Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 28-08-2023

Nghiên cứu cơ sở khoa học, định hướng sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và nguồn lợi vùng biển Tây Nam Bộ

Các hệ sinh thái biển điển hình ở vùng biển ven bờ, ven đảo như rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi bồi, vùng triều và cửa sông ở vùng biển Tây Nam Bộ có mức độ đa dạng sinh học cao, nguồn lợi sinh vật trong các hệ sinh thái này rất phong phú. Ngoài ra, trong và xung quanh các hệ sinh thái còn là nơi sinh cư, bãi đẻ, bãi giống của nhiều loài thủy hải sản, có vai trò quan trọng trong việc tái tạo nguồn lợi cho vùng biển Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các nghiên cứu đối với các hệ sinh thái và nguồn lợi sinh vật trong các hệ sinh thái ở đây chưa được thực hiện đồng bộ, có chiều sâu mà chỉ được thực hiện đơn lẻ ở một số đối tượng nhất định. Do đó, khi thực hiện quy hoạch khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thì thông tin tổng thể về đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản thường không đầy đủ.

Hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Tây Nam Bộ đã và đang diễn ra với cường độ cao, áp lực của hoạt động khai thác lên nguồn lợi rất lớn. Nguồn lợi sinh vật là nguồn lợi có thể tái tạo tuy nhiên nếu không có chiến lược quản lý tốt thì sự cân bằng nguồn lợi có thể bị phá vỡ, đa dạng sinh học bị suy thoái và sự suy giảm nguồn lợi là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ sang các thị trường quốc tế đã và đang gặp những rào cản thương mại do không có đầy đủ thông tin cần thiết về hiện trạng nguồn lợi ngoài tự nhiên và nguồn gốc các sản phẩm khai thác từ biển dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trưởng bị ảnh hưởng.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Khắc Bát tại Viện nghiên cứu hải sản đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học, định hướng sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và nguồn lợi vùng biển Tây Nam Bộ" từ năm 2017 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: xác lập được cơ sở khoa học về đa dạng sinh học, nguồn lợi và môi trường ở vùng biển Tây Nam Bộ; đề xuất được các giải pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và nguồn lợi vùng biển Tây Nam Bộ; và xây dựng được mô hình sử dụng hợp lý đa dạng sinh học có sự tham gia của cộng đồng.

Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thư được các kết quả như sau:

- Đã đưa ra danh mục loài hải sản gồm 2.331 loài sinh vật bắt gặp trong các hệ sinh thái ven biển, ven đảo và vùng biển Tây Nam Bộ. Trong đó, có 121 loài thực vật ngập mặn, 268 loài thực vật phù du, 146 loài động vật phù du, 640 loài cá, 212 loài chân bụng, 221 loài giáp xác, 163 loài hai mảnh vỏ, 43 loài động vật chân đầu, 9 loài cỏ biển, 161 loài rong biển, 254 loài san hô, 81 loài hải miên và 13 loài hải sản khác trong các hệ sinh thái ven biển, ven đảo là hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi bồi - vùng triều - cửa sông, rạn san hô, cỏ biển và vùng biển phía ngoài các hệ sinh thái.

- Đã xác định được 46 loài sinh vật nằm trong danh mục loài quý hiếm, nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng theo sách đỏ IUCN, gồm 01 loài ở mức nguy cấp CR; 7 loài ở mức EN; 33 loài ở mức VU.

- Đã đánh giá được trữ lượng nguồn lợi hải sản ở vùng biển Tây Nam Bộ, khoảng 618 - 721 ngàn tấn, gồm 108 - 126 ngàn tấn ở các hệ sinh thái ven biển, ven đảo (17,54%) và 510-594 ngàn tấn ở vùng biển phía ngoài các hệ sinh thái (82,46%).

- Đã xác định được sản lượng và cường lực khai thác của các đội tàu tỉnh Cà Mau và Kiên Giang gồm sản lượng khai thác trong vùng biển Tây Nam Bộ khoảng 465-513 ngàn tấn (chiếm 66-70%) và khai thác ở các vùng biển lân cận khoảng 125 - 198 ngàn tấn (chiếm 30-34%). Đã xây dựng được 6 luận cứ khoa học về đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản và 5 luận cứ thực tiễn về hoạt động nghề cá ở vùng biển Tây Nam Bộ, làm căn cứ để đề xuất giải pháp khai thác tài nguyên phù hợp với tiềm năng. Đã xây dựng cơ sở khoa học để đề xuất thành lập 01 khu bảo tồn biển ở Nam Du và 02 khu bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở mũi Cà Mau và khu vực Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc.

- Đã đề xuất quản lý nghề cá theo tiếp cận hệ sinh thái, phù hợp với tiêu chuẩn MSC (nghề khai thác ghẹ xanh, nghề khai thác cá cơm, nghề khai thác mực, nghề khai thác cá ngừ nhỏ) và tiêu chuẩn IFFO RS (nghề lưới kéo) đối với nghề các nghề cá ở vùng biển Tây Nam Bộ.

- Đã xây dựng mô hình lý thuyết cho sử dụng hợp lý nguồn lợi cá cơm có sự tham gia quản lý của cộng đồng. Giúp Tổ cộng đồng nghề lưới vây khai thác cá cơm huyện Phú Quốc xây dựng cơ chế hoạt động và các thủ tục pháp lý liên quan để thực hiện việc quản lý nguồn lợi cá cơm ở vùng biển Tây Nam Bộ.

Ngoài các kết quả nêu trên, đề tài còn đưa ra một số đề xuất dưới đây:

1) Xây dựng bộ hồ sơ đề nghị thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở 2 khu vực là: 1) khu vực Mũi Cà Mau và 2) khu vực tam giác Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc. Nghiên cứu đề xuất các quy định, cơ chế, chính sách để áp dụng vào thực tiễn quản lý đối với các khu vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

2) Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập khu bảo tồn biển đối với khu vực quần đảo Nam Du.

3) Lựa chọn 01 nghề cá cụ thể để thí điểm xây dựng kế hoạch quản lý theo tiếp cận hệ sinh thái, hướng đến một trong những nhãn sinh thái đang được áp dụng đối với sản phẩm khai thác từ biển.

4) Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài để áp dụng cho quản lý đa dạng sinh học và nguồn lợi ở vùng biển Tây Nam Bộ.

Kết quả nghiên cứu của đề tài không những giúp các cơ quan quản lý ngành có cơ sở khoa học để định hướng phù hợp trong việc khai thác, sử dụng nguồn lợi và đa dạng sinh học mà còn giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của nước ta chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguồn nguyên liệu được khai thác bền vững, phù hợp với các quy định quốc tế và tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18775/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 1155
Tổng lượt truy cập: 4.028.464
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!