Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 10-11-2022

Nghiên cứu tạo giá thể ruột bầu cho sản xuất cây giống nguyên liệu giấy

Nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng nguyên liệu ở nước ta những năm gần đây có tốc độ phát triển rất nhanh, trung bình mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 650 triệu cây giống Bạch đàn, Keo, Thông... kéo theo nhu cầu rất lớn về bầu ươm cây giống. Thực tiễn khảo sát ở các tỉnh có nhiều vườn ươm như Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai cho thấy các vườn ươm đều dùng đất đồi làm giá thể ươm cây giống.

 

Do đặc tính vật lý của đất (khô rời, ẩm dính) nên đến nay vẫn chỉ tạo bầu ươm cây bằng cách đóng thủ công truyền thống. Thông tin công bố của Trung tâm Nghiên cứu Bạch đàn Trung Quốc, từ những năm 2010 ở tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc) 100% bầu ươm cây giống Bạch đàn là loại bầu giá thể hữu cơ được sản xuất bằng máy đóng bầu. Gần đây, một vài vườn ươm ở Lạng Sơn và Quảng Ninh, bên cạnh việc dùng đất đồi để đóng bầu đã thử dùng bầu hữu cơ nhập khẩu từ Trung Quốc về làm bầu ươm tạo cây giống Bạch đàn và Keo. Sau 2 năm dùng thử bầu hữu cơ Trung Quốc, nhân viên kỹ thuật của các vườn ươm đánh giá ưu điểm lớn nhất là trọng lượng bầu hữu cơ chỉ bằng 3-5% bầu đất, cây giống có hệ rễ khỏe và chi phí vận chuyển cây giống có thể giảm đến 80% nhưng để mở rộng ứng dụng bầu hữu cơ siêu nhẹ vào sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng nguyên liệu ở Việt Nam cần khắc phục được những hạn chế về kỹ thuật công nghệ chế biến giá thể hữu cơ, kỹ thuật nuôi dưỡng cây giống trên bầu hữu cơ siêu nhẹ....

Xuất phát từ những cơ sở thực tiễn nêu trên, Bộ Công Thương đã cho phép nhóm nghiên cứu Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy - Tổng Công ty giấy Việt Nam do ThS. Nguyễn Đức Thế thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tạo giá thể ruột bầu cho sản xuất cây giống nguyên liệu giấy” nhằm xác định được thành phần ruột bầu thích hợp cho cây nguyên liệu giấy đạt tỷ lệ sống ≥ 85%.

Đề tài được chuẩn bị từ cuối năm 2018 và triển khai thực nghiệm trong năm 2019. Theo đó, đề tài đã thực hiện 6 nội dung:

1. Nghiên cứu ảnh hưởng của loại giá thể đến sinh trưởng của cây giống Bạch đàn và Keo;

2. Nghiên cứu ảnh hưởng của chế phẩm sinh học đến khả năng phân giải cellulo giá thể hữu cơ;

3. Nghiên cứu ảnh hưởng của cường độ nén đến khả năng lưu dẫn nước của giá thể hữu cơ;

4. Nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng phân bón thúc đến sinh trưởng của cây giống Bạch đàn và Keo ươm nuôi trên bầu hữu cơ;

5. Nghiên cứu ảnh hưởng của lượng nước tưới đến tỷ lệ sống của cây giống Bạch đàn và Keo ươm nuôi trên bầu hữu cơ ở giai đoạn từ 1 - 10 ngày tuổi;

6. Nghiên cứu ảnh hưởng của chu kỳ tưới nước đến tỷ lệ sống của cây giống Bạch đàn và Keo ươm nuôi trên bầu hữu cơ ở giai đoạn từ 1 - 10 ngày tuổi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Trong số 4 loại giá thể hữu cơ đã thử nghiệm, giá thể gồm 50% vỏ keo + 45% trấu + 5% than bùn là loại thích hợp nhất để nuôi dưỡng cây Bạch đàn 3229 và Keo lai BV10.

Trong số 3 loại chế phẩm sinh học đã thử nghiệm, chế phẩm sinh học Emfert là loại thích hợp nhất để ủ hỗn hợp vỏ + gỗ Keo. Trong số 3 mức cường độ nén giá thể 50% vỏ keo + 45% trấu + 5% than bùn, cường độ nén 1,5 atm tạo ra bầu ươm có thời gian lưu dẫn nước và giữ nước thích hợp nhất.

Trong số 3 mức liều lượng phân bón thúc thử nghiệm với cây Keo lai BV10 và cây Bạch đàn 3229 nuôi dưỡng trên giá thể 50% vỏ keo + 45% trấu + 5% than bùn, liều lượng bón thúc 0,6 g/cây bằng phân NPK 10.5.3 có hiệu quả tích cực nhất với cây Keo lai BV10 và liều lượng bón thúc 1,2 g/cây bằng phân NPK 16.16.8 có hiệu quả tích cực nhất với cây Bạch đàn 3229.

Trong số 3 mức lượng nước thử nghiệm tưới cây trong 10 ngày đầu tiên cho cây Keo lai BV10 và cây Bạch đàn 3229 nuôi dưỡng trên giá thể 50% vỏ keo + 45% trấu + 5% than bùn, mức 160 ml/cây thích hợp nhất với cả cây Bạch đàn 3229 và cây Keo lai BV10.

Như vậy, từ những kết quả nghiên cứu đạt được, bước đầu đề tài đã xác định được thành phần ruột bầu thích hợp cho cây nguyên liệu giấy đạt tỷ lệ sống ≥ 85% là loại giá thể gồm 50% vỏ keo + 45% trấu + 5% than bùn. Đề tài kiến nghị Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy ứng dụng kết quả đề tài vào dự án sản xuất thử bầu ươm cây bằng giá thể hữu cơ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17029/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 1864
Tổng lượt truy cập: 4.038.666
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!