Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 06-08-2021

Tiềm năng của vaccine mRNA: Từ COVID đến sốt rét và ung thư

Vậy phải làm gì để có được những loại vaccine hiệu quả hơn? Đó là điều mà Ugur Sahin, nhà sáng lập BioNTech - công ty đồng sản xuất vaccine COVID-19 Pfizer-BioNTech đã nghĩ đến. Vào ngày 26/7, Sahin thông báo rằng BioNTech giờ đây sẽ tập trung vào nghiên cứu sản xuất vaccine sốt rét. Họ hi vọng đến cuối năm 2022 sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Vaccine sốt rét dự kiến của BioNTech sẽ dựa trên nền tảng công nghệ mRNA.

 

Cùng với vaccine của công ty Moderna có trụ sở tại Hoa Kỳ, vaccine BioNTech-Pfizer là một trong những loại vaccine đầu tiên ứng dụng rộng rãi công nghệ mRNA và đã đạt được thành công, theo dữ liệu hiện tại. Trong khi thế giới vẫn tập trung triển khai vaccine COVID-19, cuộc chạy đua cho thế hệ tiếp theo của vaccine mRNA - nhắm vào nhiều loại bệnh khác - đã bùng nổ. Moderna và BioNTech mỗi bên có chín ứng viên vaccine đang trong giai đoạn phát triển hoặc thử nghiệm lâm sàng ban đầu. Hiện nay có ít nhất sáu loại vaccine mRNA chống lại bệnh cúm cũng như HIV. Nhiều đơn vị đã công bố các loại vaccine mRNA phòng chống Nipah, Zika, herpes, sốt xuất huyết, viêm gan và sốt rét. Giờ đây lĩnh vực này giống như giai đoạn đầu của cơn sốt tìm vàng, các gã khổng lồ dược phẩm săn đón các nhà nghiên cứu đầy hứa hẹn với những hợp đồng khổng lồ - Sanofi gần đây đã trả 425 triệu USD để hợp tác với một công ty công nghệ sinh học mRNA nhỏ của Mỹ có tên là Translate Bio, trong khi tập đoàn dược phẩm GSK trả 294 triệu USD để làm việc với CureVac của Đức.

 

Vaccine mRNA có thể chống lại những bệnh gì?

 

RNA là viết tắt của axit ribonucleic, chức năng chính của chúng là vận chuyển thông tin di truyền từ bộ gene người (DNA của chúng ta) đến các nhà máy sản xuất protein trong tế bào (ribosome) để sinh tổng hợp thành protein. Một số loại protein cụ thể giống với protein của tác nhân gây bệnh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt sản xuất kháng thể để chống lại bệnh truyền nhiễm.

 

Các nhà khoa học muốn ứng dụng quá trình này trong các loại vaccine để đưa mRNA nhân tạo đến các ribosome. Vaccine mRNA cung cấp bản hướng dẫn thông tin di truyền của một số protein bề mặt trên tác nhân gây bệnh (virus). Chẳng hạn với virus SARS-CoV-2 - tác nhân gây ra đại dịch COVID-19 hiện nay, vaccine mRNA thông báo cho ribosome trong cơ thể chúng ta về protein gai (protein S, có trên bề mặt virus SARS-CoV-2) - thứ giúp virus bám vào tế bào và lây nhiễm bệnh cho chúng ta. Nhờ đó, các ribosome sẽ tự sản xuất protein này và kích hoạt phản ứng miễn dịch.

 

Các nhà khoa học cũng muốn làm điều tương tự với bệnh ung thư. Họ đang cố gắng xác định các đặc tính cụ thể trên bề mặt tế bào ung thư và phát triển mRNA nhân tạo. Nhiều người hi vọng mRNA sẽ giúp cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch thích hợp để chống lại bệnh ung thư. Công nghệ này cũng có thể ứng dụng trên các bệnh lây nhiễm do vi khuẩn và một số loài kí sinh trùng đơn bào thuộc lớp bào tử (thường gọi là kí sinh trùng sốt rét - plasmodia), chẳng hạn như bệnh sốt rét.

 

Các nhà khoa học đang nhắm đến một loạt các bệnh với các loại vaccine mRNA dự kiến, trong đó bao gồm HIV, bệnh dại, Zika, sốt chikungunya, bệnh cúm và sốt xuất huyết. Họ hi vọng sẽ nhanh chóng đạt được kết quả, nhất là khi vaccine mRNA đã chứng minh hiệu quả chống lại COVID-19.

 

Ung thư là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong nghiên cứu vaccine mRNA. Vào tháng sáu vừa qua, BioNTech đã thử nghiệm pha 2 của một loại vaccine mRNA chống ung thư da.

 

Nhưng rõ ràng là các nhà nghiên cứu không thể chuyển những kinh nghiệm về vaccine mRNA và COVID-19 sang lĩnh vực ung thư theo kiểu “1-1”. Bệnh ung thư không chỉ đơn thuần là virus, các đột biến DNA trong tế bào ung thư thay đổi từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác và phản ứng miễn dịch giữa hai bên rất khác nhau. Chẳng hạn, các loại vaccine mRNA ngăn ngừa COVID-19 sẽ cung cấp “bản xem trước” của protein S của virus SARS-CoV-2, để nếu gặp phải virus, hệ thống miễn dịch trong cơ thể sẽ có khả năng chống lại. Ngược lại, vaccine mRNA ung thư là một dạng liệu pháp điều trị: vaccine đưa vào cơ thể bệnh nhân để dạy hệ thống miễn dịch của họ cách tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào khối u hiện có.

 

Nhiều người đã đặt ra những câu hỏi tương tự khi đề cập đến nghiên cứu về vaccine sốt rét. Sốt rét là một mầm bệnh đơn bào, và chúng ta đã thấy việc chống lại căn bệnh này trong nhiều năm qua khó khăn như thế nào.

 

Các nhà khoa học cho rằng chìa khóa thành công của vaccine ung thư và sốt rét là phải xác định được các protein quan trọng trong hoạt động của các mầm bệnh này, và protein nào sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh nhất. Cả hai đều phải đáp ứng điều kiện là hệ thống miễn dịch của con người sẽ tiêu diệt tế bào xấu, nhưng vẫn không gây ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh.

 

Công nghệ mRNA sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong y học?

 

Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận này. Nhưng rõ ràng là các nhà khoa học hi vọng nó sẽ trở thành hiện thực. Nếu tất cả những gì chúng ta đạt được ở bước khởi đầu là vaccine mRNA chống lại bệnh cúm thông thường, chúng ta sẽ đạt được rất nhiều thứ trong tương lai.

 

Nếu các nhà nghiên cứu có thể tìm ra cách sử dụng mRNA để huy động hệ thống miễn dịch và nhắm vào các mầm bệnh cụ thể và tiêu diệt chúng, đó sẽ là bước đột phá thực sự. Điều này cho phép mở rộng ứng dụng công nghệ mRNA trong các lĩnh vực khác trước đây bị bỏ qua hoặc chưa được thử nghiệm.

 

TS. Karikó Katalin, nhà hóa sinh học Hungary, người đứng sau công nghệ vaccine mRNA ngừa COVID-19 hiện nay và là phó chủ tịch cấp cao của BioNTech đã chia sẻ kế hoạch về một phòng thí nghiệm sử dụng mRNA để nghiên cứu và mở rộng các telomere - những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút của nhiễm sắc thể của chúng ta, nhiều người cho rằng telomere quyết định tốc độ lão hóa của con người. TS. Karikó Katalin đã có ý tưởng tương tự cách đây 15 năm nhưng chưa thể theo đuổi nó. Giờ đây, có rất nhiều điều mà bà từng mong ước đang xảy ra, với các nhà khoa học trên khắp thế giới đang tiếp tục nghiên cứu. “Kể từ lúc bắt đầu nghiên cứu mRNA cách đây nhiều thập kỉ, tôi đã lưu giữ danh sách 30 bệnh mà tôi nghĩ mRNA có thể hữu dụng. Bao gồm telomere, xơ nang, khí phế thũng - tất cả đều có chương trình nghiên cứu riêng”, TS. Karikó Katalin cho biết. “Và còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều thứ [ứng dụng] ở ngoài kia”.

 

Công nghệ mRNA có thể mang tính cách mạng nếu phát triển vaccine mRNA thành tuyến phòng thủ đầu tiên, thay vì cách tiếp cận hiện tại của chúng ta là dựa vào các phương pháp điều trị bằng thuốc khi tình trạng lây nhiễm đã ổn định. Việc mở rộng tiêm chủng sẽ tiết kiệm chi phí hơn cho cả người dân cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Sự khác biệt giữa vaccine mRNA và các loại vaccine khác

 

Sự khác biệt đáng kể nhất giữa vaccine mRNA và vaccine sống giảm độc lực hoặc vaccine bất hoạt là các loại vaccine truyền thống này sẽ chứa virus suy yếu hoặc bất hoạt kèm theo các protein bề mặt tương ứng. Trong khi đó, vaccine mRNA kích hoạt sản xuất các protein đó trong tế bào cơ thể.

 

Điều này giúp việc sản xuất vaccine mới nhanh chóng và dễ dàng hơn. Hơn nữa, trong trường hợp xuất hiện biến thể mới, các nhà sản xuất vaccine chỉ cần thay đổi một số yếu tố của vaccine hiện có chứ không cần làm lại toàn bộ.

 

Vaccine mRNA có phải là một ý tưởng mới?

 

Thực ra ý tưởng này hoàn toàn không mới. Năm 1961, các nhà sinh vật học Sydney Brenner, Francois Jacob và Matthew Meselson đã khám phá ra rằng RNA vận chuyển thông tin di truyền. Họ cũng phát hiện thấy quá trình này có thể ứng dụng để sản xuất protein trong tế bào. Tuy nhiên, đến năm 1989 nhà virus học Robert Malone mới chứng minh được quá trình này.

 

Các nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đầu tiên về vaccine mRNA trên chuột vào năm 1993 và 1994. Một trong những mục tiêu của họ là virus rừng Semliki, từng lây nhiễm trên các loài gặm nhấm ở Uganda và được phát hiện vào năm 1942 tại đây.

 

Các thử nghiệm lâm sàng vaccine mRNA đầu tiên trên người được thực hiện vào năm 2002 và 2003 nhắm đích vào các tế bào ung thư. Trong vòng 10 năm kể từ những nghiên cứu khởi đầu, các nhà khoa học có xu hướng tập trung vào các loại vaccine ung thư.

 

https://khoahocphattrien.vn/

 

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 819
Tổng lượt truy cập: 4.024.349
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!