Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 11-07-2022

Nghiên cứu sử dụng GII như một công cụ chính sách phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có hàng loạt các hành động và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ngày 12/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2015/NQ-CP với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2016 đạt mức trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh. Năm 2016, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP (ngày 28/4/2016) mở rộng thêm các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động của các thị trường theo cách xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới; duy trì mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 đến hết năm 2017 và đặt mục tiêu đạt ASEAN 3 đến hết năm 2020.

Nghị quyết 19 các năm 2014, 2015, 2016 đều yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển mạnh cơ chế quản lý sang hậu kiểm; áp dụng phương thức quản lý trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan. Các Bộ, cơ quan, địa phương cũng được giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho gắn với từng chỉ số liên quan.

Việc thực hiện Nghị quyết 19 đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận nhất định. Tuy nhiên, dù thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đạt trung bình ASEAN 4 như mục tiêu đặt ra. Ngoài ra, theo đánh giá Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới thì năm 2016, thứ hạng của Việt Nam là 60/138, giảm 4 bậc so với năm 2015 (56/140). Thứ hạng này thấp hơn hầu hết các nước ASEAN, chỉ đứng trên Lào và Cam-pu-chia.

Để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu quả, chất lượng các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, ngày 06 tháng 02 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP đã nêu rõ để đạt được mục tiêu ngang bằng với các nước ASEAN 4 (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) Việt Nam cần “có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”. Ngoài các mục tiêu cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh như các năm trước đây, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đã bổ sung các tiêu chí đánh giá về Đổi mới Sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, các chỉ số ĐMST đạt trung bình các nước ASEAN 5 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia).

Để có căn cứ xây dựng các giải pháp và hành động nhằm đạt mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra, như trên đã nêu, trước hết cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng phương pháp mà tổ chức WIPO đã áp dụng để xây dựng chỉ số ĐMST toàn cầu, so sánh với các phương pháp đánh giá hệ thống ĐMST khác và với thực tiễn của Việt Nam. Trên cơ sở đó, phân tích sự phù hợp, hạn chế của cách tiếp cận chỉ số ĐMST với nền kinh tế Việt Nam và đưa ra những khuyến nghị sử dụng chỉ số ĐMST như một công cụ chính sách phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam như thế nào cho tốt nhất.

Do vậy, nghiên cứu “Nghiên cứu phương pháp luận do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) áp dụng để xây dựng và tính toán chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đối chiếu với đặc điểm kinh tế - xã hội và hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, từ đó phân tích những ưu điểm, hạn chế của cách tiếp cận mà Tổ chức WIPO áp dụng và đưa ra những khuyến nghị về sử dụng GII như một công cụ chính sách phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam” được Cơ quan chủ trì Viện chiến lược và chính sách khoa học công nghệ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Phương Mai thực hiện với mục tiêu: Làm rõ phương pháp luận của việc xây dựng và tính toán chỉ số GII; Phân tích sự phù hợp, hạn chế của cách tiếp cận GII đối với nền kinh tế Việt Nam; Khuyến nghị sử dụng cách tiếp cận GII như một công cụ chính sách phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Nghiên cứu về hệ thống ĐMST quốc gia đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đánh giá hệ thống ĐMST quốc gia lại không hề đơn giản do tính đa dạng của các kết quả của hệ thống. Việc đánh giá hệ thống ĐMST quốc gia giúp hiểu rõ những kết quả hoạt động, hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST đó - với bản thân các tác nhân của hệ thống và với kinh tế - xã hội, từ đó có các chính sách phù hợp. Có nhiều phương pháp và cách tiếp cận được nghiên cứu, áp dụng để đánh giá, đo lường hệ thống ĐMST quốc gia. Một trong những phương pháp truyền thống là sử dụng một vài chỉ số về đầu vào, đầu ra đơn giản như chi tiêu cho R&D và số lượng bài báo hay bằng sáng chế. Ở cấp độ phức tạp hơn, các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều chỉ số hơn hay sử dụng các mô hình hồi quy với nguồn dữ liệu lớn hơn.

Trong nghiên cứu so sánh hiệu quả hệ thống ĐMST quốc gia của các nước trên thế giới, Zang (2013) sử dụng các chỉ số đầu vào để đánh giá bao gồm: chi phí của doanh nghiệp cho R&D, chi phí cho giáo dục đại học, ngân sách nhà nước cho R&D, nhân lực R&D trong doanh nghiệp, nhân lực R&D trong trường đại học, nhân lực R&D ở khu vực công; các chỉ số đầu ra công nghệ bao gồm: bằng sáng chế, bài báo khoa học; các chỉ số đầu ra về kinh tế bao gồm: thị phần xuất khẩu công nghệ cao, và năng suất quốc gia. Nghiên cứu này so sánh 39 nước và chia làm ba loại, các nước đặc biệt phát triển, các nước đang phát triển và các nước phát triển. Nguồn dữ liệu được lấy từ cơ sở dữ liệu của OECD, báo cáo cạnh tranh của thế giới và Ngân hàng thế giới. Dữ liệu được sử dụng từ năm 1995-2006. Từ đó, lập mô hình tính toán điểm hiệu quả về công nghệ của hệ thống ĐMST, điểm hiệu quả về kinh tế của hệ thống ĐMST và điểm hiệu quả chung của hệ thống ĐMST.

Ở Việt Nam, đo lường hệ thống ĐMST quốc gia là một việc mới mẻ. Phần lớn các nghiên cứu về hệ thống ĐMST đã thực hiện sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp, phương pháp mô tả và phân tích định tính theo các tác nhân và các yếu tố khác nhau của hệ thống. Một loạt nghiên cứu về hệ thống đổi mới ngành rau quả, ngành tôm, ngành chè (Trần Ngọc Ca và Nguyễn Võ Hưng, 2012) áp dụng cách tiếp cận của Edquist (2005) để phân tích theo 10 chức năng của hệ thống ĐMST. Nghiên cứu của Nguyễn Võ Hưng (2013) về vai trò của Nhà nước trong việc hình thành và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia ở Việt Nam cũng áp dụng phương pháp định tính, nghiên cứu trường hợp về một số tác nhân cụ thể của hệ thống ĐMST quốc gia. Nhìn chung, chưa có nghiên cứu thực chứng, sử dụng phương pháp định lượng để phân tích, đánh giá, đo lường hệ thống ĐMST, bao gồm cả hệ thống ĐMST quốc gia, hệ thống ĐMST vùng hay hệ thống ĐMST ngành ở Việt Nam. GII như một phương pháp đo lường hệ thống ĐMST quốc gia do vậy rất đáng được nghiên cứu, phân tích.

Theo bảng xếp hạng về chỉ số ĐMST toàn cầu GII, thứ hạng của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục có sự gia tăng. Một trong những lí do quan trọng ngoài sự thay đổi tích cực nội tại, còn có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với ĐMST trong thời gian qua. Việc đưa vào Nghị quyết của Chính phủ các mục tiêu cụ thể và phân công các bộ, cơ quan cụ thể trách nhiệm cải thiện chỉ số ĐMST đồng nghĩa với việc yêu cầu các bộ, cơ quan phải có các đóng góp, chung tay cho sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia.

Nghiên cứu này đã cho thấy cách tiếp cận, sử dụng chỉ số GII như một công cụ quản lí, điều hành của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phù hợp và thông minh. Chỉ số GII với cách tiếp cận hệ thống ĐMST quốc gia với khái niệm ĐMST hiểu theo nghĩa rộng, phương pháp đánh giá theo đầu vào – đầu ra về ĐMST, đảm bảo đánh giá công bằng và phù hợp với các quốc gia từ phát triển đến chưa phát triển, từ thu nhập cao đến thu nhập thấp đã trở thành bộ công cụ đánh giá được nhiều quốc gia chấp nhận và có uy tín. Những hạn chế của chỉ số GII đã được chính các tác giả nhìn nhận rõ và cảnh báo cho người sử dụng, do vậy, khi sử dụng kết quả đánh giá dù để phân tích, nghiên cứu hay như một công cụ hỗ trợ quản lí, điều hành của Chính phủ đã được nghiên cứu này làm rõ.

Trên cơ sở tìm hiểu, phân tích cách tiếp cận, phương pháp tính toán cụ thể của chỉ số GII và từng chỉ số thành phần, đặc biệt là kết quả của Việt Nam theo từng trụ cột và nhóm chỉ số, nghiên cứu này đã làm rõ hơn bức tranh về hệ thống ĐMST quốc gia của Việt Nam, có so sánh với một số nước trong khu vực. Từ đó, bộc lộ các điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam trong ĐMST và đưa ra được các đề xuất, khuyến nghị về việc sử dụng bộ chỉ số này như thế nào đối với quản lí, điều hành nói chung cũng như cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Việc tiếp tục nghiên cứu, khai thác dữ liệu và kết quả đánh giá, xếp hạng từng chỉ số thành phần cũng như bộ chỉ số GII sẽ còn có ý nghĩa đóng góp hơn nữa. Ngoài ra, khả năng đánh giá ĐMST theo từng địa phương cũng là một hướng nghiên cứu tiềm năng để có thể tăng cường vai trò và sự tham gia của các địa phương trong hệ thống ĐMST quốc gia. Đây là các hướng nghiên cứu tiếp theo mà nhóm đề tài khuyến nghị bên cạnh các khuyến nghị, đề xuất khác đã có.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17279/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/
 

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 1064
Tổng lượt truy cập: 4.042.534
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!