Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển nghề nuôi ong mật và chế biến các sản phẩm ngành ong theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Vĩnh Phúc
Nhằm ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển nghề nuôi ong, sơ chế và chế biến sản phẩm ong mật ở Vĩnh Phúc, góp phần hình thành một ngành sản xuất hàng hóa, mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, nhóm nghiên cứu đến từ Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo do Cử nhân Lê Thị Nga dẫn đầu, đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển nghề nuôi ong mật và chế biến các sản phẩm ngành ong theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh Vĩnh Phúc” từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2020.
Một số sản phẩm của dự án
Sau bốn năm triển khai, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo đánh giá dự án đã thực hiện đầy đủ các nội dung và quy mô so với hợp đồng đã ký và thuyết minh dự án đã được phê duyệt. Tổng quan nội dung tự đánh giá như sau:
- Dự án được tiến hành trong bối cảnh người chăn nuôi chưa được đào tạo và tập huấn kỹ thuật nuôi ong, các quy trình kỹ thuật trong các khâu chăm sóc, quản lý, thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm cũng như phòng, trị bệnh cho ong còn nhiều bất cập, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều, nhiều loại sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn. Người chăn nuôi quen nuôi giống ong nội với quy mô chăn nuôi nhỏ, manh mún, mang nặng tính tự cung, tự cấp, lại ít di chuyển ong theo nguồn hoa, mặt khác trong nhiều năm tỉnh Vĩnh Phúc còn thiếu các cơ sở sơ chế chế biến sản phẩm và trung tâm phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm ong mật, tình hình xuất khẩu mật ong cũng gặp nhiều khó khăn do những tranh chấp thương mại giữa các nước lớn nên dự án đã có những lúc gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện và duy trì, cũng như nhân rộng các mô hình nuôi ong.
- Đối với các quy trình công nghệ được chuyển giao bước đầu còn chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp cũng như Vĩnh Phúc, một số hệ thống máy theo thuyết minh, tại thời điểm triển khai dự án đã không còn đảm bảo tính năng phù hợp và ưu việt.
- Tuy nhiên, dự án đã được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền ở địa phương và sự hỗ trợ đầu tư của Trung Ương, cùng với sự nỗ lực của Công ty Ong Tam Đảo và các nông hộ tham gia dự án nên đã hoàn thành tốt các nội dung cả về quy mô và số lượng các sản phẩm của Dự án, bao gồm:
1) Các quy trình công nghệ được các đơn vị chuyển giao cùng các chuyên gia hỗ trợ điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn của địa phương. Công ty đã tự đầu tư them hệ thống cô đặc chân không, cô đặc mật ong ở điều kiện áp suất - 1mpa, giúp giữ được màu cho sản phẩm hơn so với thiết bị hạ thủy phần hình tháp.
2) Đào tạo được 10 kỹ thuật viên cơ sở (cả về lý thuyết và thực hành), các kỹ thuật viên đều đã làm chủ được các quy trình công nghệ được chuyển giao, có kỹ năng để quản lý trại ong cũng như quản lý cơ sở chế biến.
3) Tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho 138 lượt người trong vùng dự án. Người nuôi ong sau khi tập huấn đã nắm bắt được các công nghệ để ứng dụng vào sản xuất.
4) Chuyển giao 15 quy trình công nghệ tiên tiến và được ứng dụng tại 5 cơ sở nuôi ong và 01 cơ sở chế biến, trong đó có 07 quy trình được điều chỉnh bổ sung để phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, dễ áp dụng và đã áp dụng để làm ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
5) Dự án đã xây dựng thành công các mô hình nuôi ong lấy mật, mô hình nuôi ong lấy sữa ong chúa, mô hình lọc và giảm thủy phần mật ong và mô hình chế biến các sản phẩm mật ong mật mang lại hiệu quả kinh tế cao
Với những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo đã đề xuất một số kiến nghị như sau:
Về cơ chế chính sách, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo kính đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện cho doanh nghiệp được triển khai nhiều dự án hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế doanh nghiệp và địa phương. Doanh nghiệp cũng kính đề nghị các cơ quan quản lý, tạo điều kiện hỗ trợ quảng bá, tạo các cơ hội xúc tiến, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm của dự án hơn nữa bởi thị trường phát triển, đầu ra ổn định sẽ là động lực to lớn kích cầu sản xuất phát triển cũng như kích thích doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, phát triển thêm các dòng sản phẩm mới từ ong mật, nâng cao giá trị hang hóa cho sản phẩm.
Về tổ chức quản lý, sau khi dự án được nghiệm thu, các cơ sở vật chất kỹ thuật được trang bị cho các nông hộ trong quá trình thực hiện dự án nên được bàn giao lại cho các nông hộ để phục vụ cho việc tiếp tục nhân rộng mô hình tại tỉnh Vĩnh Phúc và duy trì hiệu quả kinh tế của mô hình.
Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ nên áp dụng đấu thầu đối với các thiết bị, vật tư, máy móc có giá trị lớn và thông dụng trên thị trường, nhằm tạo ra sự cạnh tranh để lợi cho dự án. Đối với các thiết bị chuyên dụng, nên áp dụng phương án chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian, dành thời gian cho các nội dung quan trọng của dự án. Định mức kinh phí cho máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và công lao động sau khi đã được thẩm định thường không còn phù hợp với giá thực tế tại thời điểm triển khai thực hiện dự án, do vậy Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo kính đề nghị các cấp nên có nguồn kinh phí dự phòng để điều chỉnh cho phù hợp với từng thời điểm cho các dự án khác trong tương lai.
Cuối cùng, Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo kính kiến nghị các cấp chính quyền tuyên truyền, phổ biến các kết quả đã đạt được của Dự án và tổ chức các cơ sở nuôi ong trong tỉnh thành một hệ thống để tạo cơ chế, chính sách khuyến khích người dân yên tâm phát triển nghề nuôi ong.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17421/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/