Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 27-02-2023

Nghiên cứu các biện pháp phòng chống sâu róm hại Thông nhựa và Thông mã vĩ cho miền Bắc và Bắc Trung Bộ

Thông là cây có giá trị kinh tế cao bao gồm một số loài thông chính như Thông mã vĩ Pinus massoniana Lambert, Thông nhựa Pinus merkusii Jungh et.de Vries, Thông 3 lá Pinus kesya Royle ex Gordon... Ngoài các sản phẩm của thông như gỗ, nhựa, nguyên liệu giấy, cây thông còn được sử dụng trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc và tạo cảnh quan môi trường... Chính vì vậy diện tích rừng thông ngày càng được mở rộng và là một trong những cây trồng chính của ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên việc gây trồng và phát triển cây thông cũng gặp nhiều trở ngại, một trong số đó là vấn đề sâu bệnh hại, nguy cơ về sâu bệnh hại thông không chỉ xảy ra tại rừng trồng mà còn xuất hiện tại cả vườn ươm.

Trong 10 năm trở lại đây, loài Sâu róm 4 túm lông đã bắt đầu xuất hiện gây hại cho Thông nhựa và Thông mã vĩ khắp các địa phương Bắc Giang, Lạng Sơn và đang có xu hướng lan rộng ra các địa phương trồng thông khác trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào đầy đủ, hệ thống về đặc điểm sinh học cũng như dự tính, dự báo và biện pháp phòng chống loài Sâu róm 4 túm lông này. Vì vậy, TS. Đào Ngọc Quang cùng các cộng sự tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu các biện pháp phòng chống sâu róm hại Thông nhựa và Thông mã vĩ cho miền Bắc và Bắc Trung Bộ” từ năm 2016 đến năm 2020.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu quản lý tổng hợp sâu róm hại Thông nhựa và Thông mã vĩ góp phần nâng cao năng suất và quản lý rừng trồng thông bền vững.

Sau bốn năm nghiên cứu, đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:

1. Xác định được đặc điểm sinh học của loài SR4TL và SRT gây hại Thông mã vĩ và Thông nhựa:

- SR4TL và SRT là loài biến thái hoàn toàn, vòng đời trải qua 4 pha phát triển: Trưởng thành, trứng, sâu non và nhộng. Trong điều kiện phòng thí nghiệm nhiệt độ trung bình 28oC và độ ẩm 85%, thời gian hoàn thành vòng đời trung bình của loài SR4TL và SRT là 66,20 ngày, dao động từ 57-78 ngày và 82,95 ngày, dao động từ 68-95 ngày. Trong điều kiện phòng thí nghiệm nhiệt độ trung bình 25oCvà độ ẩm 85%, thời gian hoàn thành vòng đời trung bình của loài SR4TL và SRT là 77,74 ngày, dao động từ 65-84 ngày, và 97,72 ngày và dao động từ 80-107 ngày.

- Xác định được nhiệt độ khởi điểm phát dục của loài SR4TL (CSR4TL = 8,51oC)và SRT (CSRT = 9,01oC); Tổng nhiệt hữu hiệu của loài SR4TL (KSR4TL = 1.282 ngày độ) và SRT (KSRT = 1.563 ngày độ).

- Xác định được số vòng đời (lứa sâu) của loài SR4TL và SRT tại 4 địa điểm nghiên cứu: SR4TL gây hại Thông mã vĩ tại Lạng Sơn và Thông nhựa tại Thanh Hóa mỗi năm có 5 thế hệ; SRT gây hại Thông mã vĩ tại Bắc Giang và Thông nhựa tại Nghệ An mỗi năm có 4 thế hệ.

2. Xây dựng được 04 quy trình điều tra, dự tính, dự báo dịch loài SR4TL và SRT hại Thông mã vĩ và Thông nhựa, cụ thể:

- Quy trình điều tra, dự tính, dự báo dịch loài SR4TL hại Thông mã vĩ tại Lạng Sơn.

- Quy trình điều tra, dự tính, dự báo dịch loài SRT hại Thông mã vĩ tại Bắc Giang.

- Quy trình điều tra, dự tính, dự báo dịch loài SR4TL hại Thông nhựa tại Thanh Hóa.

- Quy trình điều tra, dự tính, dự báo dịch loài SRT hại Thông nhựa tại Nghệ An.

3. Xác định được biện pháp phòng chống hiệu quả loài SR4TL và SRT:

- Thiết kế tạo mới và sản xuất được 02 loại bẫy đèn cải tiến bẫy trưởng thành SR4TL và SRT phù hợp với điều kiện trong sản xuất lâm nghiệp, khắc phục được những bất cập của các loại bẫy đèn hiện đang sử dụng và khả năng thu bắt trưởng thành cao.

- Xác định được 02 loại chế phẩm sinh học: Chế phẩm Delfin 32WG (32BUI/KG) (Bacillus thuringiensis var. kurstaki), liều lượng 1,4kg + 8kg chất phụ gia (trấu hoặc mùn cưa nghiền nhỏ) cho 1ha; Chế phẩm Bitadin WP (Bacillus thuringiensis var. kurstaki 16.000IU + Granulosis virus 108PIB), liều lượng 1,2kg + 6kg chất phụ gia (trấu hoặc mùn cưa nghiềnnhỏ) cho 1ha có hiệu lực phòng chống 70,1-77,7% đối với loài SR4TL và SRT hại Thông mã vĩ và Thông nhựa.

- Xác định được 03 loại thuốc trừ sâu hóa học trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam: Hoạt chất Deltamethrin 25g/l (Decis repel 2,5SC), Cypermethrin 250g/l (Sherpa 25EC), Etofenprox 10% (Trebon 10EC) với nồng độ 0,3%, liều lượng 500-600 lít/ha có hiệu lực phòng chống 90,2-95,4% đối với loài SR4TL và SRT hại Thông mã vĩ và Thông nhựa.

4. Xây dựng 4 mô hình quản lý tổng hợp loài SR4TL và SRT (1 mô hình/loài sâu/vùng) với quy mô 2 ha/mô hình tại địa điểm thường xuyên xuất hiện SR4TL và SRT hại tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An (Giảm mức độ thiệt hại 77,79-85,87%; Hiệu quả kinh tế tăng 20,86-22,66% so với đối chứng). “Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp sâu róm hại Thông mã vĩ và Thông nhựa” được Cục BVTV công nhận là Tiến bộ kỹ thuật.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18123/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 8
Hôm nay: 198
Tổng lượt truy cập: 4.034.897
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!