Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 14-05-2024

Bảo hộ bí mật kinh doanh: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Mặc dù là tài sản trí tuệ phổ biến mà hầu như tổ chức nào cũng sở hữu song việc bảo hộ bí mật kinh doanh vẫn chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam.

.

Snack đậu phộng là một trong những sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường snack Việt Nam hiện nay, với đa dạng chủng loại và thương hiệu. Nhưng ít ai biết rằng, cách đây bốn thập kỷ, một thương hiệu Việt Nam - Tân Tân, từng thống trị sân chơi này. Xuất phát từ một cơ sở chế biến đậu phộng chiên từ năm 1984, các sản phẩm đậu phộng của Tân Tân nhanh chóng phổ biến trên cả nước. Thậm chí có lúc số điểm bán lẻ của Tân Tân lên tới 150 nghìn điểm bán, tương đương với các thương hiệu lớn như Unilever, thuốc lá 555 lúc bấy giờ.

Điểm độc đáo nhất trong sản phẩm của Tân Tân nằm ở công thức chế biến, tạo nên vị giòn ngon đặc trưng cho hạt đậu phộng. Nhưng sau đó, một thương hiệu snack của nước ngoài cũng tung ra sản phẩm tương tự ở thị trường Việt Nam. Liệu có sự trùng hợp nào ở đây?

Thực ra, “Công ty CP Thực phẩm Tân Tân đã bị đối thủ cạnh tranh thiết kế ngược sản phẩm để tạo ra sản phẩm tương tự, cùng những bổ sung cũng như việc quảng bá hiệu quả hơn”, ThS. Nguyễn Lê Thành Minh ở trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhận xét trong một bài viết trên tạp chí Công thương vào năm 2020. Hậu quả là “Tân Tân mất hẳn thị phần trên sản phẩm này”.

Câu chuyện trên đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của bí mật kinh doanh - một đối tượng đặc biệt của quyền sở hữu trí tuệ. Về bản chất, bí mật kinh doanh đã tồn tại từ lâu, trước khi xuất hiện khái niệm sở hữu trí tuệ, những người thợ đã biết giữ gìn các bí quyết nghề nghiệp của mình. Lúc đầu các bí quyết đó là bí mật riêng và được giữ gìn bởi cá nhân, được tích lũy, phát triển từ đời này sang đời khác hoặc chỉ truyền cho những người thân thuộc nhất của họ.

Cho đến thời kỳ cách mạng công nghiệp ở châu Âu, quá trình sản xuất phức tạp và các quan hệ giao dịch ngày càng mở rộng, khiến việc bảo vệ bí mật kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh các biện pháp bảo mật riêng của cá nhân, doanh nghiệp, bí mật kinh doanh còn được bảo vệ thông qua hệ thống pháp luật ở nhiều quốc gia và khu vực.

So với những “người anh em” khác trong hệ thống sở hữu trí tuệ như sáng chế hay nhãn hiệu, bí mật kinh doanh thuộc hàng “sinh sau đẻ muộn”.

“Dù những thiệt hại gây ra do chiếm đoạt bí mật thương mại đã được công nhận bởi một số tòa án của Mỹ và Anh vào thời gian đầu của thế kỷ 19 thông qua hình thức án lệ, đây là một ngành luật khá non trẻ, nếu so với sáng chế, bản quyền và nhãn hiệu”, TS. Lê Vũ Vân Anh ở ĐH Oxford (Vương quốc Anh), nhận xét trong một bài viết trên tạp chí Kinh tế Sài Gòn vào năm 2022.

So với sáng chế hay nhãn hiệu đã được quy định trong các đạo luật từ vài thế kỷ trước, đến năm 2016, luật bí mật kinh doanh mới được pháp điển hóa ở cấp độ Liên minh châu Âu và Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật bảo vệ bí mật kinh doanh, cho phép khởi kiện ra tòa án liên bang. Trước đó, việc chiếm đoạt bí mật kinh doanh chỉ được giải quyết ở cấp tiểu bang.


Trung Nguyên đã bảo hộ công thức chế biến cà phê dưới dạng bí mật kinh doanh. Nguồn: congthuong.vn

Trung Nguyên đã bảo hộ công thức chế biến cà phê dưới dạng bí mật kinh doanh. Nguồn: congthuong.vn

Nhận thấy tầm quan trọng của bí mật kinh doanh, trước khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời vào năm 2005, Việt Nam đã quy định bảo hộ đối tượng này trong Nghị định 54/2000/NĐ-CP vào năm 2000. Đến nay, định nghĩa chính thức của bí mật kinh doanh trong Luật Sở hữu trí tuệ “là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”.

“Bên cạnh nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế, bí mật kinh doanh đã trở thành một đối tượng rất quan trọng, thậm chí có thể quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp”, luật sư Nguyễn Tiến Hòa ở Công ty luật ASL Law nhận xét.“Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp chỉ chú trọng đến các đối tượng như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế chứ ít quan tâm đến bí mật kinh doanh”.

Lợi thế lớn, rủi ro cao

Không ít người bất ngờ trước thực tế này, bởi thoạt nhìn, bảo hộ bí mật kinh doanh hấp dẫn hơn nhiều so với bảo hộ sáng chế - vốn phức tạp, tốn thời gian và thời hạn bảo hộ chỉ kéo dài trong vòng 20 năm.

“Để bảo hộ bí mật kinh doanh không cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký, chỉ cần đáp ứng các yêu cầu bảo hộ thì sẽ có giá trị bảo hộ ngay lập tức, thời hạn bảo hộ kéo dài vĩnh viễn, miễn là còn đáp ứng các yêu cầu bảo hộ”, luật sư Nguyễn Tiến Hòa nói.

Ví dụ tiêu biểu về bí mật kinh doanh là công thức chế biến đố uống của Coca Cola. Thay vì đăng ký bảo hộ sáng chế, công ty này quyết định bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh, giữ kín công thức trong một chiếc hầm của ngân hàng ở Atlanta, bang Georgia. Những người biết được công thức bí mật này phải ký hợp đồng không tiết lộ. Nhờ đó, hơn 100 năm qua, Coca Cola vẫn độc quyền công thức này.

Nếu đăng ký bảo hộ sáng chế cho công thức đồ uống này, thời hạn bảo hộ chỉ kéo dài 20 năm, sau đó, nó sẽ trở thành tài sản chung của nhân loại, và cả thế giới đều có thể sản xuất Coca Cola.

Do vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp trên thế giới ưa chuộng hình thức bảo hộ này. Theo số liệu của Trung tâm Thống kê khoa học và kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2018, nhiều doanh nghiệp nước này coi bí mật kinh doanh có giá trị hơn các hình thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khác. Cụ thể, 51,7% công ty có thực hiện hoạt động R&D cho rằng bí mật kinh doanh rất quan trọng với hoạt động của họ. Trong khi đó, 76,2% coi bí mật kinh doanh là quan trọng nói chung.

Những ưu điểm của bí mật kinh doanh xuất phát từ các điều kiện bảo hộ. Theo quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, một bí mật kinh doanh muốn được bảo hộ cần thỏa mãn ba điều kiện: (1) đó không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; (2) khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; (3) được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Trong đó, tính bí mật là yếu tố sống còn của bí mật kinh doanh. Một khi bị bộc lộ công khai, thông tin đó sẽ mất hết giá trị cũng như ưu thế cạnh tranh, nên không còn được coi là bí mật kinh doanh. Do vậy, bí mật kinh doanh bắt buộc phải được giữ kín.

Điển hình như công thức chế biến món gà rán KFC do Harland Sanders (Hoa Kỳ) sáng tạo cách đây gần hai trăm năm và vẫn giữ được bí mật cho đến nay. Chính vì tính bí mật của thông tin mà bí mật kinh doanh có cơ chế xác lập quyền một cách tự động, tức là không cần phải đăng ký bảo hộ như sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp.


Tuy nhiên, tiềm năng thường đi kèm với rủi ro. Việc giữ kín bí mật trước đối thủ cạnh tranh không hề đơn giản. Bởi lẽ, theo quy định của luật sở hữu trí tuệ, các đối thủ cạnh tranh chỉ bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh nếu họ dùng các phương thức bất hợp pháp, nhưng nếu họ dùng những biện pháp công khai, minh bạch, việc khai thác bí mật kinh doanh trong trường hợp này hoàn toàn hợp pháp.

Giả sử như công thức sản xuất bia Heineken - một trong những bí mật lớn nhất của giới kinh doanh bia mà các công ty trong ngành luôn khao khát. Nếu ai đó đưa sản phẩm bia vào phòng thí nghiệm, phân tích tìm ra thành phần, quy trình sản xuất, sau đó sử dụng những thông tin này để sản xuất ra loại bia có hương vị tương tự Heineken và tung ra thị trường với thương hiệu riêng, điều này vẫn hoàn toàn hợp pháp.


Xây dựng quy chế bảo mật

Những khía cạnh thú vị nhưng cũng đầy phức tạp của bí mật kinh doanh khiến không ít doanh nghiệp phân vân về việc lựa chọn hình thức bảo hộ này. Theo các chuyên gia, trước khi lựa chọn hình thức bảo hộ theo sáng chế hay bí mật kinh doanh, doanh nghiệp cần xem xét hai yếu tố: khả năng bị phân tích ngược và vòng đời sản phẩm.

“Nếu một sản phẩm được tạo thành từ tài sản trí tuệ mà đối thủ cạnh tranh có thể dễ dàng dựa vào đội ngũ chuyên gia phân tích ngược để tìm ra công thức hoặc sáng chế mà doanh nghiệp đã sử dụng thì doanh nghiệp phải nhanh chóng tiến hành thủ tục xác lập quyền trước khi nghĩ đến chuyện khai thác thương mại. Việc tiến hành thủ tục xác lập quyền đối với sáng chế trong trường hợp này nhằm đánh đổi sự bảo mật để được độc quyền khai thác trong thời gian bảo hộ là 20 năm (kể từ ngày nộp đơn). Nếu sản phẩm được tạo thành khó có thể bị phân tích ngược, doanh nghiệp chỉ cần xây dựng các quy chế bảo mật để bảo vệ tài sản trí tuệ và khai thác không thời hạn, không phải đăng ký bằng độc quyền sáng chế (bảo hộ theo hình thức bí mật kinh doanh)”, luật sư Nguyễn Thái Hải Lâm ở Văn phòng Luật sư Nguyễn & Trần cho biết.


Việc lựa chọn hình thức bảo hộ dựa trên vòng đời sản phẩm cũng quyết định hiệu quả kinh doanh. Theo luật sư Nguyễn Thái Hải Lâm, “nếu sáng chế chỉ nhằm giải quyết một vấn đề hay một hiện tượng trong cuộc sống, tại một thời điểm, mang tính thời sự và không kéo dài thì doanh nghiệp không cần phải tiến hành thủ tục xác lập quyền. Bởi lẽ, việc xác lập quyền phải trải qua một thời gian khá dài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải mất thời gian và tốn lệ phí cho việc đăng ký (trong trường hợp sáng chế phức tạp, còn phải thuê chuyên gia thực hiện thủ tục xác lập quyền). Nếu đợi hoàn tất việc xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ thì lúc này cơ hội kinh doanh cũng qua đi, bằng độc quyền sáng chế không còn mang nhiều ý nghĩa. Thay vì như thế, doanh nghiệp chỉ cần lập quy chế bảo mật và tiến hành khai thác thương mại ngay khi sáng chế hoàn thành, như vậy hiệu quả kinh tế sẽ tối ưu hơn”.

Khi đi theo con đường bảo hộ bí mật kinh doanh, các tổ chức cần lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp, đảm bảo các điều kiện bảo hộ không bị phá vỡ. Một số doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này từ lâu, đơn cử như công thức chế biến cà phê của Trung Nguyên.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người sáng lập cà phê Trung Nguyên cho biết quy trình chế biến được chia ra thành nhiều công đoạn, từ các bước xử lý nguyên liệu, rang xay… và giao cho nhiều người nắm giữ. Việc giữ kín những bí mật như vậy không chỉ là điều cần thiết với các doanh nghiệp mà ngay cả với các viện, trường.

“Trước đây, thực tế quản trị thông tin mật và bí mật kinh doanh vẫn chưa được quan tâm, dẫn đến nhiều trường hợp vô tình/cố ý bộc lộ thông tin chưa được công bố”, bà Lê Thị Thanh Tâm ở Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (ĐHQG TP.HCM) nhận xét trong một hội thảo vào năm 2022.

“Do vậy, chúng tôi đã ban hành các thủ tục, biểu mẫu rõ ràng về nội dung này. Trong các hợp đồng lao động hay nghiên cứu của cán bộ trong trường, chúng tôi đều có điều khoản rõ ràng về cam kết bảo mật, cụ thể trong các trường hợp trước trong/sau mỗi nhiệm vụ KH&CN và mỗi tình huống nghỉ/ngừng hoạt động/hợp tác. Điều này sẽ đảm bảo cho việc khai thác tài sản trí tuệ, bao gồm cả đảm bảo tính mới khi đăng ký bảo hộ sáng chế từ những kết quả nghiên cứu”, bà nói.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 6
Hôm nay: 570
Tổng lượt truy cập: 3.266.823
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.