Gel thân thiện với môi trường thay thế thuốc trừ sâu độc hại
Một loại gel từ giun đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh mà không cần dùng thuốc trừ sâu gây hại cho môi trường. Thành phần gel gồm có rất nhiều tuyến trùng nhỏ, thường không thể tồn tại trong môi trường khác ngoại trừ dưới đất.
Tuyến trùng là loài giun tròn cực nhỏ thường được tìm thấy ở lớp đất trên cùng cỡ vài inch. Chúng hiếm khi dài quá 2,5 mm. Trong khi một số loại tuyến trùng ăn rễ, thì số khác lại rất hữu ích. Một trong số đó là tuyến trùng gây bệnh côn trùng (EPN), đẻ trứng trong cơ thể côn trùng. Khi giun đẻ trứng, chúng tiết ra chất độc nhanh chóng giết chết vật chủ là côn trùng. Đôi khi, loài côn trùng đó lại ăn cây trồng. Trong những trường hợp này, nông dân có thể bổ sung EPN cho đất thông qua công thức dạng lỏng như một phương tiện kiểm soát sâu bệnh không dùng thuốc trừ sâu.
Khi EPN bị loại bỏ khỏi đất, chúng sẽ chết do tiếp xúc với tia cực tím của mặt trời hoặc đơn giản là do bị khô. Vì thế, không thể phun EPN lên lá cây, bộ phận mà hầu hết các loài gây hại đều ăn. Một trong những loài gây hại này là sâu bướm mùa thu, phá hoại trên diện rộng cây ngô ở châu Phi và châu Á.
Từ thực tế trên, các nhà khoa học tại trường Đại học Neuchâtel, Thụy Sĩ đã biến đổi gen của loài EPN Rwandan bản địa (Steinernema carpocapsae) để nhằm vào sâu bướm. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tạo ra hydrogel, bao gồm các tuyến trùng sống lơ lửng trong cacboxymethyl xenlulo, chất dạng sệt vừa không độc lại lại có khả năng phân hủy sinh học.
Trong các thử nghiệm thực địa được tiến hành ở Rwanda (Đông Phi), các tình nguyện viên đã sử dụng súng bắn keo để phết gel lên các vòng xoắn của cây ngô cứ hai tuần một lần trong mùa sinh trưởng (vòng xoắn là điểm trên thân cây mà từ đó lá trổ ra bên ngoài khi cây lớn lên). Các cây ngô khác được xử lý bằng công thức tuyến trùng lỏng, bằng thuốc trừ sâu cypermethrin thông dụng hoặc không được xử lý để làm đối chứng.
Mặc dù cả ba phương pháp xử lý đều phát huy tác dụng nhất định đối với sâu bướm, nhưng gel cho hiệu quả tốt nhất, làm giảm khoảng 50% tình trạng lây nhiễm sâu bệnh. Kết quả là những cây ngô được xử lý bằng gel, đã tăng năng suất thêm một tấn trên mỗi ha. Phiên bản hydrogel thương mại sẽ có giá thành rẻ hơn thuốc trừ sâu thông dụng và không gây hại cho con người hoặc môi trường.