Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 25-10-2023

Nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử chọn tạo giống lạc kháng bệnh héo xanh vi khuẩn Ralstonia Solanacearum Smith (giai đoạn 2)

Lạc là cây trồng quan trọng, là mặt hàng có giá trị phục vụ nội tiêu, xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thành tựu sản xuất lạc ở Việt Nam trong 15 năm trở lại đây đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về năng suất từ 1,82 tấn/ha (năm 2005) lên 2,48 tấn/ha (năm 2019). Tuy nhiên, năng suất tăng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có về điều kiện sinh thái. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các địa phương trồng lạc, đặc biệt là vùng đất trồng lạc nhờ nước trời như đất đồi gò, đất cạn và đất bãi ven sông đều bị bệnh héo xanh vi khuẩn (HXVK) gây hại làm giảm năng suất, chất lượng và sản lượng. Bệnh HXVK Ralstonia Solanacerum Smith là đối tượng gây hại nặng và chủ yếu trên cây lạc với khoảng 20% diện tích trồng bị nhiễm bệnh và làm giảm năng suất nghiêm trọng.

Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, để rút ngắn thời gian trong việc chọn tạo giống lạc kháng bệnh HXVK, ứng dụng chỉ thị phân tử là con đường ngắn và hiệu quả, không những góp phần hạn chế tác hại của bệnh mà còn hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng chống bệnh, bảo vệ môi trường và tạo sự đa dạng sinh học đối với cây lạc.

Kết quả giai đoạn 1 của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử chọn tạo giống lạc kháng bệnh héo xanh vi khuẩn Ralstonia solanacearum Smith” chọn lọc ra nguồn vật liệu phong phú phục vụ công tác nghiên cứu bao gồm: các nguồn vi khuẩn héo xanh lạc có độc tính cao, các chỉ thị phân tử có liên kết chặt với tính trạng kháng bệnh HXVK lạc, các dòng/giống lạc kháng bệnh HXVK có năng suất cao > 3,5 tấn/ha... Để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và phát triển các sản phẩm của đề tài phục vụ sản xuất nhằm giải quyết được các yêu cầu phòng chống bệnh HXVK lạc tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, do ThS. Nguyễn Xuân Thu dẫn đầu, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử chọn tạo giống lạc kháng bệnh héo xanh vi khuẩn Ralstonia Solanacearum Smith (giai đoạn 2)” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2020.

Mục tiêu của đề tài là chọn tạo được giống lạc kháng bệnh HXVK (Ralstonia solanacearum Smith) có năng suất và chất lượng cao bằng chỉ thị phân tử.

Đề tài đã thu được các kết quả như sau:

- Đã xác định bổ sung được 3 chỉ thị phân tử LEOH19, IPAHM 95 và P12.2 liên kết với tính trạng kháng bệnh HXVK ở mức có ý nghĩa, trong đó chỉ thị LEOH19 có hệ số liên kết khá (r2 = 0,546); độ tin cậy cao (p = 0,0001), hệ số biến động thấp (CV = 24.1865) được chọn để kiểm tra tính kháng bệnh HXVK của các dòng/giống lạc.

- Đã xác định bổ sung được 9 nguồn vi khuẩn có độc tính cao có thể sử dụng làm vật liệu phục vụ đánh giá khả năng kháng bệnh HXVK thông qua lây nhiễm bệnh nhân tạo gồm: Phú Cường 7, Phú Cường 8, Phú Cường 9, Phú Cường13, Phú Cường 14, Phú Cường 15, Phú Cường 16, Phú Cường 17, Phú Minh 1, Phú Minh 2 và Sóc Sơn 6.

- Đã chọn được 34 dòng, giống lạc kháng bệnh HXVK, có năng suất cao 3,65 - 4,13 tấn/ha bằng chỉ thị phân tử kết hợp với đánh giá nhân tạo khả năng kháng bệnh HXVK và đánh giá năng suất từ nguồn vật liệu tạo mới và kế thừa.

-  Đã công bố lưu hành 1 giống lạc L29 và xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác cho giống lạc L29; Chọn được 2 giống lạc L34, L35 có khả năng kháng bệnh HXVK, năng suất cao hơn đối chứng đã được khảo nghiệm quốc gia và được đề nghị khảo nghiệm sản xuất để mở rộng ra sản xuất.

- Đã hoàn thiện quy trình ứng dụng chị thị phân tử trong chọn tạo giống lạc kháng bệnh HXVK gồm 6 bước và áp dụng thành công chọn tạo được một số dòng/giống lạc kháng bệnh.

- Đã xây dựng thành công 05 mô hình sản xuất thử nghiệm giống lạc mới L29 kháng bệnh HXVK, có năng suất cao tại các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An. Tại các địa phương giống lạc L29 có năng suất cao từ 4,12 - 4,67 tấn/ha vượt giống đối chứng (giống L14 đang sản xuất đại trà) từ 20,1 - 20,6%. Hiệu quả kinh tế tăng hơn từ 21,8 - 23,5%.

Bệnh HXVK là đối tượng rất khó phòng trừ do nguồn bệnh tồn tại lâu trong đất. Trong khi diện tích trồng lạc của nước ta chủ yếu ở vùng nước trời (không thường xuyên được luân canh với cây trồng nước) nên mức độ bệnh gây hại khá cao. Tuy nhiên, nhờ có các giống lạc (là sản phẩm của đề tài) tạo ra có khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn, do vậy người trồng lạc sẽ không bị thất thu nếu dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm lạc đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19064/2021) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 11
Hôm nay: 1030
Tổng lượt truy cập: 3.263.270
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.