Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 21-07-2023

Mô hình đánh giá tác động của hỗ trợ chính phủ tới mức độ đóng góp ngân sách nhà nước từ phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở cả các nước đang phát triển và phát triển, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là các DNNVV, với 96% tổng số doanh nghiệp đóng góp gần 45% GDP và 31% tổng đầu tư trong năm 2016. Hơn nữa, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và tạo việc làm: như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, 51% tổng số việc làm ở Việt Nam được tạo ra bởi các DNNVV là động lực chính để giảm nghèo.

Tuy nhiên, sự phát triển của các DNNVV Việt Nam đã bị cản trở bởi một số yếu tố chính. Thiếu đất và khả năng tiếp cận không đều của các DNNVV là một trong những trở ngại chính. Phần lớn các DNNVV phải đối mặt với thiếu vốn tài trợ. Sự thiếu hụt lao động có kỹ năng và việc sử dụng công nghệ lỗi thời là những trở ngại cho sự phát triển của DNNVV. Phần lớn lực lượng lao động có trình độ đào tạo thấp. Vì vậy, trong những năm gần đây, đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ khu vực tư nhân và phát triển DNNVV, nhấn mạnh vai trò của chính phủ kiến tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thuận lợi hoá thương mại, minh bạch thông tin và tăng cường tiếp cận các nguồn lực của DNNVV như tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực. Ngoài ra, ở Việt Nam có rất ít bằng chứng thực nghiệm về vai trò của các loại hình hỗ trợ của chính phủ, cũng như vai trò tương tác hỗ trợ chính phủ và môi trường kinh doanh đến hiệu quả kinh doanh và mức độ đóng góp NSNN của doanh nghiệp, đặc biệt là với DNNVV. Từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Minh Thành tại Học viện tài chính đã thực hiện đề tài: “Mô hình đánh giá tác động của hỗ trợ chính phủ tới mức độ đóng góp ngân sách nhà nước từ phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa” từ năm 2019 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu làm rõ nội hàm lý thuyết của các khái niệm hỗ trợ Chính phủ; làm sáng tỏ thực trạng các khoản hỗ trợ Chính phủ đối với các DNNVV của Việt Nam trong những năm qua; và xây dựng mô hình phản ánh tác động của các khoản hỗ trợ Chính phủ đối hiệu quả hoạt động và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN) từ phía các DNNVV của Việt Nam.

Sau một năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:

Thứ nhất, đề tài hệ thống hóa được các vấn đề lý luận về các khoản hỗ trợ chính phủ. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp từ chính sách của Chính phủ trung ương bao gồm: hỗ trợ tài chính, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ nâng cao chất lượng đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, các khoản hỗ trợ gián tiếp từ phía địa phương thông qua cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Đa phần các nghiên cứu trước đây đều ủng hộ quan điểm cho rằng các khoản hỗ trợ Chính phủ có tác động tích cực đến DNNVV. Tuy nhiên, phương pháp nghiên cứu của các nghiên cứu trước đây chưa thực sự đáng tin cậy.

Thứ hai, đề tài hệ thống hóa được thực trạng các khoản hỗ trợ của Chính phủ đối với các DNNVV Việt Nam, bao gồm cả các khoản hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp.

Thứ ba, kết quả nghiên cứu định lượng của đề tài chỉ ra một số điểm đáng lưu ý sau: (i) chỉ có các khoản hỗ trợ tài chính (chủ yếu là hỗ trợ tín dụng) thể hiện được vai trò tích cực đối với khả năng sinh lời và mức độ đóng góp cho NSNN của DNNVV của Việt Nam; (ii) chưa có bằng chứng có ý nghĩa thống kê về ảnh hưởng của hỗ trợ thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại và hỗ trợ cải tiến chất lượng tới khả năng sinh lời và mức độ đóng góp cho NSNN của DNNVV của Việt Nam; (iii) môi trường kinh doanh có ảnh hưởng tích cực tới khả năng sinh lời của DNNVV Việt Nam nhưng không thể hiện được rõ ràng vai trò tới mức độ nộp thuế của các doanh nghiệp này.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu thực chứng, đề tài đưa ra những hàm ý chính sách chính (được coi như những khuyến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước) như sau: (i) Tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các DNNVV, tuy nhiên cũng cần đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng; (ii) Cần có thêm những nghiên cứu khác để đánh giá rõ hơn vai trò của các chính sách hỗ trợ thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại và hỗ trợ cải tiến chất lượng; (iii) Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó tập trung cải thiện cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích các hộ kinh doanh tham gia vào nền kinh tế chính thức và phát triển các ngành dịch vụ kế toán, dịch vụ thuế hướng đến các DNNVV.

Việc xem xét ảnh hưởng của hỗ trợ Chính phủ tới khả năng sinh lời và mức độ đóng góp cho NSNN từ phía các DNNVV tại Việt Nam là cần thiết cả về lý thuyết và thực tiễn.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18654/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 50
Hôm nay: 7236
Tổng lượt truy cập: 3.273.494
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.