Quá trình hình thành sao lùn nâu và các đặc tính cơ bản của đĩa trẻ xung quanh các sao lùn nâu
Đề tài nhằm thực hiện những mục tiêu sau: Tìm kiếm và đặc tính hoá các đặc tính của luồng phụt lưỡng cực khí phân tử ở các sao lùn nâu giai đoạn 0 và I; và tính toán các tham số vật lý của đĩa tiền hành tinh, đĩa tàn dư quanh sao lùn nâu.
Để phát hiện và nghiên cứu luồng phụt lưỡng cực khí phân tử ở các ứng viên này, các tác giả đã sử dụng các hệ thống kính viễn vọng vô tuyến trên thế giới để quan sát vạch bức xạ CO 2-1 tại tần số 230 GHz (hay ở bước sóng 1.2 mm). Các kính viễn vọng vô tuyến mà chúng tôi có thể lấy thời gian quan sát là SMA tại Hawaii. Khi phát hiện bức xạ CO 2-1, chúng tôi có thể tính toán các tham số như kích thước, vận tốc thoát khí, khối lượng khí CO 2-1, tốc độ giải phóng khí, thời gian động học. Đối với việc nghiên cứu các đặc tính của đĩa tiền hành tinh quanh sao lùn nâu, nhóm nghiên cứu đã quan sát với kính ALMA sao lùn ISO-Oph 102. Kết hợp dữ liệu quan sát và model lý thuyết để xác định bán kính, các hệ số chắn sáng, khối lượng bụi.
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
- Đối với việc quan sát luồng phụt, các nhà nghiên cứu đã quan sát 2 sao lùn nâu ở giai đoạn I là [GKH94]41 và IRAS04191+1523B với kính SMA, tuy nhiên, không phát hiện luồng phụt mà chỉ có phát hiện đĩa tiền hành tinh ở bước sóng 1.3mm.
- Đối với đĩa tiền hành tinh, các tác giả đã xử lý dữ liệu ALMA, nhưng không được cấp thời gian quan sát ở độ phân giải cao hơn nên không công bố kết quả này do không đủ tính mới để đăng ở tạp chí uy tín.
- Đối với đĩa tàn dư, các nhà khoa học đã phát hiện một số ứng viên sao lùn nâu, đã quan sát với kính JCMT để ước tính khối lượng bụi và đã công bố ở tạp chí Q1 uy tín, thuộc nhóm Nature Index.
- Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu phát hiện 1 sao lùn nâu đang ở giai đoạn hình thành. Sau đó, họ tiến hành quan sát thêm và phát hiện sao lùn nâu này thể hiện đặc tính hút vật chất rời rạc. Đặc tính này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế hình thành sao lùn nâu. Kết quả nghiên cứu đã được công bố ở tạp chí Q1, thuộc nhóm Nature Index.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17299/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/