Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 02-05-2024

Tăng cường công tác quản lý sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ

Trong phát triển kinh tế, sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ và sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chú trọng thực hiện góp phần giúp các doanh nghiệp, HTX sử dụng và từng bước phát triển nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ phục vụ sản xuất kinh doanh.

Nông dân sản xuất tiêu Quảng Trị, sản phẩm đã được cấp Chỉ dẫn địa lý bảo hộ - Ảnh: T.A.M

Sở KH&CN Quảng Trị đã tham mưu và triển khai đồng bộ các giải pháp, lồng ghép các chính sách nhằm thúc đẩy xác lập, khai thác, bảo vệ, thực thi quyền SHTT trong các chiến lược, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và các chương trình, đề án, kế hoạch của ngành, địa phương.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có hơn 400 nhãn hiệu được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ. Việc bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ mang yếu tố địa danh (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý) cho các sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương ở Quảng Trị bước đầu mang lại kết quả quan trọng, tạo việc làm cho người lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng hiệu quả sản xuất...

Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ sở hữu tài sản trí tuệ (TSTT) cần tăng cường công tác quản lý, khai thác và phát triển tài sản TSTT này nhằm tạo thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa làng nghề, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, thực trạng quản lý, khai thác và phát triển TSTT đang gặp khó khăn mà nguyên nhân là do tại nhiều địa phương, hoạt động SHTT còn đơn giản, cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh TSTT của địa phương. Bên cạnh đó, vùng nguyên liệu, canh tác, nuôi trồng, chế biến và sản xuất quy mô nhỏ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khi có thương hiệu.

Các tổ chức sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đa phần là nhỏ lẻ không đáp ứng được nhu cầu phân phối, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm làng nghề thiếu tập trung nên khó quy hoạch làng nghề phục vụ khách tham quan, du lịch. Một số sản phẩm có chất lượng tốt nhưng khâu thương mại hóa còn yếu, chưa có doanh nghiệp phát triển sản phẩm trên thị trường nên không phát triển được.

Các tổ chức sản xuất sản phẩm chưa nắm bắt được một số quy định khi đưa sản phẩm hàng hóa ra lưu thông trên thị trường như: Đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, cấp giấy đủ điều kiện cơ sở sản xuất, khám sức khỏe định kỳ, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, thiết kế nhãn mác, kiểm nghiệm sản phẩm, tự công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký mã số mã vạch, mã code, liên kết quảng cáo, trưng bày sản phẩm...

Nói về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các nhãn hiệu của tỉnh đã được cấp văn bằng bảo hộ, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN tỉnh Thái Thị Nga cho biết: “Thời gian tới, cần xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, tập trung xây dựng và duy trì thương hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ. Điều này bao gồm việc tạo ra hình ảnh độc đáo, thông điệp rõ ràng và tạo sự nhận biết cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Theo dõi sát sao việc sử dụng và bảo vệ nhãn hiệu của mình, đảm bảo không có vi phạm nào liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu của mình. Tăng cường hợp tác với cơ quan quản lý để tìm hiểu về quy định và chính sách liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu, đảm bảo tuân thủ và bảo vệ quyền SHTT của chủ sản phẩm.

Không ngừng tạo liên kết với cộng đồng, hợp tác với các tổ chức, hội, làng nghề để tạo ra môi trường hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý và phát triển nhãn hiệu. Cơ quan quản lý nhà nước về SHTT tăng cường đào tạo, tập huấn và tư vấn để nâng cao nhận thức về quyền SHTT và tầm quan trọng của việc bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu”.

Quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu mang yếu tố địa danh đã được cấp văn bằng bảo hộ sao cho hiệu quả là cả một thời gian dài, do đó, mỗi cơ quan chức năng, địa phương và chủ nhãn hiệu cần có kế hoạch, lộ trình để thực hiện. Trong đó, việc tranh thủ các nguồn hỗ trợ, tài trợ, giới thiệu, trưng bày sản phẩm, kết nối cung cầu là những yếu tố rất quan trọng.

Các bên sản xuất, kinh doanh kết hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về SHTT ở địa phương để triển khai tốt các giải pháp xây dựng và phát triển nhãn hiệu mang yếu tố địa danh để những đặc sản này phát triển một cách bền vững. Đó cũng là cách để các chủ nhãn hiệu tự bảo vệ lấy mình trước tình trạng vi phạm bản quyền SHTT vẫn còn xảy ra.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 25
Hôm nay: 3514
Tổng lượt truy cập: 3.947.437
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!