Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 09-01-2024

Nghiên cứu đề xuất các chỉ số tổng hợp phản ánh đóng góp, tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Bên cạnh việc đo lường chỉ số yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) như là một thước đo phản ánh đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) vào tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng bắt đầu chú trọng đến công tác xây dựng các chỉ số đo lường STI. Trước hết, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã xây dựng Danh mục chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN. Tiếp đến, Bộ KH&CN định kỳ đều có khảo sát thống kê về tiềm lực KH&CN của các tổ chức KH&CN, bao gồm nguồn nhân lực và chi tiêu cho các hoạt động R&D.

 

Các hoạt động thống kê này không chỉ bao gồm trong các tổ chức KH&CN công lập mà còn mở rộng sang cả khu vực doanh nghiệp. Ngoài ra, trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã tích cực cung cấp thông tin, dữ liệu cũng như theo dõi các chỉ tiêu của Bộ chỉ số ĐMST toàn cầu (GII). Việc cải thiện công tác thống kê số liệu liên quan đến GII giúp đa số các chỉ tiêu để tính toán GII của Việt Nam đã không còn bị khuyết thiếu vì không có số liệu, quan đó giúp điểm số và thứ hạng GII của Việt Nam được tính toán khách quan và chính xác hơn.

Mặc dù vậy, cho đến nay hầu như chưa có nghiên cứu nào tại Việt Nam rà soát liệu các chỉ tiêu KH&CN cũng như các chỉ tiêu trong bộ chỉ số GII có phù hợp để phản ánh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thực trạng và nhu cầu phát triển KHCN và ĐMST tại Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung cho thấy tính cấp thiết trong việc xây dựng bộ chỉ số ĐMST phù hợp. Do đó, năm 2020, ThS. Đinh Tuấn Minh đã phối hợp với nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất các chỉ số tổng hợp phản ánh đóng góp, tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu tổng quan các phương pháp phản ánh đóng góp, tác động của STI đối với tăng trưởng kinh tế hiện đang được áp dụng trên thế giới; và lựa chọn một số chỉ số STI tổng hợp phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam và đánh giá mức độ đóng góp, tác động của STI vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên các chỉ số đó.

Dưới đây là một số kết luận chính của nghiên cứu:

Thứ nhất, các mô hình tăng trưởng kinh tế từ tân cổ điển cho đến nội sinh và mô hình tiến hóa, đều chỉ ra vai trò quan trọng của STI đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Đặc biệt, mô hình tiến hoá tăng trưởng kinh tế chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế dài hạn của một nền kinh tế phụ thuộc vào sự hội tụ của rất nhiều yếu tố, trong đó hệ thống ĐMST của quốc gia đó đóng một vai trò đáng kể.

Thứ hai, quá trình phát triển của các chỉ số thống kê STI gắn liền với quá trình dịch chuyển các chính sách STI của các quốc gia trên thế giới, cụ thể chuyển dần trọng tâm từ chính sách khoa học sang chính sách công nghệ và sang chính sách ĐMST. Các chỉ số STI vì thế không chỉ bao gồm các yếu tố đầu vào như số nhà khoa học, chi tiêu cho R&D mà bao gồm cả các yếu tố đầu ra như số bằng sáng chế, số bài báo khoa học, các đo lường về thay đổi chất lượng sản phẩm, và dần dần bao quát cả các quá trình sản sinh và lan tỏa tri thức.

Thứ ba, việc đo lường phản ánh đóng góp của STI trong tăng trưởng kinh tế có thể tiến hành rà soát hai cách tiếp cận: đo lường dựa theo phương pháp kế toán tăng trưởng và theo phương pháp tương quan.

Thứ tư, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hình thành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, đa số các chỉ tiêu KH&CN được liệt kê trong hệ thống hiện nay chưa được công bố công khai (23/53) hoặc không được công bố định kỳ (22/53), khiến cho việc thu thập trở nên khó khăn. Chỉ có 8/53 chỉ tiêu được tìm thấy công khai, đều đặn và đúng kỳ công bố. Khi so sánh Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN với bộ chỉ số GII, các tác giả nhận thấy trong số 73/81 chỉ tiêu mà Việt Nam có số liệu trong ký đánh giá năm 2019, chỉ tìm thấy 4 chỉ tiêu có trong danh mục thống kê ngành KH&CN. Điều này phản ánh rằng hệ thống thống kê ngành KH&CN của Việt Nam chưa quan tâm đến các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động ĐMST.

Thứ năm, dựa trên các kiểm định tương quan giữa các chỉ số trụ cột của STI với tăng trưởng kinh tế trên bộ số liệu mảng của 43 quốc gia có những đặc điểm chung tương đồng với Việt Nam, nhóm nghiên cứu nhận thấy có 04 chỉ tiêu có hệ số tương quan cao với các chỉ tiêu GDP và thể hiện mối tương quan cao trong các mô hình kiểm nghiệm, đó là: (1) Tổng chi cho R&D (GERD); (2) Số đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo nước xuất xứ; (3) Xuất khẩu công nghệ cao; và (4) Phần chi R&D do doanh nghiệp thực hiện. Ngoài ra, có 02 chỉ tiêu tuy có hệ số tương quan trung bình với các chỉ tiêu GDP, nhưng vẫn xuất hiện mối tương quan cao trong ít nhất 1 mô hình kiểm nghiệm, đó là: (5) Tỷ lệ đăng ký học đại học; và (6) Số nhà nghiên cứu, FTE.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu nhận thấy phương pháp kế toán tăng trưởng mở rộng để đo lường đóng góp của STI trong tăng trưởng kinh tế có thể khả thi tại Việt Nam nếu như có thể thống kê được các dữ liệu về tài sản phi vật chất, cụ thể như sau: i) Thông tin dữ liệu máy tính: phần mềm và dữ liệu; (ii) Tài sản sáng tạo (khoa học và phi khoa học): R&D, thiết kế (bao gồm thiết kế kiến trúc và kỹ thuật), phát triển sản phẩm trong lĩnh vực tài chính, thăm dò khoáng sản và sáng tạo nghệ thuật; và (iii) Năng lực kinh tế: doanh nghiệp đầu tư vào thương hiệu, vốn con người và vốn tổ chức. Các dữ liệu này được yêu cầu thu thập ở cấp ngành.

Việt Nam là một nước đang phát triển. Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, các chính sách STI của Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển từ chính sách khoa học, sang chính sách công nghệ, và sang chính sách ĐMST. Điều này phản ánh sự nhìn nhận của giới làm chính sách về vai trò ngày càng quan trọng của STI đối với tăng trưởng kinh tế. Để có thể đưa ra được những chính sách phù hợp theo hướng này, một trong những yêu cầu quan trọng là phải xây dựng được các chỉ số STI phản ánh được các hoạt động ĐMST của nền kinh tế.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19570/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 12
Hôm nay: 1575
Tổng lượt truy cập: 3.262.099
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.