Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 01-04-2024

AI dự đoán tác dụng phụ sau điều trị ở bệnh nhân ung thư vú

Các thử nghiệm mới đây ở Anh, Pháp và Hà Lan cho thấy công cụ AI có thể dự đoán liệu bệnh nhân ung thư vú có gặp phải các vấn đề do phẫu thuật và xạ trị hay không với độ chính xác gần 75%.

Hình minh họa. Nguồn: PA

 

Trên toàn thế giới, mỗi năm có 2 triệu phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú. Sự phát triển của y học và công nghệ đã cải thiện tỷ lệ sống sót trong những năm gần đây, nhưng nhiều bệnh nhân sẽ thường xuyên gặp phải các tác dụng phụ gây suy nhược sau khi điều trị.

Một nhóm bác sĩ, nhà khoa học và nhà nghiên cứu quốc tế đã thiết kế một công cụ AI có thể dự đoán khả năng bệnh nhân gặp vấn đề sức khoẻ sau phẫu thuật và xạ trị.

“Thật may mắn, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú sống thêm nhiều năm tiếp tục tăng, nhưng đối với một số bệnh nhân, điều này cũng có nghĩa là phải sống chung với những tác dụng phụ của việc điều trị. Chúng bao gồm những thay đổi về da, sẹo, phù bạch huyết, sưng đau ở cánh tay và thậm chí là tổn thương tim do xạ trị," Tiến sĩ Tim Rattay - bác sĩ tư vấn phẫu thuật vú và phó giáo sư tại Đại học Leicester, cho biết. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đang phát triển một công cụ AI để thông báo cho bác sĩ và bệnh nhân về nguy cơ hậu phẫu và xạ trị ung thư vú. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ hỗ trợ các bác sĩ và bệnh nhân trong việc lựa chọn phương pháp điều trị và giảm tác dụng phụ cho tất cả bệnh nhân”.

Công cụ AI đã được đào tạo bằng dữ liệu từ 6.361 bệnh nhân ung thư vú để có thể dự đoán nguy cơ phù hạch bạch huyết trong vòng ba năm sau phẫu thuật và xạ trị. Nó đã dự đoán chính xác 81,6% trường hợp bị bệnh phù bạch huyết và dự đoán chính xác 72,9% trường hợp những bệnh nhân sẽ không phát triển các vấn đề này. Độ chính xác tổng thể của mô hình AI là 73,4%.

Những bệnh nhân được xác định có nguy cơ bị phù hạch bạch huyết cao hơn có thể được cung cấp các biện pháp hỗ trợ bổ sung, giảm tác động về lâu dài. Các bác sĩ lâm sàng cũng có thể sử dụng thông tin về nguy cơ để đưa ra các lựa chọn chiếu xạ hạch bạch huyết ở bệnh nhân.

Phát biểu tại Hội nghị Ung thư Vú Châu Âu ở Milan mới đây, Rattay cho biết công nghệ này là “một công cụ AI biết giải thích" có nghĩa là nó cho thấy lý do đằng sau việc ra quyết định. Ông nói thêm: “Điều này không chỉ giúp bác sĩ đưa ra quyết định dễ dàng hơn mà còn đưa ra những lời giải thích dựa trên dữ liệu cho bệnh nhân”.

Nhóm nghiên cứu cũng đang phát triển công cụ để dự đoán các tác dụng phụ khác, bao gồm tổn thương da và tim. Họ hy vọng sẽ tuyển được thêm 780 bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng được gọi là dự án Pre-Act.

Cũng tại hội nghị nói trên, các nhà nghiên cứu Ý trình bày phát hiện mới, theo đó các bác sĩ có thể phát hiện tình trạng khối u của bệnh nhân đã bắt đầu lan rộng hay chưa nhờ sử dụng kết hợp chụp cắt lớp phát xạ positron và chụp cộng hưởng từ (PET-MRI).

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Hà Lan thông báo một tin mừng khác, đó là các bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi không hề bị tái phát sau 10 năm nhờ tăng cường xạ trị liều thấp ở nơi khối u được cắt bỏ.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 22
Hôm nay: 451
Tổng lượt truy cập: 3.522.828
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!