Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 06-09-2023

Quản lý tài sản trí tuệ - doanh nghiệp hạn chế rủi ro tiềm ẩn

Quản lý tài sản trí tuệ bao gồm các hoạt động nhằm hình thành, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; giữ gìn, bảo vệ và phát triển giá trị của tài sản trí tuệ; quản lý và sử dụng nguồn thu từ khai thác thương mại tài sản trí tuệ...

Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là yếu tố chính giúp tăng trưởng bền vững, thúc đẩy sự phát triển trong bối cảnh mới. Khả năng đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp bao gồm khả năng ứng phó với các điều kiện thay đổi của bối cảnh, tìm kiếm cơ hội mới, tận dụng kiến thức, sự sáng tạo của mọi người trong doanh nghiệp và phối hợp các bên liên quan bên ngoài. Trong đó, doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến, hoạt động đổi mới sáng tạo cần giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ dưới các hình thức khác nhau vì sở hữu trí tuệ gắn chặt chẽ với đổi mới sáng tạo.

Sở hữu trí tuệ (Intellectual Property, IP) đề cập đến những sáng tạo độc đáo, giá trị gia tăng dựa trên trí tuệ con người, kết quả từ sự khéo léo, sáng tạo của con người. Sở hữu trí tuệ là một loại tài sản, còn quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Rights, IPR) là quyền phát sinh từ các loại sở hữu trí tuệ khác nhau.

Quản lý sở hữu trí tuệ hiệu quả cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa tài sản trí tuệ để tối đa hóa lợi ích liên quan đến đổi mới sáng tạo, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chi phí. Quản lý sở hữu trí tuệ cho phép hợp tác với các đối tác, đối thủ cạnh tranh và khách hàng, nâng cao kết quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Quản lý sở hữu trí tuệ có thể tạo ra giá trị thông qua hợp tác và là động lực mới về doanh thu của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, quản lý tài sản trí tuệ bao gồm các hoạt động nhằm hình thành, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; giữ gìn, bảo vệ và phát triển giá trị của tài sản trí tuệ; quản lý và sử dụng nguồn thu từ khai thác thương mại tài sản trí tuệ...

 Quản lý tài sản trí tuệ liên quan đến nhân viên là rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Đối với mỗi doanh nghiệp, việc quản lý tài sản trí tuệ liên quan đến nhân viên là rất quan trọng. Nhân viên có thể tạo rủi ro xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp nếu họ sử dụng bí mật kinh doanh của công ty cũ, công nghệ được cấp bằng sáng chế hoặc thông tin độc quyền khác. Nhân viên cũng có thể tiết lộ bí mật kinh doanh trong khi làm việc hoặc sau khi rời khỏi doanh nghiệp.

Để giải quyết những vấn đề rủi ro sở hữu trí tuệ tiềm ẩn này, doanh nghiệp nên thiết lập các quy trình để cải thiện nhận thức của nhân viên về sở hữu trí tuệ, làm rõ quyền sở hữu các đầu ra đổi mới sáng tạo và đảm bảo rằng nhân viên tuân thủ nghĩa vụ bảo mật.

Trước tiên, đối với nhân viên mới, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm tra, xác minh tất cả công việc trong khoảng thời gian ít nhất là 05 năm (hoặc số năm khác phụ thuộc vào yêu cầu của vị trí này) khi nhận được đơn xin việc của nhân viên; Tìm hiểu xem liệu nhân viên mới có thỏa thuận bảo mật với doanh nghiệp cũ, các tổ chức trước đây; Yêu cầu nhân viên mới xác nhận không sử dụng hoặc tiết lộ bất kỳ bí mật kinh doanh hoặc thông tin độc quyền nào khác của bất kỳ doanh nghiệp cũ hoặc bên thứ ba nào mà không có sự cho phép bằng văn bản, ký thỏa thuận bảo mật và quyền sở hữu tài sản trí tuệ...

Thứ hai, đối với một nhân viên trong khi làm việc tại doanh nghiệp cần yêu cầu nhân viên ghi lại thông tin đổi mới sáng tạo và đóng góp của nhân viên trong quá trình đổi mới sáng tạo; Xác nhận quyền tác giả và sáng chế của nhân viên; Khen thưởng những nhân viên tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo; Nhắc nhở về tầm quan trọng của bảo mật và nghĩa vụ đối với thông tin đổi mới sáng tạo...

Thứ ba, đối với nhân viên chuyển khỏi doanh nghiệp, cần yêu cầu trả lại hoặc xóa các bí mật mà nhân viên sở hữu hoặc kiểm soát khi chấm dứt việc làm... để đảm bảo nhân viên sẽ không sử dụng hoặc tiết lộ bí mật kinh doanh; Nếu nhân viên chuyển khỏi doanh nghiệp là nhân viên chủ chốt, doanh nghiệp cần có được thông tin về doanh nghiệp mới của nhân viên (có thể giúp xác định nguy cơ tiềm ẩn của việc lạm dụng thông tin bí mật của doanh nghiệp); thực hiện các biện pháp thích hợp đối với nhân viên dựa trên bất kỳ thỏa thuận; yêu cầu nhân viên ký thỏa thuận sở hữu trí tuệ nếu cần thiết;

Bảo mật tất cả máy tính làm việc, ổ cứng và phương tiện lưu trữ di động được sử dụng bởi nhân viên. Xác định các hoạt động không phù hợp của nhân viên như: xóa tệp, chuyển tiếp hoặc tải xuống tài liệu trong những ngày hoặc tháng trước khi nhân viên chuyển khỏi doanh nghiệp...

https://vietq.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 64
Hôm nay: 2434
Tổng lượt truy cập: 4.061.199
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!