Cấy ghép phân có thể thúc đẩy sự thành công của điều trị khối u ác tính
Một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 khám phá việc sử dụng cấy ghép phân để bổ sung cho phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch đối với khối u ác tính đã cho thấy phương pháp này an toàn và có khả năng cải thiện phản ứng của bệnh nhân đối với việc điều trị.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ vi sinh vật đường ruột đối với sức khỏe tổng thể và sự phát triển của các bệnh như béo phì, tiểu đường loại 2, bệnh đường ruột và một số bệnh ung thư. Cấy ghép phân, chuyển vi khuẩn trong phân và các vi khuẩn khác từ một cá thể khỏe mạnh sang một cá thể khác, đã nổi lên như một phương pháp cải thiện sức khỏe của hệ vi sinh vật và do đó, chống lại bệnh tật.
Melanoma là một loại ung thư da. Ở những bệnh nhân ung thư da có khối u ác tính tiến triển (Giai đoạn 4) - đã lan rộng từ nơi nó bắt đầu đến một bộ phận khác của cơ thể - sẽ được các bác sỹ dùng phương pháp điều trị tiếp theo là liệu pháp miễn dịch ức chế điểm kiểm soát, ngăn chặn các protein cản trở hệ thống miễn dịch tấn công tế bào ung thư. Thật không may, gần một nửa số bệnh nhân điều trị bằng chất ức chế điểm kiểm soát duy nhất lại có khả năng kháng thuốc.
Một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 liên quan đến 03 cơ sở nghiên cứu của Canada - Viện nghiên cứu sức khỏe Lawson, Trung tâm bệnh viện de l'Université de Montréal và Bệnh viện đa khoa Jewish General Hospital - đã tiến hành kiểm tra xem việc bổ sung liệu pháp miễn dịch bằng cấy ghép phân có an toàn hay không và nó ảnh hưởng đến phản ứng của những bệnh nhân ung thư da giai đoạn 4 điều trị bằng phương pháp miễn dịch như thế nào.
John Lenehan, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhằm mục đích cải thiện phản ứng của bệnh nhân u ác tính đối với liệu pháp miễn dịch bằng cách cải thiện sức khỏe của hệ vi sinh vật của họ thông qua cấy ghép phân”.
Các thử nghiệm giai đoạn 1 là bước đầu tiên trong việc thử nghiệm các phương pháp điều trị mới ở người. Về cơ bản, chúng nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và thử nghiệm các tác dụng phụ. Giai đoạn này, các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn 20 bệnh nhân u ác tính và cho họ uống khoảng 40 viên nang cấy ghép phân trong một buổi một tuần trước khi họ bắt đầu điều trị bằng liệu pháp miễn dịch bằng chất ức chế điểm kiểm soát. 19 người tham gia (tỷ lệ là 95%) có khối u ác tính Giai đoạn 4, trong đó có ba người bị di căn não.
Về tính an toàn, mối quan tâm hàng đầu của thử nghiệm, 8 bệnh nhân (40%) gặp tác dụng phụ ở mức độ nhẹ từ FMT, chẳng hạn như tiêu chảy, đầy hơi và khó chịu ở bụng, nhưng tất cả bệnh nhân đều hoàn thành điều trị FMT. 5 (25%) bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ do liệu pháp miễn dịch, dẫn đến việc ngừng điều trị. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng liệu pháp kết hợp là an toàn.
Mục đích thứ hai của thử nghiệm là đánh giá hiệu quả lâm sàng của việc kết hợp FMT và liệu pháp miễn dịch. Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 65% bệnh nhân có "phản ứng khách quan", được xác định theo tiêu chí của bản Tiêu chí đánh giá phản ứng trong khối u rắn (RECIST), bao gồm bệnh nhân đạt được phản ứng hoàn toàn (biến mất tất cả các tổn thương đích) và bệnh nhân đạt được đáp ứng một phần (giảm ít nhất 30% đường kính của tổn thương mục tiêu). Trong số những bệnh nhân này, 20% đạt được đáp ứng hoàn toàn (biến mất tất cả các tổn thương đích) và 45% đạt được đáp ứng một phần (giảm ít nhất 30% đường kính của tổn thương đích).
Wilson Miller, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Những kết quả thú vị này bổ sung vào danh sách các ấn phẩm đang phát triển nhanh chóng cho thấy rằng việc nhắm mục tiêu vào hệ vi sinh vật có thể mang lại một bước tiến lớn trong việc sử dụng liệu pháp miễn dịch cho bệnh nhân ung thư”.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng hệ vi sinh vật của bệnh nhân tăng lên về tính đa dạng và được duy trì theo thời gian bất kể họ phản ứng lâm sàng như thế nào với phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Họ nói rằng những phát hiện trong nghiên cứu của họ có khả năng thay đổi cách chúng ta nghĩ về việc điều trị ung thư.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine.
https://vista.gov.vn/