Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 12-10-2023

Giải pháp cơ bản nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030

Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều các chính sách nhằm phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Một số chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế, xã hội cho vùng DTTS và miền núi có thể kể đến như Chương trình định canh định cư, Chương trình 135, Chương trình 30a. Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2016-2020) nhằm mục đích tăng thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo và tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ cơ bản đối với nhóm DTTS. Mặc dù đã có nhiều chính sách phát triển đặc thù nhưng tỷ lệ hộ nghèo và kết quả giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi vẫn chưa đạt được như mong đợi. Rất nhiều các nghiên cứu về đói nghèo đã được triển khai ở Việt Nam, tuy nhiên, các nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá tình trạng nghèo nói chung trên phạm vi toàn quốc, hoặc ở các tiểu vùng, các địa phương mà chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề cơ bản, cấp bách và giải pháp cơ bản cho giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, mặc dù đã có rất nhiều các chính sách về giảm nghèo nhưng các định hướng chính sách về giảm nghèo của Chính phủ dường như còn thiếu các định hướng dài hạn về giảm nghèo bền vững cho các vùng dễ bị tổn thương bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, và sự biến động của kinh tế-xã hội. Các chính sách hiện tại mới tập trung vào hỗ trợ và giải quyết các vấn đề của người nghèo trong ngắn hạn.

Vì vậy, rất cần có sự nghiên cứu đầy đủ để đề xuất các chính sách giảm nghèo bền vững và dài hạn cho các vùng dễ bị tổn thương bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và là nơi tập trung nhiều người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, PGS.TS. Trần Đình Thao đã phối hợp với các cộng sự tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài: “Giải pháp cơ bản nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030” từ năm 2018 đến năm 2020.

Mục tiêu của đề tài là xây dựng khung lý thuyết, phân tích và đánh giá thực trạng thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Việt Nam từ năm 1986 đến nay, đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam đến năm 2030.

Đề tài cũng đã chỉ ra những đóng góp về lý luận và thực tiễn; phân tích thực trạng nghèo dưới nhiều góc cạnh (theo vùng, theo dân tộc, qua nhiều giai đoạn và theo nhiều tiêu chí nghèo); phân tích được các kết quả, hiệu quả, tác động của các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đối với vùng DTTS và miền núi Việt Nam từ năm 1986 đến nay; phân tích được 7 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS và miền núi; nhận diện được 8 nhóm vấn đề cơ bản trong công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam hiện nay; nhận diện được 7 nhóm vấn đề cấp bách trong công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi. Trên cơ sở đó, đề tài cũng đưa ra được 4 dự báo xu hướng, diễn biến, ảnh hưởng của vấn đề nghèo ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam trong thời gian tới; và đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện 9 nhóm cơ chế, chính sách và các giải pháp cơ bản nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS và miền núi đến 2030.

Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần xây dựng, hoàn thiện và đề xuất định giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18820/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 1659
Tổng lượt truy cập: 3.263.899
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.