Hoàn thiện quy trình, công nghệ sản xuất thử nghiệm vải có độ cách nhiệt cao
Ngày nay, sản phẩm vải may mặc không chỉ đáp ứng yêu cầu mặc thông thường của người tiêu dùng mà còn có các đặc tính chức năng, đáp ứng các yêu cầu liên quan đến sự tiện nghi cho người sử dụng như thoải mái khi mặc, cảm giác sờ tay mềm mại, dễ chăm sóc, có tính năng chăm sóc sức khoẻ, cũng như một số tính năng khác. Do đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng ngày càng khắt khe trong nước cũng như thế giới về sản phẩm may mặc, cần có nhiều nghiên cứu và ứng dụng các nguyên liệu dệt mới, nhằm nâng cao tính tiện nghi, an toàn của sản phẩm dệt may.
Sản phẩm vải dệt kim đan ngang có độ cách nhiệt cao là một trong những loại vải có có độ cách nhiệt cao, có tính tiện nghi, được ứng dụng trong sản xuất hàng dệt ngày càng tăng trong những năm gần đây, có tiềm năng rất lớn trên thị trường Việt Nam. Sản phẩm may mặc từ vải dệt kim đan ngang có độ cách nhiệt cao bán trên thị trường Việt Nam hiện nay đều là các sản phẩm nhập khẩu quần áo may sẵn hoặc nhập khẩu vải vải để sản xuất các sản phẩm may. Hầu như chưa có doanh nghiệp nào sản xuất với quy mô lớn và chưa làm chủ được công nghệ sản xuất vải.
Tại Việt Nam, công nghệ sản xuất vải dệt kim đan ngang có độ cách nhiệt cao đã được nghiên cứu vào năm 2014 tại đề tài: “Nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vải có độ cách nhiệt cao từ sợi Viloft/Acrylic” của Viện Dệt May. Đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim đan ngang từ sợi Viloft pha Acrylic ở quy mô phòng thí nghiệm và thực nghiệm lô nhỏ tại doanh nghiệp. Mặc dù đã nhận được tín hiệu rất tích cực từ doanh nghiệp, nhưng do mới thực nghiệm với quy mô nhỏ, chất lượng vải chưa khẳng định được tính ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng cho sản xuất các sản phẩm may trung và cao cấp.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Công ty cổ phần - Viện Nghiên cứu Dệt may cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Văn Thông thực hiện nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình, công nghệ sản xuất thử nghiệm vải có độ cách nhiệt cao” với mục tiêu: Hình thành một chuỗi liên kết giữa đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm, sản xuất và tiêu thụ vải sản phẩm dệt kim nói chung và sản phẩm dệt kim có độ cách nhiệt cao nói riêng.
Vải dệt không chỉ đáp ứng yêu cầu mặc thông thường của người tiêu dùng mà còn đáp ứng các yêu cầu liên quan đến sự thoải mái khi mặc, cảm giác sờ tay và dễ chăm sóc, tính năng chăm sóc sức khoẻ, cũng như một số tính năng khác. Các loại xơ, sợi truyền thống có nguồn gốc từ thực vật như xơ bông, lanh, đay, gai... chỉ đáp ứng được phần nào đòi hỏi của người tiêu dùng. Điều này đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu phát triển các nguyên liệu mới có những đặc tính giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.
Các yếu tố quyết định khả năng cách nhiệt của quần áo bao gồm: Cơ chế mất nhiệt, vai trò của không khí trong trong xơ, sợi vải và ảnh hưởng của nước đến tính cách nhiệt của vải.
Xơ Viloft được sản xuất từ nguyên liệu là cây bạch đàn, đã được nhà sản xuất xơ Kelheim (Đức) nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa. Sau gần 100 năm sản xuất của Xenluloza có mặt cắt ngang tròn, năm 1985, Kelheim đã sáng tạo ra sợi Viloft, là sợi Vixco đầu tiên trên thế giới có mặt cắt ngang dạng phẳng dẹt. Tiết diện phẳng dẹt mang lại sự mềm mại và tăng diện tích bề mặt xơ. Khi kéo thành sợi, các xơ Viloft sắp xếp theo một kiểu ngẫu nhiên và tạo thành các khoảng rỗng chứa đầy không khí. Ảnh hiển vi của xơ và sợi 100% Viloft được giới thiệu tại hình 1.1. Cấu trúc dẹt, phẳng với các không gian rỗng trong sợi cho phép các loại vải có được các đặc tính đặc biệt của xơ Viloft. Chúng có cảm giác sờ tay khô ráo, mềm mại, tính quản lý ẩm tuyệt vời và khả năng thở cao. Điều này làm cho Viloft trở thành lựa chọn lý tưởng để bổ sung tính năng thoải mái cho quần áo.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Đã thu thập, tổng hợp phân tích các tài liệu, tổng quan về các vấn đề liên quan tới xơ, sợi Viloft, các vấn đề công nghệ cần quan tâm khi gia công xử lý vải từ xơ, sợi Viloft.
Đã hoàn thành đúng tiến độ các nội dung đã ký kết trong hợp đồng số 001/18 - DASXTN. Các nội dung thực hiện đều đạt so với các yêu cầu của hợp đồng thực hiện dự án thử nghiệm.
Xây dựng 03 quy trình công nghệ sản xuất sợi có chứa xơ Viloft để sản xuất vải dệt kim có độ cách nhiệt cao
Xây dựng 03 các quy trình thiết kế, công nghệ dệt vải dệt kim có độ cách nhiệt cao từ sợi Viloft pha Acrylic, Viloft pha Polyeste.
Xây dựng quy trình nhuộm sợi màu Viloft pha Polyeste dạng bobin
Đã sản xuất và tiêu thụ 43,55 tấn sợi và 22.093 kg vải dệt kim có độ cách nhiệt cao, đạt yêu cầu dựa án đặt ra là 20.000 kg và yêu cầu cụ thể của các khách hàng trong nước. Chỉ tiêu kỹ thuật của các mặt hàng của dự án được tổng hợp tại bảng 5.1. Từ kết quả thí nghiệm nhận được cho thấy cả 03 mặt hàng đều có các chỉ tiêu đạt và vượt so với yêu cầu đặt ra của dự án và khách hàng. Vải sản xuất ra được khách hàng chấp nhận, đưa vào sản xuất các mặt hàng may mặc, tiêu thụ tốt
Đây là một dự án đã ứng dụng nguyên liệu mới và các công nghệ dệt nhuộm hoàn tất các loại vải dệt kim cách nhiệt cao từ các nguyên liệu khác nhau, ứng dụng các công nghệ có tính cạnh tranh vào sản xuất may mặc cho Việt Nam. Dự án được triển khai sẽ làm tăng giá trị của vải dệt kim, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu vải, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tính cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường và tạo việc làm cho người lao động.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18570/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/