hậu.
"Khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu và mở ra một cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của quốc gia", Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk nhận định.
WB cho biết chương trình giảm phát thải của Việt Nam đã tạo ra 16,2 triệu tín chỉ carbon cho giai đoạn 2018 - 2019, cao so với khối lượng 10,3 triệu trong Thỏa thuận chi trả giảm phát thải. WB đã thông báo cho Việt Nam việc thực hiện quyền mua thêm 1 triệu kết quả giảm phát thải bên ngoài số lượng hợp đồng.
Chương trình giảm phát thải của Việt Nam bảo vệ các khu rừng nhiệt đới của đất nước, bao phủ 3,1 triệu trong số 5,1 triệu héc-ta đất trong khu vực thực hiện chương trình. Những khu rừng này có tầm quan trọng về sinh thái, bao gồm năm hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của 12% dân số Việt Nam, bao gồm 13 nhóm dân tộc thiểu số và nhiều cộng đồng sinh sống phụ thuộc vào rừng. Gần một phần ba dân số trong khu vực sống dưới mức nghèo của quốc gia. Thông qua việc cải thiện quản lý rừng, đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp và tăng cường các chính sách nông nghiệp, chương trình giúp tăng cả phạm vi và chất lượng che phủ rừng với sự hợp tác của cộng đồng địa phương.
---
1 Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO₂ hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi tương đương sang 1 tấn CO₂.
2REDD+ (“Reducing Emission from Deforestation and Forest Degradation” - Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng) là một sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, thông qua 5 hoạt động chính: Hạn chế mất rừng; Hạn chế suy thoái rừng; Bảo tồn trữ lượng các bon rừng; Quản lý bền vững tài nguyên rừng; Tăng cường trữ lượng các bon rừng. Ý tưởng của REDD+ là các nước đang phát triển sẽ giảm tỷ lệ mất rừng và suy thoái rừng để được nhận thù lao về mặt tài chính từ quỹ toàn cầu do phía các nước phát triển đóng góp.
3Để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris, tất cả các quốc gia phải đệ trình lên Liên hợp quốc các kế hoạch hành động vì khí hậu, được gọi là “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC), trước tháng 12 năm 2020. NDC trình bày các biện pháp mà các quốc gia dự định thực hiện nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính của từng nước, tương ứng với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. NDC được rà soát 5 năm một lần, bắt đầu từ tháng 11/2021 tại COP 26 diễn ra tại Anh Quốc.
https://khoahocphattrien.vn/