Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 27-06-2024

Xung đột quyền giữa nhãn hiệu và tên thương mại: Một số tình huống trong thực tiễn

Nhãn hiệu (NH) và tên thương mại (NH&TTM) là hai đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) phổ biến được các doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, giữa hai đối tượng này lại thường xảy ra xung đột do một dấu hiệu có thể đồng thời được đăng ký/sử dụng với hai vai trò/chức năng khác nhau bởi hai chủ thể khác nhau. Trong những năm gần đây các vụ việc tranh chấp giữa NH&TTM cũng trở nên thường xuyên hơn và có thể được giải quyết theo các cơ chế khác nhau (hành chính, dân sự hay hình sự). Bài viết giới thiệu một số tình huống tranh chấp giữa NH&TTM đã được giải quyết tại tòa án và đề xuất một số khuyến nghị về chính sách, pháp luật.

Một số nhãn hiệu đồng thời là tên thương mại của cùng chủ sở hữu.

Xung đột quyền giữa nhãn hiệu và tên thương mại

NH&TTM là hai đối tượng quyền sở hữu công nghiệp có bản chất khác nhau nhưng lại có nhiều điểm tương đồng dẫn đến các tình huống xung đột về quyền và lợi ích.

Trước hết, NH&TTM đều thường là các dấu hiệu dạng chữ cái, từ ngữ, tuy nhiên NH có thể tồn tại dưới các dạng khác như hình ảnh, âm thanh còn TTM chỉ có thể là dấu hiệu chữ. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp NH&TTM của một chủ thể trùng nhau, tức là một dấu hiệu có thể đóng cả hai vai trò tùy thuộc vào chức năng sử dụng. Cụ thể, NH&TTM đều là các chỉ dẫn thương mại có chức năng phân biệt nguồn gốc thương mại, tuy nhiên NH dùng để phân biệt sản phẩm/dịch vụ cùng loại của các chủ thể khác nhau, còn TTM lại dùng để phân biệt chính các chủ thể khác nhau trong cùng lĩnh vực kinh doanh. NH&TTM thường được thể hiện (gắn) lên các vật mang giống nhau là hàng hóa/bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong kinh doanh, biển hiệu/biển quảng cáo/phương tiện quảng cáo khác. Vì vậy, trên một vật mang có thể có cả NH&TTM đồng thời được thể hiện. Trong thực tế, người tiêu dùng có thể nhận biết nguồn gốc sản phẩm/dịch vụ không chỉ thông qua NH mà còn thông qua TTM. Với khả năng đó, NH&TTM đều có thể tác động đến quyết định chọn lựa sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng.

Có thể nói một trong những khác biệt lớn nhất giữa NH&TTM khiến chúng trở thành các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp khác nhau là cơ chế bảo hộ. Trong khi NH chỉ được bảo hộ trên cơ sở đăng ký xác lập quyền (trừ NH nổi tiếng) thì TTM được bảo hộ trên cơ sở sử dụng trong thực tiễn (không cần đăng ký). Trong khi thời hạn bảo hộ của NH là 10 năm và có thể được gia hạn thì thời hạn bảo hộ của TTM kéo dài tới chừng nào TTM còn được sử dụng. NH được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà NH đăng ký, thì TTM được bảo hộ trong phạm vi khu vực kinh doanh, trong đó khu vực kinh doanh được hiểu là khu vực địa lý (địa phương/lãnh thổ) nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc danh tiếng.

Với những điểm tương đồng và khác biệt nêu trên, một dấu hiệu chữ có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa NH hoặc TTM. Xung đột có thể xảy ra nếu NH&TTM trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn thuộc sở hữu của hai chủ thể khác nhau vì việc sử dụng các chỉ dẫn thương mại này có thể gây ra sự nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Xung đột này có thể xảy ra trong suốt quá trình bảo hộ, từ giai đoạn xác lập quyền đến giai đoạn khai thác và bảo vệ quyền.

Trong khi đó, khi cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp và khi cấp văn bằng bảo hộ cho NH, cơ quan có thẩm quyền không bắt buộc phải xem xét đến sự tồn tại của đối tượng không thuộc hệ thống tương ứng. Hơn nữa, NH có thể được chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng) cho một hoặc nhiều chủ thể khác nhau (trong khi TTM chỉ được phép chuyển quyền sở hữu (chuyển nhượng) cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ doanh nghiệp có TTM). Việc chuyển giao này cũng góp phần làm gia tăng phạm vi sử dụng NH, từ đó gia tăng khả năng xung đột khi NH/TTM được sử dụng trong phạm vi bảo hộ của đối tượng tương ứng. Vì vậy, thực tế đã phát sinh không ít tranh chấp giữa NH&TTM. Trong những trường hợp như vậy, về nguyên tắc quyền đối với đối tượng nào được xác lập trước sẽ được bảo hộ, đối tượng nào phát sinh quyền sau sẽ bị bác bỏ.

Một số tình huống tranh chấp giữa nhãn hiệu và tên thương mại được giải quyết tại tòa án

Từ năm 2018 đến hết tháng 4/2024, đã có 09 bản án về tranh chấp giữa NH&TTM được công bố trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao, trong đó có 7 bản án sơ thẩm, 2 bản án phúc thẩm. Các vụ việc này được giải quyết bởi các tòa án các cấp khác nhau, bao gồm Tòa án nhân dân và Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tại TP Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đăk Lăk1. Trong đó, các tranh chấp giữa NH&TTM tập trung ở hai tình huống: sử dụng TTM trùng/tương tự gây nhầm lẫn với NH được xác lập quyền trước hoặc sử dụng NH trùng/tương tự gây nhầm lẫn với TTM được xác lập quyền trước. Dưới đây là một số vụ việc điển hình cho các tình huống này.

a) Sử dụng TTM trùng/tương tự gây nhầm lẫn với NH được xác lập quyền trước: Bản án số 17/2019/KDTM-ST ngày 31/5/2019 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

Tóm tắt vụ việc:

Hộ kinh doanh Hiệu Đồng T (Nguyên đơn) ra đời từ cuối những năm 1990 và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2002 với ngành nghề sản xuất kinh doanh bột chiên tôm, bột dành cho thực phẩm. Ông Phạm Tấn T - Chủ Hộ kinh doanh Hiệu Đồng T đã đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký NH (“GCNĐKNH”) số 59681 ngày 09/7/2013 cho NH “Hiệu Đồng T & hình Đồng T”.

Công ty CP bột thực phẩm Asea Đồng T (Bị đơn) được thành lập ngày 20/6/2014 với tên gọi là Công ty CP bột thực phẩm AS và đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 03/3/2016 với tên gọi là Công ty CP bột thực phẩm Asea Đồng T cho nhiều ngành nghề kinh doanh trong đó có sản xuất tinh bột và các sản phẩm bằng tinh bột.

Nguyên đơn đã dùng tên mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận trước khi Bị đơn được thành lập và đăng ký kinh doanh năm 2014. Dấu hiệu “ASEA ĐỒNG T” là TTM của “Công ty CP bột thực phẩm Asea Đồng T” được sử dụng từ ngày 03/3/2016, muộn hơn so với ngày xác lập quyền của NH “Hiệu Đồng T & hình Đồng T” (09/7/2013). Tòa nhận định, nguyên đơn và bị đơn là các chủ thể kinh doanh trong cùng một lĩnh vực sản xuất kinh doanh và việc bị đơn sử dụng TTM có dấu hiệu chữ “Đồng T” tương tự với NH của nguyên đơn sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng vì NH của nguyên đơn đã được biết đến rộng rãi do đã sử dụng trên thị trường hàng chục năm nay. Do đó, Tòa quyết định buộc bị đơn chấm dứt hành vi xâm phạm NH “Hiệu Đồng T & hình Đồng T” và phải tiến hành thủ tục đổi tên doanh nghiệp bằng cách xóa bỏ dấu hiệu chữ “ĐỒNG T” ra khỏi tên doanh nghiệp, tên giao dịch, tên viết tắt của mình, đồng thời buộc bị đơn thu hồi và tiêu hủy toàn bộ bao gói các sản phẩm chứa dấu hiệu chữ “Đồng T” và tiêu hủy toàn bộ bao gói, giấy tờ tài liệu, tờ rơi, biển hiệu, phương tiện in ấn bao bì chứa dấu hiệu chữ “Đồng T”, tháo dỡ mọi quảng cáo, chào hàng trên internet chứa dấu hiệu chữ “Đồng T ” [1].

Một số bình luận:

Ở vụ việc này, TTM của bị đơn được Tòa xác định là dấu hiệu “ASEA ĐỒNG T” và “Công ty CP bột thực phẩm Asea Đồng T”, tức là bao gồm cả tên đầy đủ và tên gọi là thành phần phân biệt trong tên doanh nghiệp. Nhận định này hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật SHTT năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là “Luật SHTT”)2, theo đó “TTM là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh” (khoản 21 Điều 4 Luật SHTT). Nghĩa là TTM là tên gọi mà doanh nghiệp dùng trong hoạt động kinh doanh, trong đó TTM có thể chỉ là thành phần phân biệt trong tên doanh nghiệp hoặc tên đầy đủ hoặc tên viết tắt miễn là được doanh nghiệp sử dụng để xưng danh và có khả năng phân biệt. Thậm chí, TTM có thể khác với tên doanh nghiệp được đăng ký và việc xác định tên gọi nào là TTM của doanh nghiệp phụ thuộc vào thực tế sử dụng của doanh nghiệp [2].

Trong bản án này và trong các bản án khác về tranh chấp giữa NH&TTM, lập luận mà các bị đơn thường đưa ra để biện hộ cho việc sử dụng TTM là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp nên việc sử dụng TTM là hợp pháp và không liên quan đến NH. Tuy nhiên, theo pháp luật về sở hữu trí tuệ, TTM và NH đều không được bảo hộ nếu trùng/tương tự gây nhầm lẫn với đối tượng tương ứng do không đáp ứng điều kiện về khả năng phân biệt3. Trong vụ việc này, Tòa án cũng đã dẫn ra các quy định để bác bỏ hoàn toàn lập luận nêu trên. Cụ thể là khoản 2 Điều 5 Luật SHTT về áp dụng pháp luật: “Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về SHTT của Luật này với quy định của Luật khác thì áp dụng quy định của Luật này”; và khoản 1 Điều 19 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:“Không được sử dụng TTM, NH, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu TTM, NH, chỉ dẫn địa lý đó” [1].

Bản án này cũng đã trích dẫn một cách đầy đủ những căn cứ pháp lý để giải quyết tình huống xung đột quyền giữa NH&TTM (và cả một số quy định về xâm phạm TTM, do trong vụ việc này “Hiệu Đồng T” vừa là TTM vừa là thành phần chính trong NH của nguyên đơn), bao gồm các quy định về: khái niệm TTM (khoản 21 Điều 4 Luật SHTT), điều kiện bảo hộ TTM (khoản 2 và 3 Điều 78 Luật SHTT), hành vi xâm phạm quyền đối với NH&TTM (điểm c khoản 1 và khoản 2 Luật SHTT), áp dụng pháp luật (khoản 2 Điều 5 Luật SHTT) và xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (khoản 1 Điều 19 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký đăng ký doanh nghiệp) [1]. Theo các quy định đó, trong trường hợp có xung đột giữa TTM và NH được xác lập quyền trước thì việc sử dụng TTM là không được phép.

b) Sử dụng NH trùng/tương tự gây nhầm lẫn với TTM được xác lập quyền trước: Bản án số 2601/2023/HC-ST ngày 20/12/2023 của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh

Tóm tắt vụ việc:

Ngày 6/1/2016, bà Lý Thị Kim L. nộp đơn đăng ký NH và sau đó đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký NH số 292325 (Quyết định số 86842/QĐ-SHTT ngày 7/12/2017) cho NH “LC” với các dịch vụ được bảo hộ thuộc nhóm 35 và 44, bao gồm các dịch vụ thuộc lĩnh vực y tế, dược phẩm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Bạch Đ. là chủ sở hữu của chuỗi Nhà thuốc LC (nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Quang C.). Ngày 23/7/2018 bà Đ. nộp đơn yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký NH số 292325 của bà L. Sau đó, Cục SHTT đã thông báo bằng văn bản cho bà L. hai lần, tuy nhiên không nhận được phản hồi của bà L. Ngày 31/7/2019, Cục SHTT ban hành Quyết định số 3675/QĐ-SHTT huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký NH số 292325 do không có khả năng phân biệt (tức là không đáp ứng điều kiện bảo hộ).

Bà L. (nguyên đơn) khởi kiện Quyết định nêu trên của Cục SHTT vì cho rằng, bà không tìm thấy bất cứ chứng cứ hay căn cứ pháp lý nào cho thấy bà Đ. là chủ sở hữu NH&TTM “LC” trước ngày nộp đơn đăng ký NH của bà; và cũng không có bất cứ chứng cứ nào cho thấy “chuỗi thương mại Nhà thuốc CL4 bao gồm các cửa hàng thuốc CL có tiếng tại TP Hồ Chí Minh đã được sử dụng rộng rãi trước ngày Bà Lý Thị Kim L đăng ký và sử dụng NH LC…” lại có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ và ảnh hưởng đến uy tín của bà Đ.; ngay cả khi có tồn tại từ trước TTM Nhà thuốc LC của ông C. (sau chuyển nhượng cho bà Đ.) thì cũng không có căn cứ pháp lý nào để xác định “danh tiếng” của TTM này, đồng thời không có căn cứ pháp lý xác định phạm vi mà TTM này được bảo hộ (phạm vi bảo hộ) để có thể thực thi quyền được bảo hộ là hủy bỏ chứng nhận đăng ký NH 292325 của bà.

Thực tế, 4 hộ kinh doanh nhà thuốc LC đã tồn tại từ năm 2011, 2014 theo các Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và vẫn đang hoạt động kinh doanh. Từ năm 2007-2016, hệ thống nhà thuốc LC đã đạt được nhiều chứng nhận đạt chuẩn, chứng nhận thương hiệu, bằng khen, giải thưởng do các cơ quan tổ chức khác nhau ban hành. Ngày 17/12/2016, ông C. chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác chuỗi Nhà thuốc LC, cho bà Đ. (hệ thống nhà thuốc LC của bà Đ. phủ rộng khắp địa bàn các quận, huyện TP Hồ Chí Minh và cả nước). Tòa nhận định, chuỗi nhà thuốc LC của ông C., bà Đ. sáng lập, hoạt động có danh tiếng và phủ rộng mạng lưới hoạt động về địa giới hành chính trong cả nước.

Tòa đã dẫn chiếu quy định tại điểm k khoản 2 Điều 74 Luật SHTT, theo đó NH bị coi là không có khả năng phân biệt nếu NH đó là “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với TTM đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”. Tòa cho rằng, NH “LC” theo Giấy chứng nhận đăng ký NH số 292325 không có khả năng phân biệt do tương tự với TTM “LC” của ông C. (sau chuyển nhượng cho bà Đ.); kể cả danh mục sản phẩm dịch vụ mang NH theo Giấy chứng nhận đăng ký NH 292325 cũng trùng với mặt hàng kinh doanh của ông C., bà Đ., và việc sử dụng NH “LC” cho danh mục dịch vụ theo Giấy chứng nhận đăng ký NH số 292325 có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của dịch vụ. Từ những phân tích trên, Tòa quyết định không chấp nhận khởi kiện của Bà L., giữ nguyên Quyết định số 3675/2019/QĐ-SHTT của Cục SHTT [3].

Một số bình luận:

Vấn đề pháp lý đầu tiên được đề cập trong bản án này là việc xác định TTM được bảo hộ. Để chứng minh sự tồn tại quyền đối với một NH (trừ NH nổi tiếng) có thể căn cứ vào văn bằng bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền cấp; tuy nhiên đối với TTM thì phải căn cứ vào sự kiện sử dụng (chứng cứ thể hiện được thực tế sử dụng TTM đó) mà không có một cơ quan có thẩm quyền nào chứng nhận. Thậm chí, như lập luận của Cục SHTT: Cơ sở dữ liệu TTM (kể cả TTM dựa trên việc sử dụng tên của doanh nghiệp) không được xây dựng bởi bất kỳ cơ quan nào và luôn biến động phụ thuộc vào quá trình sử dụng của cá nhân và tổ chức trong hoạt động kinh doanh” [3]5, nghĩa là việc TTM có được bảo hộ hay không và phạm vi bảo hộ TTM như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào thực tế sử dụng TTM của doanh nghiệp và chủ sở hữu có nghĩa vụ cung cấp các chứng cứ thể hiện các sự kiện sử dụng TTM. Trong vụ việc này, TTM “LC” đã được sử dụng trong một thời gian dài và doanh nghiệp đã cung cấp được các chứng cứ thể hiện việc sử dụng rộng rãi TTM, do đó Cục SHTT và Tòa đều khẳng định TTM “LC” được bảo hộ.

Một vấn đề pháp lý khác được đề cập trong bản án này là quy trình thẩm định đơn NH của Cơ quan xác lập quyền, cụ thể là Cục SHTT. Khác với TTM, để được cấp văn bằng bảo hộ, NH phải trải qua quá trình thẩm định nội dung để đánh giá khả năng phân biệt. Do đó, nguyên đơn cũng như nhiều chủ sở hữu NH khác đều cho rằng, NH được cấp văn bằng bảo hộ đồng nghĩa với việc NH đó có khả năng phân biệt và không thể bị hủy bỏ. Tuy nhiên, pháp luật có quy định về nguồn thông tin tối thiểu mà thẩm định viên phải tra cứu để đánh giá khả năng phân biệt của NH, trong đó TTM chỉ là một trong các nguồn thông tin tham khảo, không bắt buộc6. Hơn nữa, kể cả khi có cơ sở dữ liệu về TTM thì đối với NH, Luật SHTT vẫn có cơ chế để bất kỳ người thứ ba nào cũng có thể phản đối đơn hoặc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực do NH không đáp ứng điều kiện bảo hộ tại thời điểm nộp đơn. Theo cơ chế này, kể từ khi đơn đăng ký NH được chấp nhận hợp lệ cho đến sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, nội dung đơn/văn bằng bảo hộ sẽ được cơ quan xác lập quyền công bố để các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan có thể có ý kiến và cung cấp thông tin cho Cục SHTT. Như vậy, việc được cấp văn bằng bảo hộ không đảm bảo rằng độc quyền đối với NH không thể bị hủy bỏ nếu người thứ ba có đủ cơ sở để chứng minh theo quy định của pháp luật.

Khuyến nghị về chính sách, pháp luật

Mặc dù xung đột giữa NH&TTM là không thể tránh khỏi, tuy nhiên có thể áp dụng một số giải pháp sau để hạn chế xung đột và đảm bảo chất lượng giải quyết tranh chấp khi có xung đột xảy ra: 

Một là, cần hoàn thiện các quy định pháp luật để hạn chế tình trạng đăng ký tên doanh nghiệp trùng/tương tự gây nhầm lẫn với NH: Theo các quy định hiện hành về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định 78/2015/NĐ-CP), các chủ thể được khuyến khích tra cứu cơ sở dữ liệu NH trước khi đăng ký doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng không có nghĩa vụ phải tra cứu. Do đó, các chủ thể có thể cố tình đăng ký tên doanh nghiệp trùng/tương tự gây nhầm lẫn với NH của chủ thể khác để lợi dụng uy tín, danh tiếng. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu về NH ở Việt Nam hiện nay khá đầy đủ và được cập nhật thường xuyên nên các cá nhân/tổ chức đều có thể dễ dàng tiếp cận. Vì vậy, cần bổ sung quy định yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh phải tra cứu NH trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để hạn chế tình trạng đăng ký tên doanh nghiệp trùng/tương tự gây nhầm lẫn với NH.

Hai là, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về NH&TTM [4]: Từ các bản án mà Tòa đã giải quyết, có thể thấy trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp đã hiểu không đúng về cơ chế bảo hộ NH&TTM và cũng không được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Trong khi đó, để chứng minh quyền đối với TTM, doanh nghiệp hoàn toàn phải chủ động trong việc cung cấp chứng cứ chứng minh về thực tiễn sử dụng cho các cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, để ngăn chặn và xử lý nhanh chóng hành vi xâm phạm NH, TTM, doanh nghiệp có thể chủ động tra cứu, theo dõi công báo/cơ sở dữ liệu NH để có hành động kịp thời. Vì vậy, cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp để hiểu rõ quyền của doanh nghiệp đối với NH, TTM và trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ độc quyền đối với NH, TTM.

Ba là, cần nâng cao năng lực của nhân sự tòa án nói riêng và nhân sự thực thi quyền sở hữu công nghiệp nói chung: Trong số các bản án về tranh chấp giữa NH&TTM nêu trên, đã có những quan điểm khác nhau của các Tòa án khác nhau về bảo hộ TTM (xác định TTM, phạm vi bảo hộ TTM…), về nguyên tắc đánh giá sự trùng/tương tự gây nhầm lẫn giữa NH&TTM. Do đó, việc nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ nhân sự thực thi quyền là một vấn đề rất quan trọng đảm bảo các vụ việc tranh chấp được giải quyết một cách nhanh chóng và xác đáng. Bên cạnh đó, tòa án và các cơ quan thực thi có thể ban hành các hướng dẫn hoặc án lệ để thống nhất quan điểm cũng như cách thức xử lý đối với các vụ việc tranh chấp giữa NH&TTM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Tòa án nhân dân TP Hà Nội (2019), Bản án số 17/2019/KDTM-ST ngày 31/5/2019 về việc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

[2] Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân Tối cao (2024), https://congbobanan.toaan.gov.vn/, truy cập ngày 2/5/2024.

[3] Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh (2023), Bản án số 2601/2023/HC-ST ngày 20/12/2023 về việc khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

[4] Q.H. Vuong (2023), Mindsponge Theory, Walter de Gruyter GmbH, 214pp.

1Các số liệu và thông tin được các tác giả tổng hợp trên cơ sở tra cứu tại Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao (https://congbobanan.toaan.gov.vn/).

2Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực (khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

3Khoản 2k Điều 74 Luật SHTT quy định NH không có khả năng phân biệt nếu là “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với TTM đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”; Điều 78 Luật SHTT quy định, TTM có khả năng phân biệt nếu “…3. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với NH của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày TTM đó được sử dụng”.

4Quyết định số 3675/QĐ-SHTT thể hiện nhầm nhà thuốc “LC” thành “CL” (trang 9, Bản án số 2601/2023/HC-ST ngày 20/12/2023 của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh).

5Bản án số 2601/2023/HC-ST ngày 20/12/2023 của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh (trang 8).

6Theo điểm 26.7b Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (trước là điểm 39.7b Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BKHCN năm 2017 - như trích dẫn trong Bản án) [3].

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 33
Hôm nay: 5382
Tổng lượt truy cập: 3.584.978
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!