Thu thập, đánh giá nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm
Thành công trong công nghệ sinh học phụ thuộc nhiều vào sự đa dạng nguồn gen. Chính vì lẽ đó các quốc gia cũng như các công ty lớn đang tập trung nhiều công sức, tiền của vào việc thu thập và nắm giữ nguồn gen. Hiện nay trên thế giới có trên 600 sưu tập gen vi sinh vật. Điều đó có nghĩa là nhiều nước có không phải chỉ một sưu tập mà là có nhiều sưu tập (hoặc độc lập với nhau, hoặc liên kết với nhau một cách chặt chẽ). Không một nước nào muốn phát triển công nghệ sinh học mà không có ít ra một sưu tập gen vi sinh vật. Sưu tập giống chuẩn của Mỹ (ATCC) là sưu tập gen lớn nhất thế giới. ATCC hiện có trên 50.000 chủng vi sinh vật các loại, kể cả virus, thực khuẩn thể, các dòng tế bào động thực vật, các plasmid, đoạn DNA, các gen quí...
Sưu tập giống Vi sinh vật ở Việt Nam đã có tại các cơ sở nghiên cứu ngay trong những năm kháng chiến. Những sưu tập quan trọng trong nước bao gồm: Sưu tập giống Vi sinh vật Công nghiệp Viện Công nghiệp thực phẩm, Sưu tập giống chuẩn Đại Học Quốc Gia Hà nội, Sưu tập giống của Viện Công nghệ Sinh học, Sưu tập giống của Viện di truyền Nông nghiệp, Sưu tập giống của Viện Vệ sinh Dịch tễ... Sưu tập giống Vi sinh vật Công nghiệp đã có từ những ngày đầu thành lập Viện (1967) với 3 nhóm vi sinh vật chính là vi khuẩn, nấm men và nấm mốc.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học trong thời gian gần đây và quá trình mở cửa đã tạo ra nhiều hướng nghiên cứu và phát triển mới. Nhu cầu trong việc khai thác thế mạnh của nguồn gen bản địa cũng ngày càng trở nên rõ nét. Đòi hỏi về sự đa dạng của nguồn gen và khả năng đánh giá sâu sắc tiềm năng di truyền của nguồn gen do vậy cũng trở nên rất cấp thiết.
Nhằm duy trì và phát triển nguồn gen vi sinh vật hiện có nhằm tạo cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ sinh học của đất nước, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Thanh Thủy đứng đầu, Viện Công nghiệp thực phẩm, đã thực hiện đề tài: “Thu thập, đánh giá nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm” với những nội dung chính bao gồm: Điều tra khảo sát thu thập nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm; Đánh giá nguồn gen; Xây dựng cơ sở dữ liệu.
Theo hợp đồng với Bộ Công Thương, đề tài hoàn thành các nhiệm vụ thu thập và đánh giá nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm như sau:
1. Thu thập được 178 chủng vi sinh vật
- Phân lập 85 chủng nấm men chịu mặn (sinh lipase, sinh protease)
- Phân lập 73 chủng nấm mốc từ bánh men (phục vụ lên men rượu gạo)
- Phân lập 20 chủng vi khuẩn (phục vụ ứng dụng sản xuất probiotics)
3. Đánh giá nguồn gen
- Đánh giá 85 chủng nấm men chịu mặn bằng hình thái khuẩn lạc, PCR fingerprinting và định tên 11 chủng bằng giải trình tự rDNA.
- Đánh giá các đặc điểm di truyền, đặc tính sinh lí, sinh hóa của 6 chủng loài mới Moniliella, 1 chủng loài mới Yamadazyma.
- Đánh giá khả năng sinh lipase và protease của chủng nấm men chịu mặn (14 chủng có hoạt tính lipase và 13 chủng có hoạt tính protease).
- Đánh giá 73 chủng nấm mốc phân lập từ bánh men bằng hình thái khuẩn lạc, PCR fingerprinting và định tên 13 chủng bằng giải trình tự rDNA.
- Đánh giá khả năng sinh phát triển ở nhiệt độ khác nhau của 25 chủng nấm mốc bánh men.
- Đánh giá khả năng sinh enzyme amylase với cơ chất là tinh bột của 73 chủng mốc bánh men. Và khả năng thủy phân tinh bột của 25 chủng thuộc nhóm mốc khi có đường.
- Đánh giá khả năng lên men rượu từ các chủng nấm mốc và nấm men thuần (3 chủng nấm mốc, 2 chủng nấm men và giả men).
- Đánh giá đặc điểm sinh lý sinh hóa của 20 chủng vi khuẩn
- Đánh giá khả năng lên men các nguồn đường khác nhau và đánh giá khả năng sống sót trong dịch dạ dày nhân tạo của 20 chủng vi khuẩn.
- Đánh giá khả năng làm tan máu và kiểu hình lên men của 20 chủng vi khuẩn lactic
- Đánh giá khả năng bám dính của 2 chủng vi khuẩn trên màng nhầy ruột invitro
3. Bổ sung cơ sở dữ liệu cho 60 chủng, bao gồm:
- 20 chủng vi khuẩn
- 20 chủng nấm mốc từ bánh men
- 20 chủng nấm men (6 chủng thuộc 2 loài mới Moniliella; 1 chủng loài mới Yamadazyma vietnamensis; 13 chủng chịu muối).
Để khai thác hiệu quả nguồn gen đặc thù của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, các nghiên cứu chuyên sâu về đặc tính di truyền, sinh hóa của chủng giống cần được hỗ trợ triển khai mạnh mẽ hơn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17595/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/