Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 22-03-2024

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này cũng tăng lên trong vài năm trở lại đây. Mặc dù đã có nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu và chuyên ngành bán dẫn, nhưng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực này, chúng ta gặp phải không ít vướng mắc. Bài viết chia sẻ thực trạng nguồn nhân lực cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.

Nhiều thách thức

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, Việt Nam đã trở thành một điểm đến lý tưởng của nhiều hãng sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn khi thu hút đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp của một số tập đoàn hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, Hàn Quốc như Intel, Samsung... với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, để trở thành điểm dừng chân lý tưởng của các doanh nghiệp lớn, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao ngành bán dẫn.

Chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể được chia thành 4 nhóm: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói - kiểm tra vi mạch và chế tạo thiết bị. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực bán dẫn vẫn đang phụ thuộc 100% vào nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Các doanh nghiệp này chỉ có thể tham gia khâu thiết kế*. Ở trong nước, mới chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel và Công ty CP Bán dẫn FPT tham gia công đoạn thiết kế chip bán dẫn. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp, kiểm định vi mạch và chế tạo thiết bị. Điều này đồng nghĩa, nhân lực ngành bán dẫn hiện có ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào thiết kế vi mạch, còn lại ở các công đoạn khác, nguồn nhân lực còn rất thiếu.

Với quyết tâm tham gia sâu vào chuỗi bán dẫn toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư nguồn lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nhưng khi triển khai lại gặp không ít thách thức do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng. Nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam vẫn đang nằm trong mức “báo động đỏ” dù đã đón nhận những bước tiến lớn trong công tác kêu gọi, thu hút vốn đầu tư, chuyển giao khoa học và công nghệ.

Nguyên nhân chủ yếu nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu, giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động. Mặc dù, ngành công nghệ bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới. Tại một số trường đại học đã có phòng nghiên cứu và giáo viên chuyên trách để nghiên cứu đào tạo, nhưng điều kiện để các bạn sinh viên có cơ hội tham gia các dự án bám sát với thực tế khi học vẫn còn rất khiêm tốn.

 Nhu cầu nhân lực công nghiệp bán dẫn Việt Nam tăng 10-15% mỗi năm.

Hiện nay, cộng đồng vi mạch cả nước có tổng số hơn hơn 5.000 kỹ sư, chuyên gia chủ yếu tập trung vào thiết kế vi mạch. Nhân lực thiết kế vi mạch phân bố không đồng đều, tập trung nhiều tại TP Hồ Chí Minh (85%), sau đó là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%). Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi mạch và bán dẫn. Trong khi đó, theo dự báo tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này, trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới sẽ là khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên. Nhu cầu nguồn lao động rất lớn, trong khi khả năng cung cấp cho thị trường lao động ngành này đang chỉ đạt khoảng 20%.

Năm 2023 đánh dấu một năm đầy sôi động của thị trường bán dẫn Việt Nam khi hàng loạt tên tuổi hàng đầu thế giới đã tiếp tục rót vốn vào nước ta, trong đó có Hanel Microelectronics - tập đoàn chuyên cung cấp các sản phẩm vi mạch cho nhiều ứng dụng khác nhau, từ điện tử, tiêu dùng đến thiết bị y tế.

Trong khối doanh nghiệp nhà nước: Tập đoàn Viettel là công ty tiên phong trong việc tự làm chủ công nghệ chip riêng biệt dùng cho sản xuất trạm viễn thông 5G. Gần đây, Tập đoàn FPT cũng đã chính thức thông báo thương mại hóa chip do các kỹ sư người Việt nghiên cứu và thiết kế sử dụng trong thiết bị y tế. Hiện tại, các sản phẩm vi mạch, lõi IP cũng được đưa vào danh mục các sản phẩm quốc gia được ưu tiên phát triển của Việt Nam.

Giải pháp cụ thể

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp bán dẫn đang gặp phải rào cản lớn về nguồn nhân lực, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ Nhà nước đến nhà đầu tư, nhà trường, nhà sản xuất. Bên cạnh sự định hướng rõ ràng về cơ chế, chính sách, các nguồn lực hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc, liên kết hành động của các cơ sở giáo dục đại học khi tập trung vào việc xây dựng chương trình đào tạo chuẩn, kết hợp cùng các doanh nghiệp, nhằm liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao, làm tiền đề cho việc thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động.

Thời gian qua, Nhà nước đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đòi hỏi sự phối hợp hành động của các bộ/ngành để thu hút và phát triển đội ngũ cán bộ trong ngành bán dẫn. Việc triển khai các chính sách này cũng đã đạt được một số kết quả, góp phần khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nói chung tại Việt Nam. Trong lĩnh vực đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng 2 đề án quan trọng:

1) Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch. 2) Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cũng đã phê duyệt một số nhiệm vụ trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia. Qua nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu của Việt Nam đã từng bước nâng cao năng lực, làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch. Một số tổ chức, doanh nghiệp đã có đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ chíp bán dẫn như: Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực bán dẫn thông qua Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED), các Chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên (Chương trình phát triển vật lý…), ưu tiên nguồn lực triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó có sản phẩm quốc gia là vi mạch điện tử tích hợp…; đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ/ngành, doanh nghiệp, tập đoàn lớn để nghiên cứu, đánh giá các khâu trong chuỗi sản xuất chíp.

Bộ KH&CN cũng sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho một số doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chuỗi sản xuất chíp, hình thành các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo liên quan đến vật liệu bán dẫn, thiết kế chíp tại Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, thiết kế chíp; thúc đẩy phát triển các cơ sở nghiên cứu và thiết kế chíp. Ngoài ra, Bộ KH&CN sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn theo đúng tiêu chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chú trọng phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam thông qua hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học của các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh trong lĩnh vực bán dẫn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Hà Lan... Việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trong thời gian vừa qua đã phối hợp với Cadence - Đại học bang Arizona, Đại học Giao thông Dương Minh (Đài Loan, Trung Quốc)… hình thành các trung tâm đào tạo thiết kế chip, tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên, sinh viên và hỗ trợ bản quyền phần mềm, chương trình đào tạo, cấp học bổng cho các trường đại học, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn cho giảng viên, sinh viên, kỹ sư ngành gần mong muốn tham gia chuyển đổi sang ngành công nghiệp bán dẫn có ý nghĩa rất quan trọng để bước đầu tạo tiền đề triển khai các hoạt động đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch.

Tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” (được tổ chức ngày 19/10/2023), 5 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã cùng ký kết Biên bản Hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn.

Để đạt được mục tiêu trên, các trường đại học cần nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp sinh viên có môi trường học tập tốt nhất, tiếp cận công nghệ hiện đại. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đào tạo đại học cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành gần với công nghệ bán dẫn cũng như học sinh phổ thông đăng ký vào học chuyên ngành về bán dẫn.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhân lực với các địa phương nơi mà các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, định hướng phát triển lâu dài, bền vững, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực… Một số cơ sở giáo dục đại học đã có liên kết với các doanh nghiệp để phối hợp nghiên cứu phát triển chíp, triển khai các khóa học ngắn hạn dành cho giảng viên.

Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp tham gia Chương trình đào tạo giảng viên kỹ thuật năm 2023 về lĩnh vực điện tử bán dẫn tại Đài Loan (Trung Quốc).

Với sự nỗ lực đồng bộ giữa Nhà nước, nhà trường, nhà sản xuất và doanh nghiệp; với chính sách, quy định cụ thể của Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, thành lập và phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh bán dẫn ở Việt Nam; chính sách hỗ trợ trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu; nhiều chính sách về học bổng, học phí; các chính sách khác thúc đẩy người học quan tâm lĩnh vực thiết kế vi mạch… sẽ ngày càng có thêm những công ty lớn quyết định đặt văn phòng hoặc mở rộng quy mô sản xuất chíp bán dẫn ở Việt Nam. Đặc biệt những năm gần đây, số lượng kỹ sư từ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nằm trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu đã có gia tăng đáng kể.

Hy vọng rằng, trong tương lai gần, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hàng đầu thế giới về số lượng kỹ sư thiết kế chip, từ đó gỡ bỏ được nút thắt về nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tiềm năng và đón bắt cơ hội trong ngành công nghiệp chip bán dẫn sẽ nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn khu vực và thế giới.

https://vietq.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 317
Tổng lượt truy cập: 3.970.832
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!